Thời cơ để chúng ta có hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến một cách dễ dàng. Ngay cả khi các bạn gái thành đạt trong con đường công danh, sự nghiệp, có thể có cuộc sống kinh tế khá giả, chẳng cần đến ai giúp đỡ, thì vẫn luôn ước mong có một mái ấm gia đình, một người chồng biết yêu thương, chia sẻ, vẫn muốn có những đứa con thông minh, xinh xắn.
Chỉ trừ một số ít người vì những lý do thật riêng mà họ chấp nhận cuộc sống đơn chiếc, còn hầu hết mọi người đều nhận xét rằng "Không có gì thay thế được hạnh phúc lứa đôi". Chúng ta vẫn quen thuộc với lời ca "Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn". Song cũng có thể nói: "Lấy chồng muộn làm gì, nếu như ta không có ý định ở vậy?".
Tuy nhiên có những người phụ nữ hoàn toàn có cơ hội yêu đương và lấy chồng ở độ tuổi đã chín chắn, nhưng họ lại không chịu lấy chồng vì những lý do rất khác nhau.
Lý do đầu tiên là kiểu "yêu cầm chừng" của một số chị em. Họ đưa ra một chủ trương mà thoạt nghe rất có lý, đó là "tình yêu là đẹp đẽ, vậy thì vội gì mà lấy chồng để phải có gông đeo cổ. Hãy cứ tận hưởng tình yêu đã, bao giờ chán sẽ lấy chồng để tu chí làm ăn".
Tình yêu thật sự phải thôi thúc hai người có nhau trọn vẹn, phải tạo ra sự mong muốn có nhau trọn đời. Khi yêu nhau mà còn mang trong mình tư tưởng "đã chắc gì lấy nhau" thì yêu nồng nhiệt làm sao được? Cân nhắc đắn đo trong chuyện hạnh phúc trăm năm là cần thiết, nhưng cứ đứng núi này trông núi nọ, thả mồi bắt bóng, kéo dài lẵng nhẵng giai đoạn yêu thì dù tình yêu có đẹp đến mấy cũng làm cho người ta mệt mỏi.
Chẳng lẽ các bạn gái ấy lại muốn bước vào đời sống hôn nhân với một tâm trạng đã ê chề, chán nản? Hai kẻ mệt mỏi, chán ngán thì xây làm sao được tổ ấm hạnh phúc, một công việc không mấy dễ dàng? Thế là ngoảnh đi ngoảnh lại, tuổi trẻ qua mau, cơ hội đã ít dần.
Ngày nay phụ nữ được bình đẳng với nam giới, họ có bao nhiêu cơ hội để phấn đấu cho sự nghiệp và học hành thành đạt. Nhiều chị em học xong đại học, lại muốn có bằng đại học nữa. Thấy thế vẫn chưa đủ, họ lại cố làm nốt cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Khi đã say mê sự nghiệp, học hành, thì các chị ngại lấy chồng, đẻ con, ngại gánh vác việc gia đình.
Thế là đến lúc có vài tấm bằng trong tay, hay đã trở thành trưởng phòng, giám đốc thì tuổi tác cũng đã kha khá, muốn có một mái ấm gia đình thì "cao không tới, thấp không đành". Không thiếu chị đã ngậm ngùi ngồi chờ dịp may, nếu không muốn tham gia vào các câu lạc bộ của những người đơn lẻ.
Học hành và sự nghiệp là việc làm của cả một đời người, học hành để có bằng nọ cấp kia cũng chỉ là phương tiện để ta làm việc tốt hơn, hạnh phúc hơn, chứ nhất định không phải là cái đích mà ai cũng cố đạt được. Nhiều bạn gái ngày lễ, ngày tết rất ngại đi chơi, bởi thấy người ta chồng nọ, con kia, mình thì lẻ loi đơn chiếc. Lúc ấy những tấm bằng, những chuyến đi công tác nước ngoài, chức vụ hay địa vị cao cũng chẳng làm ấm lòng các bạn.
Có nhiều bạn gái chẳng phải ham tận hưởng tình yêu, chẳng phải mải học hành hay phấn đấu cho sự nghiệp, mà do kén chọn quá, đắn đo quá, đòi hỏi quá, cuối cùng cũng đành muộn mằn. H. bước vào mối tình đầu từ năm 19 tuổi. Đến năm hai mươi ba, cô quyết tâm chia tay với người yêu vì anh có tật... hút thuốc lá, giáo dục mãi anh không bỏ được.
Hai năm sau cô gặp mối tình thứ hai, những cũng chỉ được một thời gian cô lại chê anh không có chí hướng phấn đấu. Đến gần 30 gặp được một anh đã ly dị vợ, nhưng cô lại suốt ngày dằn vặt so bì rằng mình thiệt quá, gái tơ mà lại phải lấy người đã có một đời vợ. Thấy lằng nhằng hai năm chưa đi đến đâu, anh cũng chủ động chia tay với cô. Thấy có nguy cơ muộn mằn, bạn bè cũng giới thiệu cho cô đám này đám khác, nhưng đám nào cũng chưa vừa ý cô. Đám thì cô chê nhà ở mãi ngoại thành, lại nhiều anh em, sợ sau này phải cáng đáng nhiều việc quá, đám thì cô chê thấp, đám lại nói ngọng, lẫn lộn l với n, đám thì cô bảo "đàn ông chậm mồm chậm miệng thế thì còn làm ăn gì được". Thế là đến bây giờ cô vẫn chưa chọn được người bạn tâm đầu ý hợp để tiến tới chuyện trăm năm.
(Theo Thị Trường Tiêu Dùng)