Làng ấy có tên gọi Nại Cửu, vắt bên dòng Vĩnh Định nổi tiếng nước trong leo lẻo ở vùng đất học Triệu Đông của huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
Có một làng nghề... dạy học
Đã hơn một lần tôi được nghe kể về truyền thống hiếu học của con em làng Nại Cửu nhưng vẫn lờ mờ không hình dung nổi cơn cớ chi mà ba trăm năm nay bao thế hệ con em trong làng lớn lên đều chọn cái nghiệp phấn trắng bảng đen làm lý tưởng phấn đấu của đời mình? Rồi sao bao nhiêu bậc cha mẹ dẫu phải cầm cố nhà cửa cũng động viên con cái mình theo học đến cùng.
Mãi hôm về Nại Cửu, hàn huyên đứt một buổi sáng dưới tiết trời tháng Sáu nóng hầm hập lẫn gió Lào quét sàn sạt như bão với thầy giáo Hoàng Bá Diệp, tôi mới vỡ vạc về mạch nguồn truyền thống âm ỉ chảy trong từng mạch máu, từng thớ thịt mỗi người dân làng để từ đó làm nên một làng dạy học Nại Cửu.
Tròn 300 năm trước, Tiến sĩ Trần Gia Thụy (từng giữ đến chức Thượng thư Bộ Lễ thời Hậu Lê) “đặt nền móng” cho nghề dạy học ở Nại Cửu thì cái nghề cao quý này bắt đầu gắn bó với làng như thể là duyên nợ.
Con em làng lớn lên tự hào truyền thống đó của tổ tiên mà quyết tâm theo nghề và giữ nghề. Vật đổi sao dời, lịch sử qua bao thăng trầm song trong trái tim mỗi người dân làng vẫn trung trinh một niềm tin son sắt truyền thống quê hương đất tổ mình. Làng dạy học cho đến dòng họ dạy học, rồi gia đình dạy học.
Thày Diệp bảo, tất thảy 100% gia đình dòng họ Hoàng có người là giáo viên. Ngoài gia đình thày Hoàng Danh, thày Trần Ước có trên 10 người là giáo viên thì con số những nhà có 3 giáo viên trở lên là chuyện bình thường ở Nại Cửu.
“Bình thường như cuộc sống vốn nhọc nhằn, như khát vọng vươn lên của mỗi người dân đất học này vậy”, thày Diệp cười khà khà rung rung bộ râu dài trắng đẹp như cước.
Trưa hè Quảng Trị, nắng xối như giội lửa. Tôi hỏi đường về xóm Ngoài, tìm đến nhà thày giáo Hoàng Danh, một cây đại thụ trong nghề dạy học ở Nại Cửu, chị bán nước mía cười tươi xởi lởi: “Eng cứ dông xe tuốt, đoạn gặp nhà mô cây cảnh nhiều là đó đó...”.
Nếu làng Nại Cửu là làng dạy học tiêu biểu thì gia đình thày Danh xứng đáng được coi là gia đình dạy học tiêu biểu nhất. Nghe kể rồi đến khi được hầu chuyện người thầy giáo già ở tuổi 75 bên gốc mai đã gần bốn chục năm trước sân nhà khiến tôi có cảm giác hình như nghề dạy học đối với gia đình thầy là cái “nghiệp”, một “duyên tiền định” vậy!
Nhà thày có 12 người thì 11 người là giáo viên, nếu cộng cả con cháu nội ngoại hai anh em ruột của thày nữa thì “lực lượng” ấy là hơn 30. “Suy cho cùng, làm nghề dạy học hay nghề gì gì đi nữa thì rốt cuộc cũng là mong con em mình được học hành đến nơi đến chốn, được mở mày mở mặt với thiên hạ.
Điều khiến thế hệ chúng tôi hạnh phúc nhất chính là ở chỗ con em trong làng rất hiếu học. Tự hào thôi chưa đủ mà phải ham học và học giỏi nữa thì mới giữ được truyền thống của làng.
Dưới suối vàng cụ Thụy (Tiến sĩ Trần Gia Thụy), cụ Văn (ông Võ Tử Văn đỗ Phó Bảng khoa Tân Hợi năm Tự Đức thứ 4 (1851), làm quan đến chức Án sát dạy học trong cung) có lẽ cũng rất vui cái bụng”, Thầy Danh bảo.
Đúng rồi, mải miên man trong câu chuyện dạy học của người thày giáo già mà tôi vô tình quên rằng chính sự hiếu học mới là điều mà người dân Nại Cửu cảm thấy tự hào hơn cả.
Chợt nhớ lời thày Diệp ban sáng, những năm trở lại đây, số học sinh của làng thi vào nghề “kỹ sư tâm hồn” tuy có giảm đi nhưng cái sự học thì chưa bao giờ giảm xuống. Năm 2005 chẳng hạn.
Làng có 23 em thi đỗ đại học, cao đẳng (chưa tính số học sinh thi đỗ các trường trung học chuyên nghiệp), số học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên là 24.
Và nữa, trong khi chiếc máy vi tính vẫn đang là một thứ hàng xa xỉ ở làng quê thì Nại Cửu đã có hơn 40 gia đình đầu tư mua máy vi tính cho con em luyện học. Hơn 40 máy vi tính ở một làng mà lương thực trên đầu người mỗi năm chỉ non 450 kg quả là một con số kính trọng, kính phục và kính nể!
Và câu chuyện của những người “thích... nợ”
Tôi theo chân ông Trần Tuất, Chủ nhiệm HTX Nại Cửu đến thăm những “con nợ... tiêu biểu” của làng. Ông Tuất bảo: “Tui có thâm niên 27 năm đứng chân cán bộ HTX, 10 năm làm Chủ nhiệm nên rất tường tận mọi “ngóc ngách” đời sống của từng nhà.
Bà con nợ không nhiều, nếu đem chia đều thì mỗi gia đình cũng chỉ nợ khoảng trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, với một làng có hơn 70% dân số sống nhờ nông nghiệp mà mỗi nhân khẩu vỏn vẹn 412m2 đất ruộng thì đó là một món nợ oằn vai còng lưng. Lạ ở chỗ, người ta rất muốn được... mắc nợ”.
Tôi trố mắt nhìn ông Chủ nhiệm da đen sạm, còn trẻ mà tóc hói tận ót. Ông Tuất cười cười vẻ bí hiểm. Một đồng nghiệp đi cùng rủ rỉ cho tôi hay chuyện 2 năm trước cũng tại xóm Rôộc này...
Anh bạn kể rằng bữa đó cũng ông Tuất này dẫn mình đến nhà bà Trần Thị Thôi. Trong căn nhà rách nát te tua, người mẹ già ấy vẫn nhẫn nại sống ở mức “tận cùng của sự nghèo khổ” chỉ với niềm hy vọng đơn sơ là một ngày kia thằng Được của bà sẽ trở thành ông giáo cho bằng chị bằng em.
Lúc đó Trần Thành Được là sinh viên Văn năm cuối trường Đại học Sư phạm Huế. “Tui già rồi, cũng chẳng mấy nữa là xong một đời người. Nhưng nó còn trẻ, lại ham học, không được học hành cho đến nơi đến chốn thì đời nó rồi cũng như đời tui, khổ lắm!
Thôi thì cố gắng vay mượn mà cho nó ăn học, bữa mô tui chết đi mà không trả được nợ thì nó sẽ trả, lo chi, phải không chú?”. Rồi bà cười, nụ cười đưa đà như không hề biết đến những nhọc nhằn của cuộc đời. Mình đưa mắt nhìn quanh, chỉ có hai cái chuồng heo là được xây kiên cố và ấm cúng hơn cả.
Ông Tuất ghé tai mình: “Bà nớ quý hai con heo nái còn hơn cả bản thân mình. Chúng luôn được ăn no, tắm mát còn bà thì sống lay lắt bằng một sào ruộng cho thuê và mấy luống rau trong vườn. Tội nghiệp, bao nhiêu tiền bán heo giống đều để dành cho con đi học!”.
Chúng tôi vào nhà bà Thôi, nhưng bây giờ đã khác. Một nếp nhà nho nhỏ lợp fibrôximăng, tường xây bờ-lô tuy chưa hồ áo nhưng chắc chắn.
Chủ nhiệm Tuất bảo đây thuộc diện nhà Đại đoàn kết do cộng đồng dân cư trong khu vực đóng góp xây nên. Thằng Được, niềm tự hào, sự an ủi lớn cho cuộc đời chịu quá nhiều mất mát buồn tủi của bà Thôi đang ngồi kia. Được ra trường và đã đi dạy 1 năm nay ở trường cấp 3 Thành Cổ Quảng Trị.
Không cùng cực như bà Thôi nhưng chị Đặng Thị Thúy lại “nổi danh” bởi một kiểu vay nợ đến táo bạo. Để có tiền cho 4 con đi học, chị đã đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng. Còn thiếu, chị mượn luôn sổ đỏ thằng em trai thế chấp tiếp.
Chị Thúy đùa: “Tui nghèo, nợ ngập đầu nhưng trong túi lúc nào cũng có bạc triệu để sẵn cho chúng nó đi học, cả làng người ta đi vay nợ cho con cái ăn học chứ có riêng chi mình, phải không chú?”. “Thế chị nợ bao nhiêu?” “Khoảng hơn chục triệu ở ngân hàng, cộng với tiền vay mượn bà con hàng xóm chắc cũng... nhiều nhiều”.
Cũng may các con chị đều học rất giỏi. Bé Vân giờ đã ra trường và đi làm, có thể phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Ông Tuất nói vui: “Ở cái làng Nại Cửu ni, nợ không đáng sợ bằng con cái thất học. Được nợ đôi khi lại là một... niềm hạnh phúc”.
Lang thang cùng chủ nhiệm Tuất qua những con đường rợp bóng tre, gặp, trò chuyện với những con người... “thích nợ”, tôi chợt vỡ ra rằng ở mảnh đất này, sự học còn quan trọng hơn nhiều chuyện cơm áo gạo tiền.
“Người ta bảo, Nại Cửu là làng giáo viên, làng hiếu học. Tôi cho rằng, đó là làng... mắc nợ. Gần 100% gia đình có con đi học thì gần 100% gia đình mắc nợ. Nợ cho con đi học, rồi xin việc làm, rồi sắm phương tiện cho con đi làm.
Có người cầm cố nhà cửa, có người sẵn sàng bán tất cả những gì trong nhà có thể bán được, có người suốt đời chưa chắc đã trả hết nợ nhưng khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn thì không nơi nào bằng”.
Nghe ông Tuất nói, bất chợt trong tôi hiện lên cảnh người mẹ già Trần Thị Thôi với 2 con heo nái của bà qua câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp và hình ảnh thầy giáo trẻ dạy Văn lớp 10 Trần Thành Được kính 2 đi-ốp gầy gầy thư sinh trắng trẻo đang luyện tiếng Anh trong nếp nhà của những tấm lòng xây tặng mà tôi gặp ban nãy.
(Theo Tiền Phong)