Mẹ đi Đài Loan, bé H. đi học về nhịn đói ngồi ngoài cửa đợi cha về. |
11 giờ trưa, tan học, cậu bé Nguyễn Đức H. (7 tuổi, học Trường tiểu học Vũ Hội) lững thững đi bộ 3 km về nhà. Cửa cổng khóa kín, trong nhà im lìm, cậu bé bỏ cặp sách một bên ngồi dựa lưng vào cổng tường đưa đôi mắt buồn ngóng ra đường đợi cha. Phải hơn 1 giờ sau, bố cậu bé mới khật khưỡng hơi men phóng xe về; đưa cho con chiếc bánh mì patê khô khốc với mấy lát dưa chuột ngồi lủi thủi ăn ở góc nhà. Vừa ăn vừa nước mắt ngắn dài, H. thút thít: “Từ ngày mẹ đi, bữa tối em sang bà ngoại ăn cơm, còn bữa trưa bố toàn cho ăn bánh mì”.
Năm 2003, mẹ H. sang Đài Loan làm người giúp việc. Căn nhà anh C. mới xây hai tầng và gian nhà bếp lạnh ngắt đã khiến cha bé H. lang thang suốt ngày rượu sáng chè trưa. “Thấy các gia đình khác có những bữa cơm đầm ấm mà não cả ruột gan. Ngày nào thằng bé cũng hỏi bố ơi, sao mẹ mãi chưa về?”, người cha trẻ ngậm ngùi kể.
Cũng trưa hôm ấy, cụ C. gần đó chỉ biết lắc đầu khóc khi không thể cản nổi hai đứa cháu nội và cháu ngoại đánh nhau. Đã sáu năm nay, bà C. không có một ngày thảnh thơi vì còn phải chăm sóc cháu thay cả con dâu và con gái “sang xứ Đài”. Bà cụ mếu máo: “Mẹ chúng nó sang bên ấy gửi tiền đều đặn về cho bà cháu chi tiêu, nhưng đâu có biết những đứa nhỏ cần hơi ấm và sự chăm sóc của người mẹ hơn”.
“Hội có vợ đi Đài”
Có lẽ để vơi nỗi nhớ vợ và giải sầu, nhiều đàn ông xã Vũ Hội đã hợp nhau thành những “hội có vợ đi Đài”. Hiện Vũ Hội có hàng chục hội như thế, đông thì 15-20 người, ít thì 5-7 người. Thế nhưng, nhiều người khi có tiền vợ gửi về không để dành dụm mà sa vào cờ bạc rượu chè. Mới đây, công an xã đã bắt quả tang 11 con bạc trong một “hội có vợ đi Đài” đang sát phạt. Chưa hết, nhiều ông chồng thiếu vợ nhưng sẵn tiền, khi tham gia các hội này còn hay rủ nhau đi “lấp chỗ trống” ở các nhà hàng, khách sạn, bỏ mặc tất cả công việc, cửa nhà và con cái.
Mới đây, một số bà con xã Vũ Hội bàn tán chuyện “con không nhận mẹ” cười ra nước mắt: anh Th. đưa đứa con 4 tuổi (người thôn Bích An) ra sân bay Nội Bài đón vợ từ Đài Loan về quê ăn tết. Máy bay hạ cánh, anh Th. không còn nhận ra vợ mình: quần jean bó sát, áo hai dây hở nửa lưng, trên vai là chiếc túi xách da đắt tiền. Đứa con khóc ré lên: “Đây không phải là mẹ của con!” và nhất quyết không để mẹ bế. Phải mất hơn một tuần sau, đứa con mới chịu sà vào lòng người mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi nữa nhá”. “Khi đi nó mới có 1 tuổi chưa kịp nhớ mặt mẹ nên không nhận là phải thôi”, vợ anh Th. tự trách mình và quyết định không đi nữa. Hôm chúng tôi đến, vợ anh Th. đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối cho cả gia đình. Chị nói đó là hạnh phúc giản dị mà chị có được sau những năm vất vả xứ người.
Theo UBND xã Vũ Hội, các chị em nơi đây rủ nhau đi Đài Loan giúp việc nhà bắt đầu cách đây sáu năm. Đến 2004, Vũ Hội trở thành xã dẫn đầu tỉnh Thái Bình và cả nước về số lượng lao động nữ xuất khẩu: hiện có khoảng 600 phụ nữ đang ở Đài Loan làm người giúp việc. Nhiều cô vợ đi biệt không thấy về hoặc về ít ngày lại đòi đi tiếp...
Ông Nguyễn Ngọc Nhãn, phó chủ tịch UBND xã Vũ Hội, cho biết: “Các chị em đi đều gửi tiền về cho chồng con xây nhà, mua sắm tiện nghi làm cho bộ mặt kinh tế và đời sống người dân xã thay đổi hẳn, nhưng cũng nhiều nỗi buồn từ đó sinh ra. Nhất là những vụ ly hôn khiến nhiều con trẻ trong xã có nhà đúc, nhà tầng mà vẫn bơ vơ”.
Nơi đây hiện có gần 30 vụ ly hôn ở những gia đình có vợ đi Đài Loan.
Cũng theo ông Nhãn, nhiều cặp vợ chồng đưa đơn ly hôn với nhiều lý do: vợ gửi tiền về cho chồng tiết kiệm, chồng đi ăn nhậu; vợ đi ba năm trời chỉ gửi 100 triệu đồng về nhà, chắc vợ gửi tiền... chỗ khác; vợ quen với nếp sinh hoạt xứ người, trở về không chịu nổi ông chồng sinh hoạt kiểu nông dân...
(Theo Tuổi Trẻ)