Kỹ sư Nguyễn Thành Long - Công ty TMA (phía sau) - và nhân viên. |
Online mọi lúc mọi nơi
Đang thưởng thức cà phê gần công viên phần mềm Quang Trung (TP HCM), Hà đưa tay nhìn đồng hồ rồi bảo: “Bây giờ là 21h55, mình phải vào công ty nhận ca rồi”.
Đinh Như Hà đang đầu quân cho Công ty chế bản Vĩnh Nam. Công việc của Hà thường bắt đầu từ 10h đêm đến sáng hôm sau khi nhóm làm ca ngày vào nhận việc. Hà cho biết công việc của Hà cùng với 9 thành viên khác là chế bản điện tử những file sách báo, tạp chí... từ các đối tác nước ngoài đặt hàng.
Chị Kim Tước, Gám đốc công ty, cho biết khách hàng là thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu... Để đảm bảo giờ giấc và phòng khi đối tác có trường hợp cần trao đổi trực tiếp trên mạng hay điện thoại, công ty phải chia nhân viên làm ba ca. Trong đó ca đêm thường “ưu tiên” cho các nhân viên nam và những người đang cần thời gian học thêm kiến thức chuyên môn ban ngày.
Đến Công ty TMA nằm trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận (TP HCM) theo lời hẹn của Trần Phúc Hồng, Giám đốc nhân sự công ty, lúc 22h30, chúng tôi được thông báo phải chờ vì nhóm dự án đang họp với đối tác... bên Bắc Mỹ.
30 phút sau, chúng tôi mới gặp Hồng và nhóm dự án của công ty, Hồng cười cho biết: “Công ty đối tác tại Canada tổ chức họp bất thường với các đối tác Việt Nam, Ấn Độ... nên anh em buộc phải online để bàn thảo công việc”. Công ty TMA là công ty gia công phần mềm chủ yếu cho các đối tác bên ngoài tập trung vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, Australia. Do giờ làm việc lệch nhau nên khi cần thương thảo hay họp với đối tác là lãnh đạo lẫn nhân viên nội dung phải online suốt đêm.
Ngoài những công ty có số đông nhân viên làm việc ca đêm, còn có những công ty chỉ một thành viên với hành trang một laptop và đường truyền ADSL. Họ thường là trưởng các đại diện của các tập đoàn công ty nước ngoài.
Những người này hầu như “online” mọi lúc, mọi nơi và làm việc không giờ giấc nhất định. “Chúng tôi làm việc liên tục, không giới hạn thời gian, kể cả khi đang trong quán cà phê hay trên xe hơi... nhờ phương tiện kết nối qua điện thoại di động” - Nguyễn Phương Thức, trưởng đại diện tại Đông Nam Á của Tập đoàn Student Management Group (Mỹ), cho biết.
Theo anh, để chủ động giờ giấc liên lạc với văn phòng tại New York, anh phải thường xuyên làm đêm vì lệch múi giờ với công ty mẹ. Anh cho biết có lần đến khuya về nhà, kiểm tra tin nhắn biết rằng đồng nghiệp từ New York yêu cầu online để giải quyết công việc. Thì ra có một học sinh (nằm trong chương trình giao lưu văn hóa giữa TP HCM và Mỹ) đã hơn một tuần... không tắm! Phía công ty mẹ yêu cầu Thức phải tìm gặp phụ huynh để gỡ vướng.
Phan Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc tập đoàn Trường Quốc tế ACG của New Zealand, tâm sự: “Làm việc cho các tập đoàn nước ngoài thì giờ giấc không phải là vấn đề, họ chỉ chú ý đến việc mình có hoàn thành hay không”.
Xoay theo vòng quay trái đất
Bù lại cho công việc không giờ giấc ấy, thu nhập của những nhân viên như Thức, Minh... cũng đủ… để sắm xe hơi đi làm. Quan trọng hơn, như Thức nói: “Công việc của chúng tôi thật sự hấp dẫn, chỉ với một laptop là có thể cùng làm việc với các đồng nghiệp khắp thế giới; tạo nên một tính cách “online” nhạy bén, năng động, quyết đoán”.
Tuy nhiên vấn đề khó khăn với những người như Thức lại là áp lực công việc, phải mọi lúc, mọi nơi đều sẵn sàng cùng công ty mẹ. “Bởi vậy thời gian dành cho gia đình hầu như không có”.
Riêng với Phan Ngọc Minh, vợ anh cũng làm chung công ty nên đứa con nhỏ phải gửi ông bà chăm sóc giùm. “Hai vợ chồng chưa có một bữa ăn gia đình đúng nghĩa, cơm nhà hàng, quán tự do là nơi đi về sau những ngày đêm làm việc mệt mỏi”.
Nhóm đồng nghiệp của Hà tại Công ty Vĩnh Nam đã chấp nhận hy sinh những nhu cầu giải trí đơn thuần. Như Hà tâm sự: “Chúng tôi còn trẻ, còn muốn lập nghiệp và tích lũy vốn sống nhiều hơn nữa”. Riêng chuyện lập gia đình thì Hà cũng như đồng nghiệp cho rằng “sự nghiệp vững vàng - hôn nhân tất thành”.
“Công việc trong một thế giới phẳng buộc chúng tôi phải cuốn theo nó, những ham muốn bình thường đôi khi phải chấp nhận hi sinh. Có khi muốn ngồi lai rai một bữa nhậu, những buổi du lịch cùng bạn bè nhưng không thể”, Hồng cho biết. Và để chấp nhận những hi sinh đó, nhiều bạn trẻ không dám “có bồ” vì họ sợ người yêu không thông cảm cho cuộc sống về đêm của họ.
(Theo Tuổi Trẻ)