Bố mẹ chị nguyên là nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Quân khu 1. Trước khi về Hà Nội, nhà chị ở Thái Nguyên. Cuộc sống đạm bạc như biết bao gia đình nhà binh thời bao cấp. Ngày hè, khi bà con thu hái xong, Dung và chị gái cùng đám trẻ dỡ đống thân ngô, khoai… nhặt bông, củ còn sót lại.
Hai chị em cắp theo chiếc rổ nhong nhong ngoài đồng đến mức người đen nhẻm, rồi chiều đến rủ nhau lên đồi hái củi. Như hai chú kiến tha những bó củi kềnh càng từ đồi cao xuống đến chân núi rồi công kênh về nhà, hai chị em gái chăm ngoan và sớm biết chia sẻ với bố mẹ nên ai cũng khen nhà sinh con một bề mà có phước.
Sau đó, gia đình Vân Dung chuyển về Hà Nội. Mẹ chị khéo tay nên nhận may quần áo và bạt đệm. Hiệu may nho nhỏ trong khu tập thể đem về khoản thu đáng kể cho gia đình. Hai chị em phụ giúp mẹ. Mẹ chị còn làm nghề trang điểm cô dâu. Hồi ấy chưa có nhiều cửa hiệu trang điểm như bây giờ nên diễn viên các đoàn văn công thường kiêm luôn nghề trang điểm.
Diễn viên hài Vân Dung. |
Mẹ chị khá đắt sô, có ngày chạy 3-4 đám cưới. Một hôm, vì mệt quá do phải chạy tới chạy lui phục vụ các cô dâu, đang đi giữa đường, mẹ chị chóng mặt ngã ra đất. Vân Dung đi học về, gặp mẹ ngồi bệt bên vệ đường. Đúng lúc mưa gió ập đến, hai mẹ con ôm nhau khóc. Chị nói với mẹ, từ ngày mai mẹ để con đi cùng. Bây giờ mỗi lúc nghĩ lại tình cảnh ấy, chị và mẹ đều ứa nước mắt.
Kể từ hôm đó, Vân Dung quyết tâm theo mẹ học nghề trang điểm cô dâu giúp mẹ. Mẹ đèo chị theo sau, đồ nghề trang điểm nhẹ tênh cài trên ghi-đông. Rồi hai mẹ con chia nhau đi các đám cưới. Thấy Dung xách xe đạp tong tong theo nghề của mẹ, bố chị lo lắng ra mặt.
Cả đời con gái chỉ có một ngày cưới, ai chẳng muốn là người đẹp nhất. Dung 14-15 tuổi nhưng trông mặt như trẻ con, trang điểm cô dâu không khéo người ta bắt đền thì có mà khổ cả nhà. Mẹ thì tin chị. Vân Dung sáng dạ, học nghề rất nhanh. Sau khi hóa trang, trông thấy nụ cười mãn nguyện của cô dâu và người xung quanh xúm vào trầm trồ khen ngợi, Dung càng tự tin. Chẳng cô dâu nào kéo đến nhà bắt đền như nỗi lo sợ của bố. Không những thế, hôm nào chị về nhà cũng được nhét đầy cả túi kẹo gọi là quà thưởng.
Chị tâm sự: “Tôi sớm có ý thức tự lập, biết tính toán chặt chẽ và quyết đoán trong công việc cũng chính nhờ những đức tính được tạo lập từ những tháng ngày sẻ chia phụ giúp gia đình ấy”. Những lúc khó khăn, chị tự nhủ: cuộc sống ngày trước khó khăn là thế mà biết bao gia đình còn vượt lên được cơ mà. “Lớn lên, tôi hiểu, bố mẹ đã rèn giũa chúng tôi nên người bằng chính những công việc đời thường. Không có ngày tháng ấy thì không có chúng tôi ngày hôm nay”.
Vân Dung thổ lộ, chị thích “hành xác” người khác, ý là một chút nũng nịu, mè nheo theo kiểu phụ nữ. Trên sân khấu, chị chanh chua biến hoá chóng mặt như thương hiệu "phù thuỷ Vân Dung" mà khán giả yêu mến thường gọi. Nhưng trong công việc, chị là người làm chắc, ăn thật.
Nhận sô diễn hài khắp nơi, trong tình trạng tổ chức biểu diễn còn không ít lộn xộn, bầu sô năm bảy kiểu, chị càng giương cao khẩu hiệu: “Rõ ràng, rành mạch và sòng phẳng”. Là sao hài đất Bắc, chị thật ra không cao đạo mà phương châm là: “Đôi bên đều cần nhau. Mình có sống thì người ta mới sống”.
Được tiếng cát-xê thuộc hàng cao ngoài Bắc, nhưng có những lần, chị chỉ nhận 100 nghìn đồng, đủ tiền xăng xe. Khi đêm diễn vắng khách do thời tiết hay vì một lý do bất khả kháng, cô sẵn lòng trích lại hai phần ba thù lao để bù lỗ cho đơn vị tổ chức… Với chị, không cứng nhắc nhưng khi đã thoả thuận thì phải tôn trọng nhau. “Làm ăn kinh tế phải giữ chữ tín”, chị quả quyết.
Năm mới nhắc chuyện cũ, để ra mắt một chương trình Gặp nhau cuối tuần hay Gala cười, Vân Dung và các đồng nghiệp phải tập ròng rã cả tuần. Có hôm tập từ 10h sáng hôm trước đến 2-3h sáng hôm sau. Ấy vậy mà thù lao nhà đài trả cho diễn viên chỉ hơn 1 triệu đồng. Tính cả công tập thì mỗi buổi chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, sô đi tỉnh của chị gấp 5-10 lần. Nghe thông tin, cát-xê cả tháng "vật vã" trong trường quay Mesas ở Hưng Yên tính ra chỉ tương đương với vài suất diễn ngoài, Vân Dung vẫn chỉ… cười.
Chị tự tin nói rằng, chị là người khéo tay: “Tôi biết làm nhiều việc, từ nội trợ, trang trí nội thất, mua sắm đồ đạc…”. Rồi như nghiệm ra từ chính những ngày thơ bé, chị nghiêng cổ, lắc đầu: “Nhưng mà phụ nữ đa mang thì khổ”. Hỏi dồn, chị là người sướng hay khổ, giọng chị chùng xuống, khuôn mặt dường như… dài hơn: “Có những người chẳng làm gì vẫn sướng...”.
Nói là nói thế thôi, Vân Dung không thích sướng theo kiểu “ăn không ngồi rồi” ấy. “Mình sống bằng sức lao động của mình thì tự tin hơn sống dựa vào người khác. Tiền mình làm ra, sao mà tiêu lâu hết thế. Ngày xưa, thù lao một đêm diễn được 20.000 đồng, nhưng tiêu mãi không hết”.
Nói là “tiêu lâu hết” nhưng kỳ thực là chị đang dành dụm để tậu nhà. Chồng chị là người Bắc nhưng công việc kinh doanh trong Nam nên chị theo chàng vào Nam. Những chuyến đi về ngoài Bắc, vợ chồng con cái tá túc nhà ông bà ngoại. Căn hộ hơn 40 m2, trong khu tập thể Nhà hát kịch Công an, nơi chị gắn bó từ thuở ấu thơ ăm ắp bao kỷ niệm giờ vẫn là chốn đi về của gia đình chị. Được "quấy nhiễu" ông bà ngoại, nhưng chị vẫn mơ một căn nhà riêng để "an cư lạc nghiệp".
Chị thú thật, các diễn viên hài mang tiếng chạy sô nhiều nhưng chưa ai mua được nhà ở Hà Nội. “Nếu đủ tiền thì anh Quang Thắng đã mua nhà trên này chứ đâu ở mãi Hải Phòng. Rồi Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý đều chưa có nhà riêng. Vợ chồng Lý ở nhà cô của chị Thảo Vân và sắp tới được thuê nhà của nhà nước trong 50 năm. Tự Long mới được cơ quan phân nhà. Bắc có ngôi nhà bé tí nhưng là của anh trai gửi tiền về mua”, Vân Dung bật mí với hàng loạt dẫn chứng cho thấy “nếu có đủ tiền thì mua nhà ngay chứ sao phải ở nhờ”.
Chị chẳng giấu diếm, lương thưởng mỗi tháng ở Nhà hát Tuổi Trẻ khoảng 2 triệu đồng vừa đủ tiền học hành cho con. Long Vũ học trường Đoàn Thị Điểm, có xe đưa đón hằng ngày nên bà ngoại không còn được “tranh luận” với cậu cháu ngoại hay chuyện nữa. “Vũ nói liến thoắng suốt ngày. Cô giáo bảo Vũ thông minh nhưng hay lý sự. Vũ còn mang cả ảnh và đĩa của mẹ đi khoe với các bạn ở lớp”...
Nói đến cậu con trai, một thoáng âu lo trên khuôn mặt bà mẹ trẻ khi nghĩ về cuộc sống hiện đại quá nhiều cám dỗ, điều kiện sống ngày càng đủ đầy, trẻ em không được tôi luyện sớm tự lập như trước… “Dù bận rộn đến đâu, vợ chồng tôi cũng muốn dành thời gian cho con, nói chuyện với con, chăm sóc và giáo dục con mỗi ngày. Thời nào thì bố mẹ cũng đều yêu thương con hết mực. Đó là nền tảng vững chắc để con lớn khôn”, chị chia sẻ.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)