Chị Hường (thứ hai từ trái qua) và chồng con. |
Hai đứa con nhỏ tiếp mẹ, cắt tay mình ký nốt gần 30 lá đơn còn lại. Nhưng để những lá đơn kêu oan này đến được các cơ quan chức năng, chị lại phải tiếp tục bán máu mình lấy tiền làm lộ phí.
Chị Trần Ngọc Hường kể lại nỗi oan khiên ập xuống gia đình mình bắt đầu từ một lá đơn tố cáo. Năm 1998, chồng chị là anh Võ Phi Sơn (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đi Tây Ninh tìm mua một miếng đất để mở vườn cây cảnh. Mọi chuyện ban đầu diễn ra suôn sẻ. Các giấy tờ mua đất, xây nhà, kinh doanh cây kiểng đều do anh đứng tên hợp pháp.
Bất ngờ, một người bạn gửi đơn tố cáo anh Sơn nợ anh ta 350 triệu đồng. Từ vụ kiện dân sự này, tòa án đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra. Sau đó, anh Sơn bị khởi tố vì hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, rồi bắt tạm giam để điều tra.
Anh Sơn khẩn thiết kêu oan. Tháng 9/2001, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên án anh 8 năm tù. Ba tháng sau, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm vì còn nhiều điểm chưa rõ, giao cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Gần hai năm sau, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh Sơn vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được hành vi phạm tội.
Ngày 3/8, TAND tỉnh Tây Ninh đăng báo cải chính, tuyên bố anh Võ Phi Sơn vô tội.
Hôm tiễn anh Sơn vô tù, chị Hường thấy trời đất như sụp đổ, nhưng chính tiếng hét kêu oan với ra của chồng trong xe tù đã làm chị gượng dậy. Hai đứa con nhỏ đang làm bài thi chuyển lớp nghe tin cha bị kết án tù đã gục mặt khóc ướt cả giấy thi và không thể nào làm bài được nữa.
Chị Hường kể, Võ Kim Ngọc, đứa con gái học lớp 6, nói: “Nếu không kêu oan được cho ba thì con sẽ tự sát để mẹ ôm hình con ra Hà Nội mà xin người ta cứu ba”. Lời của trẻ nhỏ làm chị đau xé ruột. Chị thắp nén nhang, cắm lên bàn thờ ông bà rồi cùng thề với các con: “Nếu không giải oan được cho ba, không lấy lại được danh dự cho gia đình này thì cả nhà nguyện cùng chết một ngày với nhau”.
Phần lớn tài sản đầu tư ở Tây Ninh đã bị phong tỏa trong vụ án, để có lộ phí đi kiện chị bán chiếc xe máy duy nhất. Rồi năn nỉ, thậm chí quỳ lạy, van xin những mối hàng còn nợ chị tiền thanh toán cho chị để có tiền. Cùng lúc này, chị nhận được nhiều lời đe dọa nặc danh “sẽ rạch mặt, cho xe cán chết mày ở đầu đường xó chợ”.
Chị Hường cắt mái tóc dài, mặc quần áo tu hành, hóa trang thành ni sư mỗi lần ra đường. Trước khi đi, bao giờ người mẹ cũng ôm con dặn dò: “Mẹ đã sao toàn bộ hồ sơ khiếu nại cho ba con ra hai bản giấu dưới gầm giường và gửi nhờ nhà dì. Nếu mẹ không may bị chuyện gì, không về được thì các con cứ lấy hồ sơ đó mà đi kiện thay mẹ”.
Trời còn tối đen nghịt, chị Hường đã lò mò trong bộ quần áo ni sư ra đón xe đò từ Vĩnh Long đi Tây Ninh để không bị ai phát hiện. Lên đến các cơ quan cần khiếu kiện, chị xin vào nhà vệ sinh thay quần áo rồi mới dám gõ cửa phòng các vị lãnh đạo. Nhiều người hững hờ: “Chuyện đã đến tay công an, tòa án rồi thì cứ để họ làm tròn trách nhiệm. Về nhà chờ đi”. Người quan tâm đến chị cũng chỉ nói vài câu chỉ bảo gõ cửa thêm nơi này, nơi nọ.
Hàng chục lần ra đi với hi vọng, để rồi hàng chục lần chị phải trở về trong thất vọng. Các chứng bệnh nan y của phụ nữ và thận hành hạ chị ngày càng suy kiệt. Cuộc sống gia đình cũng lâm vào túng quẫn vì không còn người lao động chính. Chị dựng tạm chòi trên cái chuồng heo cũ của mẹ để ở tạm. Con chị nghỉ học, đội chuối chiên bán dạo để phụ tiền mẹ đi kêu oan cho cha.
Mỗi ngày hai đứa đi bộ từ thị trấn Long Hồ ra đến cầu Mỹ Thuận dài hàng chục km. Ngày nắng bán hết, buổi mưa vắng khách hai đứa nhỏ ăn chuối ế thay cơm. Cuộc sống của ba mẹ con dưới mái chòi này ngày càng bế tắc hơn vì chị vừa lo đi khiếu kiện vừa lo khăn gói đi thăm nuôi chồng mỗi tháng ba lần ở Tây Ninh. Các con chị nhiều đêm chong đèn kéo tép ngoài sông, để làm mắm gửi cho cha.
Không thành công ở Tây Ninh, chị Hường lại tiếp tục khăn gói đi TP HCM gửi đơn, tìm người cầu cứu. Nhiều chuyến đi về hết tiền, chị đành thú thật với nhà xe tình cảnh mình. Họ định đuổi xuống, nhưng khi đọc những lá đơn của người đàn bà lặn lội kêu oan cho chồng, đã xót thương chị nên miễn phí tiền xe.
Không có tiền mua thức ăn ở thành phố, chị phải mang bọc cơm với muối ớt nấu ở nhà theo. Nhiều lúc bận việc, nán lại thành phố vài ngày, gói cơm thiu mốc meo. Chị ra vòi nước công cộng rửa lại cơm để ăn tạm. Lúc này chị lại bị chứng bệnh đau bao tử hành hạ. Đêm ngủ trên chiếu trọ vài nghìn đồng ở bến xe, chị cắn răng vào vạt áo để kìm tiếng khóc. Ở nhà, hai con chị cũng đi mò cua bắt ốc ngoài đồng để ăn.
Một năm, rồi 2-3 năm, căn chòi của ba mẹ con ngày càng rách nát hơn, nhưng chị vẫn tiếp tục đi gõ cửa kêu oan cho chồng. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi không thể giúp chị bình tĩnh, cứng cỏi mãi được. Nhiều đêm mất ngủ, chị lần tìm chai thuốc trừ sâu, nhưng rồi kịp trấn tĩnh lại khi nhìn hai đứa con thơ đang say ngủ.
Chị lại tiếp tục khăn gói đi kêu cứu. Không còn tiền, chị ra Cần Thơ bán máu để làm lộ phí. Bác sĩ bệnh viện lắc đầu khi nhìn thấy cơ thể suy kiệt của chị. Sợ bị từ chối, chị xin tiết vịt hòa với rượu uống để da dẻ hồng lên. Mỗi lần bán 250 ml, chị ngồi gục xuống thật lâu trên vỉa hè rồi mới đủ sức đi tiếp. Khi vị bác sĩ biết lý do chị bán máu, ông ái ngại cho chị tiền và khuyên chị đừng bán máu nữa nếu còn muốn tiếp tục sống.
Gom hết số tiền bán máu và vay mượn thêm từ bà con, hàng xóm tốt bụng, chị quyết tâm đem những lá đơn ký bằng máu mình và các con ra Hà Nội như một nỗ lực cuối cùng. Đêm trước khi đi, chị ôm các con cặn kẽ dặn dò: “Dù thế nào, các con cũng phải sống, phải minh oan, phải rửa được nỗi nhục này cho gia đình. Mẹ tin rằng có đêm đen thì nhất định phải có bình minh”.
Sau tất cả những nỗ lực ấy của chị, cuối cùng bình minh cũng tới khi nhận được giấy đình chỉ điều tra của công an đối với chồng và lời cải chính của tòa án, khi những thân phận trong cái chòi rách nát này gần như mất hẳn niềm tin.
(Theo Tuổi Trẻ)