Tại một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tây, Thái Bình..., các cửa hàng Internet ùn ùn mọc lên, giá thường là 3.000-6.000 đồng/giờ. Thậm chí, nhiều vùng quê đã có Internet tốc độ cao, sử dụng công nghệ ADSL và đây chính là điều kiện "kỹ thuật" thuận lợi để chat, game "làm mưa, làm gió"...
Tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), chỉ riêng đoạn đường ngắn dẫn vào trường Trung học Thuỷ sản IV đã có đến 5 cửa hàng Internet. Chủ quán chat BAKV cho biết: "Thời điểm này tuy sinh viên thuỷ sản chưa tựu trường, nhưng các quán chat ở đây luôn đông khách, chủ yếu là thanh niên làng". Anh này cho biết thêm, trong đêm giao thừa và những ngày Tết vừa rồi, quán mở thâu đêm mà lúc nào cũng hết máy.
Còn ở khu phố Lồ của xã Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), cạnh các trường phổ thông có đến 6 cửa hàng chat. Mới 9 giờ sáng mà tất cả các quán đã rất đông những cậu ấm, cô chiêu "miệt mài" buôn chuyện ảo và say mê trong những trò game bạo lực.
Ngay như ở Hải Hậu, một huyện ven biển của Nam Định, các cửa hàng chat cũng đua nhau nổi lên. Tại các xã như Ninh Cường, Hải Long, Hải Trung, Hải Thịnh... đều có 3-5 quán chat để phục vụ các thượng đế trẻ của làng. Anh Hoá, chủ một quán chat ở Yên Định cho biết: "Đầu năm 2004 ở đây chỉ có 1 đến 2 cửa hàng nhưng con số này đã là hơn 10, thế mà lúc nào cũng đông. Trước đây, tôi đầu tư 10 máy nhưng nay đã phải tăng thêm 8 máy để đáp ứng nhu cầu của khách". Chỉ trong vòng mấy tháng, anh đã thu lại vốn (số tiền đầu tư mỗi máy là 5 triệu đồng).
Trong các ngôi làng nhỏ bé, cửa hàng Internet mới liên tục xuất hiện. Nhu cầu game, chat tăng cao nên đồng loạt các quán net ở đây đã thống nhất với nhau... tăng giá. Giá cả có tăng cao so với trước nhưng cửa hàng nào cũng đông kín các cô cậu tuổi học trò. Người thì mê mải với chat, kẻ đắm chìm vào những cuộc hành trình của những game thủ.
Tại xã Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), trước tình trạng rất nhiều học sinh, thanh niên trong làng chat thâu đêm suốt sáng, xã đã lập đội an ninh tuần tra buộc các cửa hàng net phải cam kết đóng cửa trước 23 giờ. Tuy nhiên, phương thức này cũng tỏ ra không mấy hiệu quả.
Ngoài việc chat những nội dung "vô thưởng vô phạt" thì game online bắt đầu tạo cơn sốt trong giới trẻ ở quê. Hiện giới trẻ nghiền game ở quê đang "sốt" với những trò như: đế chế, half life, MU. Đã có những nhóm đã biến trò chơi thành canh bạc để sát phạt lẫn nhau.
Theo Tiền Phong, không ít bạn trẻ ở nông thôn đã đưa cuộc chiến ảo từ thế giới game vào đời sống thực. Minh Tùng, một học sinh cuối cấp III ở Hà Tây đang đợt ôn thi. Đúng lúc đó "MU về làng". Thế là thời gian 4 đến 5 tiếng chơi game, chat chít một ngày của Tùng lấn át thời gian "ôn văn luyện võ". Tùng thường nói dối bố mẹ là "lên mạng ôn thi trực tuyến" hay tham gia "đào tạo từ xa" nhưng kỳ thực là chơi game và chat.
Khi thứ hạng của Tùng trên các bảng xếp hàng tăng cao thì cũng là lúc kiến thức thi đại học của cậu giảm sút. Trước Tết, sau Tết, Tùng vẫn chiến game và thời gian không chờ đợi cậu khi mùa thi đại học đang ngày càng đến gần.