Bình thường, mỗi ngày xã Đức Giang cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu Hà Nội hàng nghìn con chó. Thế nhưng chỉ trong năm ngày không mắm tôm vì dịch tiêu chảy cấp, "làng mổ chó" bỗng "gác kiếm".
Do nhân viên đã nghỉ việc vì vắng khách, bà chủ làng chó Cao Hạ này đang phải đích thân mổ chú chó duy nhất trong ngày. Ảnh: Minh Thùy. |
"Thịt chó mà không có mắm tôm thì bán cho ai chứ. Không biết đến bao giờ mới qua cảnh ế ẩm này đây", chị Đặng Thị Thanh buồn rầu. Thường ngày chị phải thuê cả chục công nhân trong làng phụ giúp chị đưa lên thớt hơn trăm con chó. Vậy mà ba ngày gần đây chỉ làm có 6 con mà vẫn không tài nào bán hết.
Cửa hàng của chị ở Hà Nội mỗi ngày đón 500 khách là chuyện thường. Nhưng hai ngày nay, dù đã chuẩn bị tương ớt, chanh muối để thay mắm tôm nhưng mỗi ngày kiếm hơn 10 khách lại là chuyện hiếm.
Cách nhà chị Thanh khoảng 300m là chợ chiều, nơi để người dân Cao Hạ giới thiệu đặc sản cầy tơ cho khách hàng, giờ các quán hàng đóng cửa im ỉm.
Một góc chợ Chiều nơi giới thiệu thịt chó tươi cho khách nay không quán hàng nào mở. Ảnh: Minh Thùy. |
"Hai ngày nay có ai mua đâu mà bày ra, muốn giữ khách nên chúng tôi bày cho vui cửa, vui nhà. Từ giờ sáng đến giờ mà chưa có ai ngó ngàng gì", chị Trịnh Thị Hằng kể.
Những đống rơm to che hết các lối đi, hàng trăm chiếc lồng đựng chó bỏ chỏng chơ ngoài đồng vì người dân trong làng không dám lấy hàng về. "Bốn ngày hôm nay không dám lấy hàng. Nếu lấy về không làm được ngay thì lỗ to", ông Lê Thiên Thạch - một chủ làm thịt chó có tiếng ở thôn Lũng Kênh cho biết.
Không khác gì chị Thanh, chị Hằng, các gia đình ông Nam, ông Chi, bà Đỏ... - những chủ làm thịt chó ở Cao Hạ - mỗi ngày cho lên lò hàng trăm chú cẩu nhưng ngày cuối tuần này, cả chủ lẫn nhân viên chỉ còn biết ngủ và xem ti vi.
Cả xe và lồng đựng chó đều "án binh bất động". Ảnh: Minh Thùy. |
Nguyễn Văn Đức, 38 tuổi, quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa là nhân viên mổ chó của nhà ông Đàm Bá Chi buồn bã: "Tháng nào cũng vậy, cứ đến 29 là em gửi tiền về cho vợ và các con. Hôm qua là mồng Hai rồi mà đã có đồng nào đâu. Vợ gọi điện ra bảo gửi tiền về để mua cho các cháu cái chăn bông kẻo mùa lạnh đến".
(Theo Tiền Phong)