Báo cáo tổng kết năm 2006 của công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (mã BMC) có tổng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 19,1 tỷ đồng, lợi nhuận cao hơn gấp rưỡi vốn điều lệ. Mức chi trả cổ tức 3.000 đồng/CP (30%). Năm 2007, BMC đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 24,52 tỷ đồng và tỷ lệ trả cổ tức ít nhất 15%.
Công ty cổ phần cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã TCT), năm 2006 có tổng doanh thu thuần đạt hơn 30,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 14,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần bằng với vốn điều lệ của công ty. Riêng quý I này, doanh thu của TCT đã đạt hơn 18,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2007, TCT sẽ phấn đấu đạt 32 tỷ về doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 16 tỷ đồng và chi trả cổ tức đạt 15-20%.
Một trong những nguyên nhân khiến BMC và TCT có lợi nhuận cao, hấp dẫn NĐT là có "dính" đến yếu tố độc quyền trong kinh doanh. BMC độc quyền khai thác khoáng sản titan tại Bình Định, trong khi TCT không có đối thủ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch tại Núi Bà (Tây Ninh).
Ngoài ra, các chỉ tiêu tài chính khác như ROA, ROE, EPS, PB của hai CP này đều rất tốt. Cả hai CP này đều có kế hoạch chia thưởng rất hấp dẫn: BMC chia thưởng 1:2 và TCT thì thưởng và phát hành thêm "tới tấp" 2 lần trong năm 2007, với cùng tỷ lệ 1:1.
Sức hấp dẫn của BMC và TCT là hoàn toàn bình thường. Nhưng điều bất thường là hai CP này đều đặn tăng kịch trần liên tục. Mặc dù nếu thực sự tốt thì giá CP tăng là hợp lý, nhưng với BMC và TCT, dấu hiệu làm giá còn rất lộ liễu.
Nguyên nhân dẫn đến sự làm giá là khối lượng CP sẵn sàng chuyển nhượng quá thấp. Cụ thể, theo thông tin của bản cáo bạch thì BMC có vốn điều lệ là 13,114 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,3 triệu CP. Vốn điều lệ của TCT là 15,985 tỷ đồng (gần 1,6 triệu CP).
Như vậy, nếu trừ số CP của cổ đông nhà nước, cổ đông là thành viên HĐQT và cổ đông lớn "ém hàng" thì số lượng CP dành cho giao dịch là rất ít. Chẳng hạn, số lượng CP sẵn sàng giao dịch của BMC chỉ vào khoảng 600.000, còn TCT cũng ở mức hơn 1 triệu CP.
Diễn biến giao dịch của TCT và BMC cho thấy, khối lượng khớp thành công cực thấp, thậm chí rất nhiều phiên chỉ là mức tối thiểu 1 lô (10 CP). Kỷ lục chuyển nhượng của BMC trong lịch sử là 64.090 CP ngày 30/3.
Trong tổng số 96 phiên giao dịch của BMC, khoảng 36 phiên CP này khớp lệnh dưới 100 lô (1.000 CP) và 63 phiên khớp dưới 1.000 lô (10.000 CP). TCT thậm chí còn khan hàng hơn, khi kỷ lục giao dịch chỉ có 42.130 CP ngày 22/1. Trong tổng số 112 phiên giao dịch thì có tới 69 phiên TCT khớp lệnh dưới 1.000 lô.
Đi liền với mức giao dịch thấp là chu kỳ tăng giá chóng mặt. Với BMC, ngay từ khi lên sàn ngày 28/12/2006, CP này đã tăng vù vù gần như liên tục tới giữa tháng 4 từ 50.000 đồng/CP lên trên 550.000 đồng/CP.
BMC trước khi chia thưởng đạt kỷ lục về giá là 837.000 đồng ngày 21/5. TCT từ khi hé ra khả năng chia thưởng lớn cuối tháng 4, cũng tăng liên tục từ 90.000 đồng lên trên 231.000 đồng hiện nay và còn khả năng tăng nữa.
Quan sát diễn biến giao dịch của hai CP này có thể nhận thấy việc làm giá thực hiện quá dễ dàng. Ngay từ lúc mở cửa thị trường, trong khi bên mua chất đống lệnh chờ thì bên bán trắng trơn. Chỉ gần đến lúc khớp lệnh cuối mỗi đợt hoặc cuối ngày giao dịch mới xuất hiện một lệnh bán "đủng đỉnh" bắn ra 1 lô, mức giao dịch tối thiểu 10 CP, để khớp được với nhau, tạo giá.
Cũng có phiên bên bán hào phóng bắn ra khoảng 2-3 lô, có vẻ như ý tưởng lớn gặp nhau? Nếu trong điều kiện thị trường trầm lắng hoặc bên mua quá ít, với những CP có tính thanh khoản thấp như vậy, việc làm giá cũng hết sức dễ dàng khi chỉ cần "thông" hai tài khoản (có thể do cùng một NĐT đứng tên) như một hình thức đổi từ tay phải sang tay trái mà chỉ mất phí giao dịch.
Xét từ góc độ pháp luật, hiện tượng làm giá này không thể bị quy kết trách nhiệm vì hoàn toàn tuân theo các nguyên tắc thị trường. Điều căn bản là phải nâng cao tính đại chúng của DN và hạn chế sự khan hiếm giả tạo.
(Theo Lao Động)