Anh luôn khởi đầu một ngày bằng non chục tờ báo. Anh đọc như một cái... máy hủy giấy, đọc từ báo tuổi teen trở đi, báo gì cũng đọc, trừ báo thể thao. Hai dạng anh thích nhất là báo cung cấp tri thức và báo... lá cải, càng lá cải càng mê, dù không tin chúng bao giờ. Là một người hễ cứ ngồi không thì phải tìm ngay một cái gì đó có chữ để đọc.
Anh đọc sách cũng nhiều, nếu hiểu "đọc nhiều" theo kiểu có thể đọc một cuốn sách khoảng... 30 lần, mà cũng chỉ đọc một số sách dạy nghề rất hạn chế nào đấy.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. |
Là đạo diễn trẻ, có tài, có duyên, toàn giao du với dân nghệ sĩ "ăn chơi bốc giời", nhưng cứ sau 8h tối, khó có thể bắt gặp anh còn ở ngoài đường. Sống có kỷ luật, lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân và người khác, điều đó được anh tuân thủ như một nguyên tắc để "bảo dưỡng" bản thân, phục vụ cho con đường phim ảnh mà anh đã dấn thân vào, biết mình còn phải đi lâu, đi liên tục, chưa biết bao giờ mới dừng lại.
Đãng, mỗi khi ngồi nói chuyện với anh, giống như đang... xem phim hài. Cứ vài ba phút lại cười, ôm bụng mà cười. Nhưng có chuyện "chay, mặn" gì đâu, toàn chuyện phim ảnh và người làm nghề! Đãng, người làm phim "không có giải mới lạ", dù là phim tốt nghiệp, phim làm giúp bạn bè, phim ngắn kinh phí thấp, phim nhựa kinh phí cao, phim truyền hình dài tập, tất thảy đều có giải, và luôn luôn là giải nhì (!). Đãng, người không bao giờ chịu xưng, chịu nhận là nhà biên kịch, nhưng tất cả các phim anh làm, đều do anh viết kịch bản, lý do: "Con mình tự đẻ ra, mình nuôi nấng dạy dỗ thì khả năng thành công cao và nguy cơ thất bại thấp hơn việc... đi xin con nuôi".
Người chuyên rẽ... trái
Đãng hồi còn học trường Sân khấu Điện ảnh, đi xe đạp, chụp ảnh thời trang đăng báo kiếm tiền bằng một cái máy cơ đầy dấu vết thời gian, sự va đập. Lúc ấy đã là Đãng "chuột" rồi, gây xôn xao dư luận với hai phim ngắn Chuột và Vợ chồng chuột. Trong giấc mơ của anh thời đó tràn ngập Trương Nghệ Mưu và những thước phim ngắn của Iran. Sau đấy, anh "lên đời" bằng một chiếc xe có động cơ không tài nào biết được nhãn hiệu, "tất cả các bộ phận đều kêu trừ còi". Lúc này, anh đã mạnh miệng "đe dọa" sẽ làm một bộ phim nhựa, vừa có chất lượng nghệ thuật vừa có doanh thu, để từ đó xây dựng Vũ Ngọc Đãng thành một cái tên mà nhà sản xuất nào muốn làm phim ăn khách sẽ phải tìm đến anh, "sau phim này, tôi sẽ có rất nhiều tiền", anh nói chắc.
Sau "tuyên bố" ấy, anh bị một số cây bút văn nghệ "tấn công". Các bậc trưởng bối lắc đầu chặc lưỡi: đã tưởng có thêm một đạo diễn trẻ tài năng tâm huyết trong thời buổi "nhân tài (làm phim) như lá mùa thu", ai ngờ chưa gì đã rơi vào cái bẫy kim tiền và hám nổi danh.
Động viên anh thôi cứ thanh minh "tuổi trẻ ngông cuồng lỡ miệng", nhưng anh nhất định không, "tôi nói đúng điều tôi nghĩ và tôi sẽ làm đấy chứ, có ngông cuồng dại dột gì đâu!".
Những cô gái chân dài ra đời, năm 2003, là một "trái bom". Phim được giải Bông sen bạc ở LHP toàn quốc lần thứ 14, trở thành phim tư nhân đầu tiên trong lịch sử LHP toàn quốc có giải. Vừa được công chúng chấp nhận, vừa thuyết phục được "viện hàn lâm nghệ thuật", phải nói rằng đó là một thành công.
Đãng đã làm được điều mình nói một năm trước.
Sau "cú đúp" đó, Đãng khiêm tốn: "Càng làm phim, tôi càng thêm tự tin và bớt ảo tưởng". Anh đổi xe. Là chiếc Wave Nhật cũ mua lại của thằng em, giá 10 triệu đồng. Chiếc xe ấy đến giờ anh vẫn dùng, anh cũng vẫn ở căn phòng trọ bé xíu thuê từ 10 năm trước, dù hiện đã được "tự do tài chính", tiền không còn là vấn đề như anh tiết lộ.
Tưởng anh thừa thắng làm tiếp phim hoa hậu, diễn viên, ca sĩ, những thứ "cạm bẫy người" đại loại "chân dài", không ngờ anh ngoặt tay lái, đậu xe vào "bến" phim truyền hình dài tập.
30 tập Tuyết nhiệt đới lặp lại "cú đúp" giống như "chân dài": vừa có tiền vừa có tiếng (Cánh diều bạc cho phim truyền hình dài tập, năm 2006 - lại giải nhì). Bộ phim đánh dấu một bước chuyển biến mới nữa trong quan niệm nghệ thuật của anh: làm phim cho đại chúng, thể loại nào đông người xem nhất thể loại ấy đáng làm. Và Tuyết nhiệt đới cũng mở đầu cho một đường hướng phim ảnh mới mà anh rút kinh nghiệm được từ "chân dài": không "nhan sắc, cạm bẫy và trả giá" nữa.
Anh Thư và Lương Mạnh Hải trong phim "Tuyết nhiệt đới". |
Chỉ làm phim "cổ tích", những câu chuyện đẹp như những giấc mơ thường đeo đuổi và ám ảnh mỗi người, nhưng trong đời thực ít khi họ chạm được đến: Lọ Lem biến thành công chúa, con cóc biến thành hoàng tử, cả hai sống một đời hạnh phúc dài lâu. Và trên con đường "hóa thân" đó, không có bi lụy, không phải đánh đổi, chỉ có sự nỗ lực vươn lên của mỗi con người còn biết ước mơ.
Hiện anh "đắm đuối" viết những tập cuối của kịch bản Bỗng dưng... muốn khóc, bộ phim truyền hình dài tập (30 tập) thứ hai của anh. Anh bảo: "Tôi sợ nhất, cẩn trọng nhất với phim này. Thử thách lớn nhất mà một đạo diễn phải vượt qua không nằm ở tác phẩm đầu tay mà ở tác phẩm thứ hai. Sau một thành công, tôi luôn sợ mình chủ quan, sợ mình độc đoán, sợ được mọi người tin tưởng "nó làm gì cũng đúng". Và điều ấy dẫn bộ phim lẫn đạo diễn đến chỗ chết".
Lo vậy thôi, một cái lo cần thiết, nhưng nếu cứ "nhìn hậu vận đoán tương lai", thì Bỗng dưng... muốn khóc biết đâu sẽ lại "bỗng dưng" có doanh thu và có... giải nhì!
(Theo Thanh Niên)