Tôi và chồng từng ly hôn rồi lại tái hôn. Sau khi kết hôn được khoảng hơn một năm thì chúng tôi quyết định đường ai nấy đi do chồng tôi vũ phu, anh không những đánh chửi mà còn đặt điều với tôi. Nói thêm là chồng tôi từng có một đời vợ và hai người chia tay cũng vì lý do này. Khi anh đến với tôi, anh kể rằng vợ anh theo trai nên tôi mới tin và chấp nhận đến với anh.
Nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình là do chúng tôi bị áp lực trả nợ vay mua nhà. Sau khi quyết định mua nhà được 3 tháng thì chồng tôi thay đổi ý định đòi bán để về nhà chồng xây nhà nhưng tôi không đồng ý với việc đó. Từ đó dẫn đến việc vợ chồng mâu thuẫn. Chồng tôi còn đòi lập biên bản chia đôi tài sản nhà và nợ, cũng như chia đôi khoản sinh hoạt phí khi sống chung.
Có lần anh đánh tôi một trận đòn không thương tiếc và đầy nhục nhã trước mặt hàng xóm, mặc dù tôi đã lấy điện thoại để gọi người nhà anh đến trong khi anh đi tìm dao dọa giết tôi nhưng khi người nhà anh tới, không một ai lên tiếng can ngăn anh và bỏ mặc tôi ê chề như vậy. Thời gian đó tôi như tê liệt tất cả tinh thần vì đã nhiều lần anh hứa sẽ không hành xử như vậy nữa và tôi thì ngu ngốc tin anh. Sau đó những vết thương trên người tôi bị gia đình tôi phát hiện. Bố mẹ tôi không chấp nhận được chuyện này bắt tôi về nhà mình ở và có tới nhà chồng tôi để nói về việc này. Bố mẹ anh không để cập đến vấn đề anh bạo hành tôi mà chỉ giải thích với bố mẹ tôi rằng tôi không xin phép nhà chồng khi mua nhà, mặc dù việc mua nhà là hoàn toàn do chồng tôi quyết định.
Sau sự việc đó cũng không ai nói gì lại với tôi và nhà tôi. Được một thời gian tôi mang thai (sau hai lần lưu thai liên tiếp trong vòng 4 tháng cùng năm đó) nên tôi phải nhập viện. Anh có tới chăm sóc (mặc dù lấy tiền của mẹ tôi chăm tôi) nhưng tôi cũng bằng lòng về nhà ở tiếp với anh. Thời gian sống với nhau được 4 tháng thì dẫn tới ly hôn lý do cũng vẫn là vì việc trả nợ ngân hàng ngôi nhà mua chung. Khi ly hôn anh nói trước tòa không hề có con chung với tôi, tôi lúc đó quá tự ái nên không giải thích gì. Suốt thời gian đó tôi được bố mẹ đẻ chăm sóc do bị ốm và động thai cho tới khi sinh con thì anh xuất hiện và tôi lại một lần nữa về ở với anh. Tôi vì tự trọng nên chỉ về thời gian ngắn rồi lại về nhà bố mẹ đẻ.
Thời gian ở đó chỉ chưa đầy một tháng nhưng mẹ anh vắng nhà 17 ngày, bố anh thì chỉ về nhà lúc ăn cơm còn lại tự tôi lủi thủi một mình nhưng bố anh lại nói tôi là “bắt hai thân già phải hầu hạ”, mẹ anh thì nói tôi đầy ải nhà anh. Thực sự tôi luôn rơi vào trạng thái hoang mang khi nghe và chịu đựng những hành động chủ ý tổn thương của bố mẹ chồng. Dù thế tôi vẫn cố ở đợi tới lúc thích hợp thì về nhà bố mẹ nên những việc đó không phải là lý do để tôi ra đi.
Khi còn 4 ngày nữa là hết hạn đăng ký khai sinh thì chúng tôi đăng ký kết hôn và khai sinh cho con cùng ngày. Từ đó tôi luôn nói với nhà chồng và chồng là muốn anh về lại ngôi nhà chung cũ để ở nhưng anh nhất quyết từ chối. Vậy là tôi về nhà mẹ đẻ ở cho tới nay, con tôi đã bước sang tháng thứ 10. Cũng cần nói thêm là ở nhà anh có bố mẹ anh cùng cô em gái đã ly hôn và con trai của cô ấy ở cùng. Suốt 5 tháng tôi sinh con anh không hề chu cấp tiền cho mẹ con tôi và tôi đấu tranh mãi thì anh mới đưa mỗi tháng 1 triệu. Vì nuôi con bằng sữa ngoài nên tốn kém mọi khoản đều do bố mẹ tôi nuôi hai mẹ con, anh lại còn chửi rủa tôi là không xứng đáng làm mẹ vì không có dòng sữa cho con, rồi thì tôi không bằng vợ cũ của anh, anh chỉ nuôi vợ cũ của anh vì cô ấy không có lương còn tôi có lương thì tự phải lo hết. Không chỉ có vậy, những khi có nhu cầu với tôi, anh lại cầu xin tha thứ nhận sai và hứa sửa chữa. Xong xuôi anh lại biệt tăm hờ hững lửng lơ với mẹ con tôi.
Giờ đây tôi chỉ muốn ly hôn lần nữa người chồng này nhưng anh ta dọa là sẽ tới cơ quan kể xấu tôi mà thực chất chỉ là những lời vu oan. Phải nói thêm là chồng tôi là một sĩ quan quân đội làm công tác chính trị ở một huyện đội địa phương nên nhìn bên ngoài lời anh nói ai cũng tin. Hiện giờ tôi vô cùng bế tắc, xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên đúng đắn vào lúc này.
Hạnh Hạnh
* Gửi tâm sự của bạn để được độc giả chia sẻ, gỡ rối tại đây. Lưu ý bài viết bằng tiếng Việt có dấu.