![]() |
|
Thấy da mặt xấu, lại nổi nhiều mụn. Nghe bạn bè "mách” có nhiều loại thuốc uống làm đẹp da, trị mụn rất công hiệu, chị Xuân ở Bình Thạnh. TP HCM đã đến một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Trãi hỏi mua. Người bán hàng giới thiệu thuốc Anchangwan của Mã Lai, giá rẻ, hiệu quả cao. Chị mua một hộp giá 90.000 đồng, uống ngày 2-3 viên/ tháng về dùng thử. Vài tuần sau khi uống, chị Xuân thấy da mình căng mịn và trắng hồng... nên rất hài lòng.
Hết hộp đầu, chị mua tiếp hộp thứ hai nhưng chỉ được vài ngày, chị thấy lưỡi bị tưa, mặt căng nặng như chì. Đôi khi có cảm giác tay chân run, nhưng không nghĩ là do thuốc, chỉ nghĩ do mình làm việc căng thẳng. Chỉ đến khi thấy da bắt đầu sạm và xuất hiện nhiều mụn nước đỏ li ti ngày càng dày đặc, chị Xuân mới ngừng uống thuốc, tìm đến bác sĩ da liễu. Bác sĩ cho biết: Rất có thể trong thuốc trị mụn của có chứa chất corticoid. Chị điều trị được 3 tháng, mụn có giảm nhưng vẫn để lại nhiều sẹo xấu...
Nếu muốn có làn da đẹp mịn màng, tốt nhất là nên có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và vận động hợp lý.
Trường hợp có mụn, nếu nặng (liên quan đến các yếu tố nội tiết) hoặc số lượng mụn nhiều (sưng, nóng, đỏ, đau) thì nên đi khám bác sĩ, để được xác định tình trạng viêm nhiễm. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cho thuốc uống thích hợp. Tuyệt đối không nên sử dụng lại "toa thuốc cũ” của bạn bè hoặc của chính mình trong những lần điều trị trước. Vì nếu sử dụng thuốc không đúng, mụn chẳng những không hết mà còn trầm trọng hơn, để lại nhiều sẹo xấu hoặc bị tổn thương toàn thân, gây khó khăn trong việc điều trị. (Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, Bệnh viện Da liễu TP HCM). |
Ghé một cửa hàng thuốc trên đường Nguyễn Trãi, người bán giới thiệu đủ loại, đẹp da thì có Medrol (2.300 đồng/viên), Blooming (2.000 đồng/viên). L-Cystine (1.500 đồng/viên), Keromax (2.200 đồng/viên), Aloes (1.000 đồng/viên) hay Sorbitol...
Thuốc trị mụn cũng hằng hà sa số: Kordel' s (150.000 đồng/hộp); Conmedo Cllear (90.000 đồng/hộp), Anchangwan (60.000 đồng/ hộp); Pimples (30.000 đồng/hộp)...
Anh Đức, nhân viên nhà thuốc Phúc Đức, 860/33 Xô Viết Nghệ Tĩnh, cho biết: “Bắt được nhu cầu làm đẹp da, trị mụn nên phần lớn các hãng thuốc đã "chuyển tông" quảng cáo mạnh về yếu tố này, nhất là với những loại thuốc thuộc nhóm hoạt chất L-Cystine (được định hướng rõ là sử dụng cho da). Chỉ một loại hoạt chất này thôi nhưng có đến hàng trăm tên thuốc khác nhau, nên chỉ cần trong toa thuốc có hoạt chất L-Cystine là người bán hàng lập tức gắn ngay cho nó một số công hiệu: đẹp dáng, đẹp da".
Theo anh Đức, những loại thuốc trong thành phần có chứa lá lô hội cũng được các nhà tiếp thị "thổi phồng" lên theo chiều hướng làm đẹp da. Thậm chí những thuốc không liên quan gì đến da, nhưng lại có chứa một số vitamin (bổ tóc, bổ cơ) hay các loại thuốc lợi gan mật, trị táo bón cũng được đẩy lên thành thuốc đẹp da, trị mụn. Đó là chưa nói đến nhiều loại thuốc khác, hễ thấy có gốc kháng viêm là được người bán "kê toa" trị mụn ngay khi người bệnh có yêu cầu...
Tuyệt chiêu của một số nhà thuốc là "kê toa" trị mụn bằng các loại thuốc có gốc corticoid. Đây là loại thuốc có chỉ định điều trị về một số bệnh lý của da (đặc biệt là da toàn thân) nhưng lại rất được người tiêu dùng tin tưởng và ưa chuộng, vì hiệu quả nhanh, chỉ trong vòng 3-4 ngày là mụn đã khỏi.
Dược sĩ, tiến sĩ Nguyễn Hữư Đức, giảng viên ĐH Y Dược TP HCM, cảnh báo: “Trước những thông tin quảng cáo về sự đẹp da, trị mụn của các loại thuốc uống, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên tự ý mua và sử dụng, nếu chưa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Đặc biệt, với những loại thuốc có chứa hoạt chất corticoid, khi mới dùng sẽ thấy hết mụn, da mịn và trắng, nên người tiêu dùng rất dễ lầm là thuốc tốt.
Thật ra, sử dụng lâu dài sẽ rất có hại, vì bị suy vỏ thượng thận (bản thân vỏ thượng thận có nhiệm vụ tiết ra corticoid, giờ lại đưa thêm corticoid vào, gây rối loạn điều hòa hoạt động cơ thể, người bệnh vì thế phải lệ thuộc thuốc, dẫn đến hội chứng cushing (phù nề, viêm loét dạ dày...) vô cùng nguy hiểm”.
(Theo Phụ Nữ TP HCM)