Xa lộ Internet chỉ là những con đường. Muốn kiếm việc làm phải vào chợ, chứ không thể khơi khơi đứng rao trên lề đường. Trước khi vào chợ, phải biết mình có thứ gì để bán. Tôi thử chọn kỹ năng mình rành nhất - dịch thuật. Thật ra những kỹ năng giúp tìm được việc làm qua mạng khá phong phú, phổ biến nhất là viết phần mềm, thiết kế đồ họa, gõ văn bản, kế toán...
Chợ dịch thuật có khá nhiều, chẳng hạn ProZ.com (www.proz.com), là một trang web cho giới dịch thuật chuyên nghiệp. Vào đây, bạn có thể đọc hàng ngày những lời rao, mời tham gia đấu giá các công việc dịch thuật, đủ thứ tiếng, đủ loại văn bản.
Sau khi đăng ký làm thành viên miễn phí, bạn sẽ nhận e-mail mỗi khi có lời rao phù hợp với ngôn ngữ bạn chọn. Vì là chợ nên đủ thứ thượng vàng hạ cám. Người cần nhờ dịch thì nghi ngờ trình độ người dịch; người dịch thì nghi ngờ có được trả công đúng như thỏa thuận.
Để tăng uy tín cho mình, trang web này bày ra cái gọi là KudoZ, tức là nơi ai bí cách dịch nào đó hay một từ nào đó có thể hỏi và thiên hạ sẽ giúp trả lời. Nếu câu trả lời thỏa mãn người hỏi, bạn sẽ được tặng điểm. Ai có điểm KudoZ cao sẽ được tín nhiệm hơn (ít nhất theo lý thuyết là thế).
Tôi thử tìm có bao nhiêu người đăng ký nhận dịch từ Anh sang Việt thì thấy có ít nhất 3.000 người, ở khắp nơi trên thế giới. Trong một rừng người như thế, làm sao người ta tìm ra bạn? Tốt nhất, bạn nên chọn lĩnh vực nào mình giỏi nhất: kinh doanh, luật, xã hội, y tế... Càng nói rõ chuyên môn sâu, khả năng tìm ra việc càng cao.
Hôm viết bài này, tôi thử vào ProZ.com thì thấy đang đăng nhiều công việc khá hấp dẫn: dịch một tập hướng dẫn sử dụng ti vi LCD từ một hãng ở Malaysia, 200 trang tài liệu y tế...
Sau khi tham gia đấu giá, gửi hồ sơ đi, bạn chỉ còn cách ngồi chờ, và đa phần là không thấy tăm hơi, có lẽ vì nhiều người tranh nhau đấu giá quá chăng. ProZ.com còn có phần dành riêng cho thành viên có đóng tiền, ở đây công việc có vẻ hấp dẫn hơn, đáng tin hơn, tiền công cao hơn nhưng tôi chưa thử.
Sau một thời gian, tôi nghiệm ra một điều: những lời rao đều đặn nhất, có vẻ nghiêm túc nhất là từ các công ty dịch thuật đang đóng ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc hay Singapore. Xem chừng họ đang cần tìm thêm cộng tác viên để mở rộng dịch vụ.
Lấy địa chỉ của vài công ty như thế, tôi gửi e-mail trực tiếp đến họ, kèm theo bản miêu tả kỹ năng, trình độ chuyên môn. Y như rằng, lập tức họ trả lời, mời thi kiểm tra tay nghề dịch thuật. Tài liệu dịch thật thì có cái dễ, cái khó, bài thi lúc nào cũng là loại khó nuốt nhất. Toát mồ hôi dịch chỉ một trang hợp đồng rắc rối, tôi ngồi chờ kết quả. Cuối cùng có ba công ty mời làm cộng tác viên.
Và từ đó, thỉnh thoảng, tôi lại có việc làm thêm cho các công ty đóng tận đâu đâu, nhân viên mình chưa bao giờ gặp.
Kinh nghiệm làm thêm qua mạng cho tôi thấy một số điều khá thú vị. Trước hết là không có chuyện phân biệt tiền công; nếu một người ở Anh làm một giờ 30 USD thì mình ngồi ở Việt Nam cũng được trả như thế. Tiền công dịch hiện vào khoảng 0,05-0,08 USD Mỹ một chữ (tức một trang A4, giá khoảng 30-40 USD Mỹ tiền công dịch thuật).
Thứ hai là chữ tín; vì làm thêm qua mạng nên cả hai bên phải tin nhau mới làm việc với nhau được. Mình không thể dịch ẩu, đã hứa là đúng giờ phải giao bản dịch. Các công ty dịch thuật nước ngoài thường làm ăn rất cẩn thận - có văn bản họ nhờ mình dịch, xong rồi lại thuê người dịch ngược lại, lúc đó những chỗ mình dịch sai sẽ lộ ra ngay. Phần lớn các tài liệu dịch xong đều có người biên tập, nếu bạn dịch sai nhiều, ắt không ai mời bạn nữa.
Thứ ba, hệ thống thanh toán ở Việt Nam còn nhiều nhiêu khê cho những ai muốn làm việc qua mạng. Ngồi chờ séc thanh toán đã lâu, đem séc đến các ngân hàng nhờ lãnh hộ càng lâu hơn nữa. Các phương tiện thanh toán như PayPal chưa có cho Việt Nam.
Riêng về chuyện dịch, có rất nhiều điều bất ngờ. Phần lớn các công ty dịch thuật yêu cầu bạn phải dùng phần mềm chuyên dụng như Trados, áp dụng kỹ thuật “bộ nhớ dịch thuật” để tăng năng suất, hạn chế sai sót. Ngồi làm quen với nó cũng phải mất khá nhiều thời gian nhưng sau này khi dịch đúng câu hay cụm từ bạn đã từng dịch thì phần mềm tự động dịch cho bạn. Khi dịch phải chú ý là dịch cho ai đọc, nếu đó là một quảng cáo dịch vụ bảo hiểm do một công ty Mỹ nhắm đến khách hàng là Việt kiều lớn tuổi ở Mỹ, bạn phải dùng từ phổ biến bên kia, nếu không là hỏng.
Ví dụ, phải dùng “trương mục” chứ nói “tài khoản” không ai hiểu. Tiếng Việt trên máy tính hiện đang dùng nhiều bộ font khác nhau. Bạn phải cẩn thận chứ bản dịch thì công phu nhưng đến khi họ mở ra trên máy tính của họ không có font đó, toàn bộ biến thành mã vô nghĩa rồi cứ thế in ra giao cho khách tuốt tận trời Tây là hỏng việc.
Thế đấy, mới thử một việc thôi, tôi đã thấy rằng tìm việc làm thêm qua mạng là có thể nhưng không dễ chút nào.
(Theo Đàn Ông)