- Mỗi khi ra mắt vở mới, anh thường mời ai tới xem đầu tiên?
- Ngày mà sân khấu còn tấp nập, mỗi khi ra mắt vở mới, người đầu tiên tôi mời đi xem là dân phe vé. Họ chính là hàn thử biểu đo thái độ công chúng. Vở nào họ phán ăn khách đúng là diễn không biết mệt...
Đạo diễn Doãn Hoàng Giang (đội mũ) đang điều khiển sân khấu. |
- Giả dụ họ duyệt vở, đề nghị anh thêm chỗ này, bớt chỗ kia, anh sẽ làm thế nào?
- Ông nọ ông kia nói tôi có thể tảng lờ nhưng dân phe vé mà phán, tôi chấp hành luôn. Tôi và họ giống nhau ở một điểm, luôn cần những nhà hát không còn ghế trống.
- Nhưng tình thế đã khác. Anh vẫn đi dàn dựng liên tục. Tuy thế, sân khấu diễn có mấy người xem. Nghề phe vé cũng tuyệt chủng như khủng long. Anh tính sao đây?
- Ai cũng có quyền ngồi một chỗ ca thán sân khấu khủng hoảng. Y như bóng đá. Nói thật nhé, tôi mà là Chủ tịch liên đoàn Bóng đá Việt Nam, việc đầu tiên tôi làm sau khi nhậm chức là cấm cửa các nhà báo. Bây giờ bắt nạt VFF là dễ nhất. Ai cũng có thể chê, ai cũng được quyền phẫn nộ. Vì ai cũng đều yêu bóng đá cơ mà.
Tết vừa rồi, tôi mất vui vì chưa quen với việc Văn Quyến, Quốc Anh, Bật Hiếu, Quốc Vượng bị tạm giam vì bán độ. Chúng không được dạy dỗ để làm một ngôi sao. Không có những người lớn đủ sáng để chúng soi vào làm gương. Đau lắm!
- Nỗi buồn sân cỏ ấy sẽ được trình bày trên sân khấu của anh?
- Thế khác nào mình cứ mãi xoáy vào nỗi đau của chính mình. Nhưng từ chuyện bóng đá, từ nhiều vụ việc tiêu cực, tôi rắp tâm làm mới lại lớp Việc làng nổi tiếng trên chiếu chèo cổ. Ví dụ bây giờ để cô Màu quay ra xử cái Hội đồng làng kia. Những Đồ điếc, Thầy mù, Hương câm, Xã trưởng, ai đủ tư thế kết tội Thị Màu. Có thể đây là vở tham gia Liên hoan sân khấu quốc tế tại Hà Nội vào cuối năm. Tôi còn nợ người con gái Đặng Thuỳ Trâm một vở diễn công phu. Công việc ngập đầu sẽ giúp mình nguôi ngoai chuyện bóng đá.
- Cuộc sống đương đại nhiều màu sắc hơn. Thế mà những cái trên sàn diễn sao giả và ngây ngô thế hoặc chỉ là sự pha trò nhạt nhẽo. Anh nghĩ sao?
- Thế bạn có giằng co khi bước ra khỏi căn phòng ấm áp hoặc mát mẻ nhà mình, vượt qua quãng đường đầy bụi, đầy tiềm ẩn tai nạn để đến một cái rạp nóng nực hoặc lạnh lẽo, khu vệ sinh thiếu nước, thiếu người dọn dẹp. Sân khấu cũng ít được quan tâm hơn trước. Có bao nhiêu khách sạn đồ sộ mới xây, nhưng các nhà hát đẹp nhất VN vẫn chỉ là Nhà hát lớn Hà Nội và TP HCM có từ thời Pháp. Giải quyết triệt để những khúc mắc không nằm trong vùng phủ sóng của riêng mình như thế, rồi hãy trách cứ sân khấu.
- Đích cuối cùng của anh là khán giả, nên như người ta nói, anh toàn đưa những thủ pháp câu khách vào vở diễn, trong khi anh thừa biết nghệ thuật còn có chức năng giáo dục, hướng dẫn thẩm mỹ. Anh sẽ nói gì về điều này?
- Lại cái chuyện nho hãy còn xanh. Chân lý là thế này: Vở nào hấp dẫn và hay sẽ ăn khách. Công chúng tinh tường lắm. Nào, hãy kể đi, thủ pháp câu khách nào của tôi bị coi là rẻ tiền, cái nào thì đắt tiền. Tác phẩm này sang trọng, giàu ý nghĩa giáo dục nhưng không có người xem. Vậy các đạo diễn định hướng cho những hàng ghế vô tri giác à. Trước khi tuyên ngôn, cứ làm thật tốt đi đã.
- Anh đã quá thành đạt và xem ra cũng mệt mỏi rồi. Sao anh không tìm vài gương mặt trẻ, thu làm đệ tử, rồi truyền nghề cho họ?
- Tôi vẫn ngó nghiêng, vẫn để ý. Nhưng người vừa có tư chất lại sẵn lòng hy sinh cho nghề nghiệp, quanh năm suốt tháng bỏ nhà bỏ cửa đi rong, liệu có dễ kiếm không.
(Theo Thể Thao Ngày Nay)