Ông Tám Hiệu và dãy mộ tình thương do ông xây. |
Ông Tám Hiệu (tên thật là Nguyễn Văn Sáng), sinh năm 1936, tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, theo cha mẹ vào sinh sống tại Long Khánh lúc vừa lên 3 tuổi. Không lâu sau, mẹ ông qua đời. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi, 2 năm sau ông chịu thêm tang cha.
Tưởng rằng đau thương sẽ buông tha, nhưng một năm sau, người anh trai của ông là Nguyễn Văn Trọng làm liên lạc cho Việt Minh bị Pháp bắn chết, bỏ xác ngoài lô cao su Núi Đỏ. Chồng chất cái đau, cái đói, ông Tám Hiệu đành phải đi ở đợ cho địa chủ và chỉ làm mỗi một việc, nhưng cũng là một việc là suốt ngày phải đứng “trân” mình ngoài trời dù nắng hay mưa, chỉ để đuổi chim sà xuống đồng ăn lúa.
Mười năm sau ngày ông mồ côi cha mẹ, ông mạnh dạn tự quyết định cuộc đời mình. Chạy vạy đi vay tiền mua một chiếc xe lam để chuyên chở hàng hoá, chiếc xe duy nhất ấy đã trở thành cứu cánh cho gia đình. Ông chạy xe tuyến Dầu Giây - Rừng Lá. Dầu Giây - Long Khánh - Cẩm Mỹ rồi đến Ông Đồn, Ông Quế... cả ngày lẫn đêm vẫn chưa hết việc. Có tiền nhờ chạy xe lam, ông dành dụm chắt chiu rồi trả nợ.
Năm 1963, tích lũy được ít vốn, ông Hiệu mở cơ sở dịch vụ cơ khí Nghĩa Thành chuyên sản xuất các loại dụng cụ để phục vụ nông nghiệp như cối xay cà phê, cối lảy bắp, cối xay mì lát, cối lảy hạt tiêu, máy bơm nước... Nhờ chí thú làm ăn, Tám Hiệu đã mở nhà hàng Nghĩa Thành để kinh doanh đám cưới, liên hoan, sinh nhật.
"Trải qua một thời cơ cực nên tôi hiểu được tâm trạng đau khổ của những người nghèo khi không có tiền xây mộ", ông Hiệu nói với Thanh Niên. Năm 1982, ông bắt tay vào việc xây mộ tình thương cho người nghèo. Toàn bộ khuôn viên nghĩa trang Cáp Rang, thị xã Long Khánh được ông xây dựng hàng rào dài 500 m, cao 1,5 m, đường ngang bằng bê-tông nhựa nóng. Các đối tượng được ông quan tâm là người vô danh và nông dân nghèo có thân nhân chết không điều kiện xây mộ.
Từ năm 1982 đến nay, ông đã xây dựng được 126 ngôi mộ, trong đó 110 mộ vô danh, 16 mộ có thân nhân là gia đình nghèo. Ông Hiệu cho biết, hằng năm vào dịp cuối năm ông cho người vào quét vôi, dọn cỏ, đốt nhang cho từng ngôi mộ. Ngoài ra, ông còn lấy ngày 20/6 là ngày giỗ của ông bà, bố mẹ mình làm một đại giỗ chung cho tất cả những người vô danh.