![]() |
Một con đường với hệ thống chiếu sáng hình bông hoa do công ty của Nghiêm Giới Hòa xây ở Bao Đầu. |
“Bỏ con săn sắt...”
Khi lãnh đạo Bao Đầu (Nội Mông) muốn phát triển thành phố giàu quặng mỏ này, họ kêu gọi đầu tư. Tập đoàn xây dựng TQ Thái Bình Dương (CPCG) của Nghiêm Giới Hòa liền bỏ tiền làm vỉa hè, lắp đèn đường trên những con đường đầy bụi và tối tăm của thành phố. Tại khu trung tâm còn quạnh vắng, CPCG xây quảng trường và đặt tượng Thành Cát Tư Hãn (thành phố sau đó sẽ trả góp các chi phí này).
Nhờ sự đầu tư này mà CPCG dễ dàng giành được hợp đồng xây chiếc cầu vượt ở Bao Đầu trị giá 23 triệu USD. Hoàn tất cầu vượt vào tháng 7/2005, CPCG lại xây một tuyến đường 10 làn nối tòa thị chính tới nhà ga xe lửa, sau đó thêm một cổng chào hoành tráng dẫn tới trung tâm thành phố. Thành phố vắng vẻ này trở thành nguồn của các hợp đồng trị giá ít nhất 1,5 tỷ USD cho CPCG.
Đây cũng chỉ là một trong những nơi mà Nghiêm áp dụng mô hình làm ăn của mình: nhắm các tỉnh vùng xa, chậm phát triển, thiếu tài chính và kinh nghiệm xây dựng. Ông “bỏ con săn sắt” (đầu tư nhỏ vào thành phố) để “bắt con cá rô”: trực tiếp thương thảo nhiều hợp đồng với các quan chức mà khỏi sợ cạnh tranh, hưởng lợi tức hằng năm khoảng 35%.
Nhờ mô hình này, CPCG - nay có 100.000 nhân công - đã kiếm được các hợp đồng xây dựng trị giá tới 50 tỷ USD kể từ khi thành lập mới cách nay bốn năm. Theo đánh giá của chủ bút Tạp chí Tài Chính TQ Hồ Nhuận, tài sản cá nhân của Nghiêm chỉ xếp sau người giàu nhất TQ Hoàng Quang Dụ, chủ nhân chuỗi cửa hàng điện tử giảm giá Gome với 1,75 tỷ USD.
Bắt đầu từ mức lương 10 USD...
Nghiêm Giới Hòa sinh năm 1960 ở Giang Tô, là con út trong một gia đình có tới 9 người con. Cha mẹ đều là nhà giáo, sống tương đối tươm tất, nhưng cuộc cách mạng văn hóa thập niên 1960 đã đẩy gia đình ông vào cảnh nghèo khổ tới mức không có được một chiếc chăn lành chống chọi với mùa đông cắt da cắt thịt.
“Sau những năm tháng khó khăn đó, tôi muốn có một cuộc sống sung túc”, ông Nghiêm tâm sự. Những năm 20 tuổi, Nghiêm nối nghiệp bố mẹ làm nhà giáo, rồi trở thành nhân viên hành chính của một trường trung học tại Hoài An với mức lương 150 USD, cộng bảo hiểm xã hội và bảo đảm tiền hưu. Năm 1986, khi TQ chuyển đổi kinh tế, Nghiêm bỏ sự ổn định để dấn thân vào thế giới kinh doanh. Mặc gia đình phản đối, Nghiêm xin làm thư ký tại một nhà máy ximăng, lương chỉ 10 USD/tháng. Chỉ ba tháng sau, Nghiêm leo lên ghế quản lý, hưởng lương 500 USD/tháng.
Bình luận về việc làm giàu của Nghiêm, David Chen, giám đốc điều hành Công ty tài chính Thượng Hải MKA Capital Inc, nói: “Ở TQ, không phải là know-how (bí quyết) mà là know-who (biết người)”. Một số người chỉ trích Nghiêm đã làm giàu bằng việc khai thác thói phù phiếm của các quan chức nhà nước, thỏa mãn thói hám danh của họ thay vì phải đầu tư vào các dịch vụ cho người nghèo. Nhưng Nghiêm nói không có gì phải hối tiếc. “Tất cả ngành truyền thông TQ đều đặt câu hỏi có phải tôi giành được các hợp đồng trong những cuộc họp kín không? Nhưng công tố viên chưa bao giờ hỏi thăm tôi cả. Mọi việc đều minh bạch”.
(Theo Tuổi Trẻ)