Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. |
5 tuổi: Tôi nghịch ngợm, và luôn say mê những trò chơi mà mình "sáng tạo". Phương thuốc hiệu nghiệm nhất của tôi sau mỗi lần trèo cây, chạy nhảy, rồi bị ngã là rửa vết thương vào nước lạnh cho đến khi chuyển thành màu tái mới thôi.
Đi chơi thì vậy, còn lúc về tới nhà, tôi lại lầm lũi chẳng trò chuyện với ai. Thỉnh thoảng lại trêu chọc chị gái. Chị càng nhường nhịn, tôi càng lấn tới, đến nỗi bố mẹ tôi phải lắc đầu ngao ngán: "Không hiểu tính con Hương thế nào, lẽ ra nó là con trai mới phải...".
Tôi rất thương bố mẹ và chị gái nhưng tôi lại không thể trải lòng mình. Có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ nói điều đó bằng một hành động thiết thực. Vì thế, càng ngày tôi càng trở nên độc lập, xa cách với mọi người.
Ký ức tuổi thơ tôi là những lần chuyển nhà. Vì vậy, tôi chẳng có bạn thân. Cứ quen được bạn mới là lại chuyển nhà đi nơi khác.
Tôi đã sống trong 3-4 ngôi nhà khác nhau. Có nhà thì rất rộng, sống vô cùng thoải mái. Nhưng ngược lại, có những ngôi nhà đơn sơ với cuộc sống tưởng chừng như tận cùng của cái nghèo. Nhưng lạ thay, mỗi khi nhắm mắt lại, ký ức về ngôi nhà nghèo khổ ấy luôn hiện về trong tôi. Có lẽ, những khó khăn, đau buồn làm cho người ta nhớ lâu, nhớ dai hơn thì phải.
Có một ngày, tôi thấy bố mẹ quyết định bán nhà. Lúc ấy, tôi cứ thắc mắc không hiểu sao bố mẹ lại bán ngôi nhà rất rộng rãi, khang trang ấy. Sau này, tôi mới hiểu gia đình tôi bị thua lỗ trong kinh doanh.
Ngay sau đó, chúng tôi chuyển đến ở trong một gian nhà kho nhỏ xíu của khu tập thể văn công Quảng Ninh. Nó thực sự là nỗi kinh hoàng của chị em tôi lúc bấy giờ. Mạng nhện giăng kín khắp nơi, cỏ mọc ngang đầu đến tận hiên nhà. Cả nhà tôi phải dọn dẹp cật lực trong 2 ngày mới có thể nhìn ra hình thù của ngôi nhà ấy. Cả không gian chỉ kê vỏn vẹn được 2 giường, 1 tủ là chật lối ra vào, vì vậy những đồ đạc khác bố mẹ đành đem bán hết.
Những ngày đó, bố mẹ trầm lặng hẳn khi nhìn 2 chị em chúng tôi. Khổ nhất là khi mưa gió bão bùng, nhà dột như không có mái che. Chị em tôi che áo mưa lên đỉnh màn rồi nằm nghe tiếng mưa rơi loong coong, lụp bụp, lẫn trong đó là tiếng thở dài của bố mẹ. Mỗi lần như thế, mắt bố mẹ tôi thâm quầng vì suốt đêm không ngủ, vì không đành lòng để chị em tôi phải sống trong thiếu thốn, khó khăn. Nhưng bố mẹ đâu biết, chính cuộc sống đó đã giúp hai chị em tôi nên người.
Bình thường, 2 chị em tôi hay cãi nhau, nhưng vào những đem mưa, chúng tôi lại ôm nhau ngủ, như một sự bấu víu, nương tựa lẫn nhau vượt qua cảm giác lạnh lẽo. Bất chợt, tôi nói với chị: "Nghe như bài hát ấy chị nhỉ". Chị tôi cười khúc khích: "Ừ! Chị còn thấy có cả hát bè, hát đuổi..." nữa. Lúc ấy, tôi tưởng tượng ra một bản nhạc được cộng hưởng giữa tiếng mưa và tình yêu thương. Nó làm tôi không còn cảm giác sợ những trận mưa nữa.
6 tuổi: Nhà nghèo nên chẳng bao giời tôi có tiền ăn quà vặt như những đứa trẻ khác. Khi chú bán kem mút đi qua, tôi cảm thấy hương vị ngọt ngào, mát lạnh của que kem. Đó là cả một sự quyến rũ chết người trong trưa hè nắng gắt mà tôi chỉ được tưởng tượng.
Nhưng tôi không bao giờ vòi vĩnh bố mẹ mua cho mình, dù một que kem chỉ có giá 100 đồng, vì đối với gia đình tôi lúc ấy, 100 đồng cũng quý. Tôi nhặt từng sợi dây đồng, dây nhôm ở bãi rác để có tiền mua kem. Đó cũng là đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được bằng chính sức lao động của mình.
Cầm que kem, cắn một miếng mát lạnh, tôi chạy thật nhanh về nhà vì muốn cả 2 chị em cùng được thưởng thức cảm giác tuyệt vời này. Nhưng về đến nơi, que kem đã tan hết. Tôi tự hứa với lòng mình, một lúc nào đó tôi sẽ có thật nhiều tiền, mua thật nhiều kem để phần chị.
Chị tôi chăm lắm, được nhận vào thử việc ở bưu điện nên chị vất vả đạp xe từ rất sớm giữa trời giá rét. Lương lĩnh về, chị đưa hết cho mẹ, chẳng giữ lại đồng nào. Chính từ những đồng lương ít ỏi đó, phần nào đã giúp tôi lớn lên. Tôi bắt đầu cất tiếng hát.
14 tuổi: Khi tôi học lớp 8, ai cũng cho rằng tôi hát không hay. Tôi chỉ được phân công chân hát bè, hoặc múa phụ họa cho người khác trong những cuộc biểu diễn nghiệp dư của phường, xã. Những lúc ấy, nước mắt tôi trào ra. Tôi hát hay mà! Tôi thực sự muốn trở thành một nghệ sĩ. Tôi sinh ra để hát...
Tôi luôn tưởng tượng cả bầu trời là một sân khấu lớn và khán giả của tôi là những ngôi sao sáng. Ngồi trong lớp nhưng tôi luôn nghĩ mình đang biểu diễn trên sân khấu. Tôi cảm thấy hạnh phúc lắm nhưng buồn thay, học lực của tôi kém dần.
Giờ đây, có lúc tôi cảm thấy ân hận. Giá như ngày đó, tôi chăm chỉ học hành thì sẽ không phải mất thời gian học lại những thứ rất có ích đối với nghề nghiệp của tôi bây giờ.
16 tuổi: Cuối cùng, tôi cũng thi đậu vào lớp 10. Cuộc sống gia đình đã khá hơn rất nhiều. Sự tần tảo của bố mẹ được đền bù bằng một ngôi nhà khang trang. Đó cũng là lúc tôi quyết định sống tự lập. Tôi chuyển sang trường chuyên bán công Hạ Long để học cấp III.
Run rủi thế nào, bố lại xin cho tôi vào học tại trường nghệ thuật Quảng Ninh. Không nói nhưng tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Xách túi quần áo vào ở trong ký túc xá, tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà, và tôi tin mình sẽ là một ca sĩ.
Cũng chính từ những năm học nơi đây, con bé tôi nghịch ngợm như một thằng con trai, luôn lạnh lùng khó hiểu đã biết rung động... Nhưng giờ, mối tình đầu của tôi chỉ còn là kỷ niệm.
20 tuổi: Những ngày đầu đi hát, một ca sĩ chưa có tên tuổi như tôi từng bị một số fan của ca sĩ đình đám thời đó đuổi xuống. Tôi sợ cái cảm giác lúc ấy. Nó làm tổn thương trái tim tôi... Thỉnh thoảng trong những giấc mơ sau này, dường như tôi vẫn còn bị điều đó ám ảnh.
Tôi biết mình phải thay đổi. Tôi lao đầu vào học và tham dự hầu hết những cuộc thi nghệ thuật. Khán giả đã bắt đầu chú ý tới tôi, nhưng tôi tự nhủ: mình không được dừng lại. Tôi phải nỗ lực và phấn đấu hơn nữa cho con đường nghệ thuật mà tôi đã chọn.
Thời gian qua đi, những người bạn luôn sát cánh bên tôi đã trở thành một êkíp hết sức ăn ý. Tôi đã có những khán giả của riêng mình và đàng hoàng đứng trong top những ca sĩ được yêu thích nhất. Tất cả trở thành động lực để chúng tôi tự tin tiếp tục thực hiện dự án mới.
Liveshow Tôi là sinh viên là một trong những kế hoạch đó. Trước chương trình, liên tiếp những khó khăn ập đến khiến tôi nhiều lúc tưởng sẽ quỵ ngã. Nhưng tôi không thể để những lý do cá nhân làm ảnh hưởng đến công việc của cả một tập thể. Tôi đã vực dậy, tiếp tục tập luyện và tổ chức công việc vì một chương trình được hoàn tất một cách tốt đẹp.
Đêm công diễn ấy, rất đông khán giả đến và ủng hộ tôi. Khán giả đã hát, nhảy cùng tôi và cổ vũ cho tôi suốt cả chương trình. Tôi đã khóc, khóc vì ước mơ của mình đã trở thành hiện thực, khóc vì tôi quá hạnh phúc.
(Theo Mỹ Thuật)