Sống trong gia đình có truyền thống làm đậu phụ nên 13 tuổi anh Hưng (Hà Nội) đã quen với việc dậy sớm để làm ra những khuôn đậu. Công việc làm đậu ở Hà Nội không kiếm được là bao. Lập gia đình, mức thu nhập ít ỏi đó càng đè nặng, anh phải bôn ba vào Nam kiếm sống.
“Tôi nghĩ, Sài Gòn có thể giúp tôi có được công việc tốt nên đầu năm 2009 tôi quyết vào để kinh doanh quán đậu”, anh Hưng bộc bạch.
Yêu nghề và rất đam mê kinh doanh, nhưng do chưa nắm bắt được thị hiếu khách hàng, nên cơ sở sản xuất đậu của anh không thành công. Cơ sở đầu tiên ở quận Tân Phú được anh Hưng làm theo lối cũ, tức là sản xuất ra rồi bán dần, có thể kéo dài qua ngày hôm sau. Vì vậy khách hàng khá èo uột, trong khi lại chịu cạnh tranh của nhiều cơ sở gần đó. Giữa năm 2012, anh Hưng đã tính tới chuyện quay trở ra Bắc. Nhưng chính lúc này, qua quan sát, anh thấy ở Sài Gòn có nhiều người không có bằng cấp, “chân ướt chân ráo” từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, bằng nhiều nghề kinh doanh khác nhau, họ vẫn thành công. "Có người kiếm được cả trăm triệu mỗi năm nhờ biết cách làm mới, trong khi đó mình có nghề truyền thống trong tay mà lại không kiếm ra tiền. Vậy nên tôi quyết tâm thử lại lần nữa", anh kể.
Sau khi đã quyết định, anh Hưng kiên nhẫn khảo sát lại tình hình kinh doanh của các quán đậu khác và thấy nhu cầu ở Sài Gòn không giảm, đặc biệt là người gốc Bắc. Chỉ có điều phải tạo ra sự khác biệt là sản phẩm phải sạch và tươi ngon trong mắt khách hàng.
Với số vốn 200 triệu đồng, trong đó bao gồm cả khoản tiền bán lại cơ sở ở Tân Phú cho người khác, anh Hưng quyết định thuê một căn nhà gần chợ ở quận Bình Thạnh. Anh trích 100 triệu mua dụng cụ, thiết bị máy móc từ Hà Nội chuyển vào, 10 triệu đồng trả tiền mặt bằng hàng tháng, số tiền còn lại dùng để mua nguyên liệu và trả tiền thuê nhân viên.
“Khi mới mở, tôi cũng lo lắng không biết khách có hưởng ứng không, nhưng chỉ cần vài ngày đã có cả trăm lượt ghé mua, thậm chí qua giới thiệu của khách quen, nhiều quán ăn cũng đến đặt hàng. Đậu ra lò đến đâu hết đến đấy, nếu hôm nào ít khách thì cũng chỉ 2 tiếng là bán hết một mẻ đậu”, anh Hưng nói.
Với cách phục vụ chu đáo, sản phẩm đảm bảo vệ sinh và chất lượng nên mỗi ngày anh Hưng bán được 150 kg đậu với giá 20.000 đồng một kg. Ngoài ra, sản phẩm phụ là tàu hũ và nước đậu cũng đem lại cho anh thêm 30% trên tổng doanh thu. Quán của anh có 5 nhân viên, không chỉ bao ăn ở, mỗi tháng anh trả mỗi người 3-4 triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí từ thuê mặt bằng, nguyên liệu cho tới nhân công, điện, nước, anh Hưng cho biết mỗi tháng lãi khoảng 30 triệu đồng.
“Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng để làm ra sản phẩm đều tay, chất lượng không phải đơn giản. Để đạt được thành quả này tôi cũng phải đầu tắt mặt tối cả ngày”, anh Hưng nói.
Có người đi ngang qua quán đậu của anh Hưng thấy khách tấp nập mua, cũng chen chân mở cửa hàng chỉ cách vài chục mét. Tuy nhiên, sức hút cửa hàng của anh vẫn không hề thuyên giảm, khiến cho quán đậu gần đó chỉ duy trì được hơn một tháng rồi phải đóng cửa.
Chia sẻ về cách thức kinh doanh, anh Hưng cho biết, yếu tố quan trọng nhất là nguyên liệu. Phải chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, khi chế biến phải tỉ mỉ và giữ được độ tươi ngon.
“Để có được hạt đậu tương ngon, tôi không lấy hàng ngoài chợ mà đặt tại một công ty chuyên nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài. Bởi, tinh bột cũng như chất lượng của sản phẩm này hơn hẳn trong nước. Sau đó, ngâm kỹ trong nước lạnh, đãi sạch vỏ, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch và nấu đúng quy trình”, anh Hưng bộc bạch.
Bên cạnh đó, tâm lý chung của nhiều khách hàng là sợ đậu có chứa thạch cao. Do vậy, tuyệt đối không được tham lợi nhuận mà cho những tạp chất không đáng có vào trong đậu. Vì như thế khách hàng sẽ chỉ đến mua một lần rồi ra đi mãi mãi.
Yếu tố quan trọng thứ ba khiến anh Hưng thành công là chế biến đến đâu bán đến đó chứ không để qua ngày. Chính vì vậy, khách hàng lúc nào cũng mua được những khuôn đậu nóng hổi. Ngoài ra, chọn công nghệ chế biến và dầu chiên đảm bảo chất lượng là yếu tố giúp cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn. Anh cho biết, phải tìm mua được nguồn dầu giá sỉ ở nhà máy thì mới giảm được chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng. Thêm vào đó, nên chọn mặt bằng gần chợ sẽ thuận lợi hơn cho việc kinh doanh.
Yếu tố cuối cùng để giữ chân khách hàng là tạo ra không khí thân thiện với khách hàng. Nhân viên phục vụ phải nhiệt tình và nhanh nhẹn để khách hàng không phải chờ đợi, góp phần tạo sự thoải mái cho khách hàng.
VnExpress