Một góc khu lều trọ học của học sinh các dân tộc ở huyện Quan Sơn. |
Huyện vùng cao biên giới Quan Sơn có 11 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135. Sau khi chia tách từ huyện Quan Hoá (cũ), năm học 1999-2000, huyện Quan Sơn chính thức thành lập trường THPT Quan Sơn. Không giống với những địa bàn khác, phần lớn học sinh của trường là ở các xã biên giới, cách trường hàng chục ki lô mét đường rừng.
Do không có khu nội trú, hàng trăm học sinh phải dựng lều trọ xung quanh trường để theo học. Năm 2004, nhà trường được đầu tư xây dựng khu bán trú với 20 phòng, giải quyết chỗ ở cho hơn 200 học sinh thuộc diện gia đình khó khăn, gia đình chính sách… Còn lại hơn 60 học sinh của trường vẫn phải dựng lều tạm bợ để trọ học khi bắt đầu bước vào THPT.
Lều của các em Lương Văn Lâu (lớp 10A9); Lò Văn Quanh, lớp 12K; Lò Văn Vang (xã Tam Thanh), học lớp 10A7 và lều của các em Lương Thị Thuỷ (xã Sơn Hà), học lớp 12G; Vi Thị Hon (xã Trung Thượng, học lớp 10A9); Vi Thị Liêm (xã Na Mèo, học lớp 12E)… thật đơn sơ.
Ngoài dây, móc treo quần áo, thì mọi sinh hoạt ăn, ngủ, học bài đều ở trên mặt sàn được xếp bằng những tấm ván, gỗ, mành luồng mỏng, cách mặt đất gần 1m. Trung bình diện tích mỗi lều chừng gần 10 m2 (từ 4 đến 5 em ở); có lều chỉ hơn 3 m2 (từ 2 đến 3 em ở). Nơi nấu cơm được đặt ngay góc lều, nơi có chiếc kiềng và mấy viên gạch, đá xếp hàng, vài chiếc xoong treo trên vách.
Phần lớn những túp lều trọ học ở đây được làm bằng luồng, lợp lá kè, lá cọ dựng sơ sài. Khi các em thi đỗ vào trường THPT Quan Sơn cũng là lúc bố mẹ các em lo lên rừng chặt luồng, nứa, lá kè mang xuống trường làm lều cho con trọ học. Cũng có nhiều em phải tự vào rừng chặt củi, luồng, lá cọ về dựng chỗ ở cho mình.
Vi Thị Nhâm (xã Trung Thượng, học sinh lớp 11K) lo lắng: "Nhiều đêm mùa đông lạnh cóng, nghe tiếng gió luồn qua vách, buồn đến phát khóc. Nhiều khi các em phải bỏ dở bài tập ở nhà để động viên nhau. Có hôm ngồi trên lớp học, thầy cô cho biết dự báo thời tiết sẽ có mưa to. Chúng em lại lo lắng cho căn lều của mình".
Hà Văn Tưởng (bản Phe, xã Tam Thanh, học lớp 12E) kể: "Ở đây đã có lều bị cháy vào mùa khô. Còn mùa mưa thì không lường trước được. Lều có thể bị sập, trôi là chuyện thường".
Phần lớn các em trọ học ở đây đều con gia đình nghèo, bố mẹ là nông dân. Do xa nhà nên vài ba tháng các em mới về một lần để lấy thực phẩm xuống. Cuộc sống xa gia đình tạo cho các em tính tự lập sớm. Nỗi lo toan thiếu thốn trong từng bữa ăn cũng hằn lên trên khuôn mặt của các em. Bên cạnh đó, các lều ở tản mát, nhà trường rất khó quản lý, vào buổi tối các em còn phải "đối phó" với thanh niên bản "ghé thăm" quấy phá.
Khó khăn là thế nhưng các em vẫn đến trường đều đặn, bám lều trọ học. "Quê em còn khó khăn lắm, chúng em phải cố gắng học để vào đại học, học nghề về giúp địa phương, không phụ lòng của dân bản. Em nhớ mãi ngày ra huyện đi học, trưởng bản nắm tay em dặn dò: Nhanh đem cái chữ về dạy cho lũ trẻ của bản ta nhé...", Lò Văn Vang, học sinh lớp 10A7, tâm sự.
Thầy Phạm Bá Nhoan, Hiệu phó trường THPT Quan Sơn cho biết: "Ngoài việc kiểm tra tình hình học tập và cuộc sống, nhà trường còn phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự để các em yên tâm học tập. Tuy còn nhiều khó khăn mà cả thầy, trò của nhà trường đang khắc phục, nhưng chúng tôi rất tự hào về sự cố gắng của các em".
Ông Phạm Bá Diệm, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn hồ hởi: "Tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện còn trên 30%, nhưng mừng là mỗi người dân nơi đây luôn tạo mọi điều kiện cho con em đến trường. Ở huyện này, cứ ba người dân có một người đi học. Ngành giáo dục huyện đã vận động được trẻ em dân tộc Thái, Mông ở vùng sâu, vùng xa đến trường. Tỷ lệ đi học ngày càng cao".
(Theo Tiền Phong)