Một sự tình cờ thú vị, qua facebook tôi tìm lại được đứa bạn gái học chung thời sinh viên cách đây trên chục năm. Hai đứa phấn chấn ngồi rả rích ôn lại những chuyện xưa và quyết định phải gặp lại nhau khi tôi ra công tác ở Hà Nội. Tất nhiên những cuộc tụ họp nào cũng phải có đầy đủ “nhân chứng lịch sử” nên chúng tôi gọi thêm vài đứa bạn học cũ.
Sau hàng loạt những câu chuyện về mọi thứ cũ như bạn bè, thầy cô là đến những thứ mới. Trong những thứ mới thì có thứ mà tôi thường ghét phải chia sẻ nhất là chuyện gia đình. Gặp những người mới quen hay lâu lâu mới gặp lại mà hỏi chuyện này là tôi luôn tìm cách lái theo hướng khác hoặc trả lời một cách qua loa cho xong chuyện. Lần này thì khác, đứa bạn gái của tôi phủ đầu luôn một câu: “Thằng này không thích đàn bà thì xin một đứa con nuôi để dưỡng già đi”. Tôi giật mình, nghĩ, chết thật, chắc nó hay đọc mấy thứ viết trên facebook nên cũng đoán ra mình thuộc nhóm cầm cờ “bảy sắc cầu vồng”. Tôi chẳng thấy ngại khi có người hỏi: “Anh có phải là gay?” nếu muốn biết thì tôi sẵn sàng trả lời là “vâng”. Tôi tự tin về điều này thay vì phải xấu hổ, mặc cảm. Tuy nhiên, do những định kiến và nhận thức của xã hội về đồng tính còn hạn hẹp nên tôi không muốn tùy tiện chia sẻ chuyện riêng của mình đối với những người chưa hiểu về vấn đề này. Ngồi với ba đứa bạn cũ, đều là những người hiểu biết, giờ đã có vị trí trong xã hội, nhưng tôi có thể đọc được những dòng suy nghĩ qua ánh mắt. Đứa bên phải nhìn tôi một cách lém lỉnh, tính quái, thể hiện sự cởi mở và sẵn sàng ủng hộ. Đứa bên trái nhìn tôi ngạc nhiên, rồi chuyển sang tiếc nuối, nó buông một câu ngắn gọn: “Khổ thân mày, trông thế này mà bị gay”. Đứa còn lại ngồi đối diện, im lặng với cái nhìn nghi ngại, đầy tò mò. Chững lại ít phút với cái im lặng của công an hình sự nhìn phạm nhân, tôi không thể chịu được và hét lên: “Trời ạ, chúng mày yên tâm, tao không sang Thái bơm ngực, giải phẫu thẩm mỹ và mặc váy hẹn chúng mày ra đây vào những năm tới đâu”. Cả bọn cười phá lên, xua hết những hoài nghi, mặc cảm.
Cô bạn lém lỉnh quay sang cô bạn ngồi cạnh chọc thêm: “Mày phải bảo, trông nó thế này mà “được” là gay chứ không phải “bị” là gay bởi vì nhiều đứa như nó giờ đây được các công ty săn lùng để tuyển dụng. Đặc biệt mấy công ty làm về quảng cáo, PR, marketing hoặc các lĩnh vực dịch vụ, giải trí. Họ thích tuyển gay bởi nhóm này luôn có sự tinh tế, sáng tạo trội hơn”. Có lẽ đúng là như vậy, do bản chất tự nhiên hoặc những va chạm, thách thức, rồi cả cạnh tranh trong cuộc sống cá nhân đã khiến gay trở nên nhạy cảm, mạnh mẽ và rất khéo léo trong ứng xử, những yếu tố cần thiết để thành công trong các lĩnh vực kể trên. Hơn nữa, một so sánh khá thú vị như tuyển phụ nữ thì phải lo khâu chửa đẻ, con cái ốm đau, ảnh hưởng đến công việc công ty. Tuyển đàn ông thì độ ngoài 35 là ít ông nào còn quan tâm đến ngoại hình, trong khi các chàng gay luôn luôn bảnh bao, trau chuốt bởi đó là một trong những cách để họ có được sự cân bằng trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc.
Gay thuộc nhóm thiểu số trong xã hội, nhưng giờ không còn là hiếm nữa. Cuộc sống ít có sự ràng buộc theo kiểu truyền thống - gia đình và con cái nên đôi khi quan hệ không có tính bền vững. Do vậy, gay sẽ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với người bình thường để có được sự thành đạt, sự ổn định. Những nhận xét tích cực của cô bạn lém lỉnh đã làm cho hai người bạn kia nhập cuộc nhanh hơn. Vẫn với ánh mắt hoài nghi, cô bạn ngồi đối diện tôi chất vấn: “Tao thấy cuộc sống của những người đồng tính phức tạp lắm, ngày nào đọc báo cũng thấy cả đống tin gay giết bạn tình cướp của, quan hệ truy lạc rồi nhiễm HIV, sống buông thả, không có trách nhiệm gì cả”. Nhận định của cô bạn này không sai, nhưng chỉ đúng với một nhóm người trong cả cộng đồng gay như bất kỳ một cộng đồng nào khác. Có rất nhiều người đồng tính thành đạt, sống lành mạnh, đóng góp và cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên, họ không muốn đời sống riêng tư bị xáo trộn bởi dư luận. Họ ngại những cái nhìn kỳ thị, ánh mắt tò mò, thiếu thiện chí và sau đó có thể là những câu chuyện bịa đặt ly kỳ về cuộc sống của họ từ đồng nghiệp nơi công sở, hoặc từ những người hàng xóm khi trở về nhà. Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, tôi cũng đã thấy được sự chuyển biến tích cực trong cách nhìn nhận của báo chí về đồng tính. Đã có nhiều bài viết cởi mở, mang tính ủng hộ cho cộng đồng này. Tuy nhiên, độc giả thì lại quan tâm đến những thông tin có tính “sốc”, giật gân hơn là nhưng bài mang tính giáo dục hay chia sẻ của một ai đó.
![]() |
Tôi không ngại dùng ảnh thật của mình, tuy nhiên, để những người thân của mình không bị sốc, tôi đành phải chọn giải pháp "ảnh minh họa". Nhiều cặp gay nước ngoài kết hôn và sống với nhau rất hạnh phúc. |
Bố mẹ tôi thì cũng giống nhiều bậc cha mẹ khác, chưa hiểu nhiều về gay, có chăng thì họ chỉ biết đồng tính là “pê đê” thích môi son, má phấn, giọng lảnh lót như chim hót véo von. Chứ ai ngờ con mình trông bình thường, chỉ thích chải chuốt hơn một chút mà lại thích người cùng giới. Biết được chắc họ sốc lắm… Tôi chẳng có can đảm để ngồi xuống giải thích như một số người bạn, nhưng tôi sẽ đi theo kiểu của mình là “mưa dầm thấm lâu”. Có lẽ sẽ một kế hoạch “phổ biến kiến thức” về đồng tính để bố mẹ làm quen, thông cảm và dần dần chấp nhận. Cho đến nay, tôi vẫn là sự tự hào của bố mẹ với công việc ổn địnhvà luôn luôn chăm sóc, quan tâm tới gia đình. Tôi nghĩ rằng, với tình thương và lòng vị tha, tôi sẽ mãi là người con tốt của gia đình.
Hoàng Nguyễn