Chanhrhum
Ở nhà ngoại, cậu ba của mình trồng rất nhiều hoa kiểng nào là vạn thọ, cẩm chướng, cúc mâm xôi, phát tài. Quanh năm suốt tháng cậu chăm chút cho những chậu hoa kiểng ấy để khi xuân về sẽ chở lên Sài Gòn bán.
Mình còn nhớ như in, vào khoảng 15 tháng chạp âm lịch là những dàn hoa kiểng ở ngoài vườn được thay chậu mới, phân mới và được tập kết thành những vựa thật lớn ở bờ sông trước nhà ngoại, sau đó, sẽ vận chuyển lên chiếc xuồng thật lớn, ra ngoài sông cái chuyển lên xe hàng, vượt hàng trăm cây số về Sài Gòn. Lúc ấy, cả xóm mình thật vui và nhộn nhịp. Tối đến người người trong xóm giăng mùng nằm ngủ ở bến sông giữ, nâng niu những giỏ hoa ấy như một báu vật. Năm nào bán đắt hàng cậu về với gương mặt rạn ngời thì lũ cháu nhỏ chúng mình vui như trẩy hội, vây quanh cậu xúm xích mừng tuổi và mỗi đứa sẽ được bao lì xì đo đỏ. Sau đó, mở bao ra xem tiền đứa nào nhiều hơn. Đúng là trẻ con thật! Năm nào hoa kiểng còn ế bỏ lại Sài Gòn cậu đi tay không về nhà là lũ con nít chúng mình trốn biệt. Vậy mà cậu đã bỏ mình ra đi do căn bệnh ung thư phổi quái ác cách nay đã mười mấy mùa xuân rồi. Có lẽ do lúc nào cậu cũng dậy sớm 4 giờ sáng để tưới cây, trời lạnh cậu hút rất nhiều thuốc nên căn bệnh ấy đến với cậu chăng?
![]() |
Làng hoa kiểng Sa Đéc. |
Trước Tết khoảng một hai tháng là mẹ và dì Năm bắt đầu làm mứt để ở nhà ăn thì ít, bán nhiều hơn. Nhà ngoại trồng rất nhiều cây hạnh mà có người gọi là tắc. Mình thường cặp cái rổ tre lớn theo mẹ ra vườn hái hạnh. Hạnh muốn làm thành mứt thì phải lạng vỏ, mẹ thường lấy dao lam, lạng thật mỏng lớp vỏ bên ngoài. Mình cũng bắt chước làm theo, nhưng eo ôi cứ phạm vào ruột làm chảy cả nước mình sợ quá! Trái nào phạm là mình quăng xuống gầm giường. Mỗi sáng thức dậy, mẹ quét nhà mà bắt gặp mấy trái hạnh nằm lăn lóc trên đất là y như rằng mình bị ăn đòn.
Những lần theo mẹ ra sau vườn nhà ngoại hái me vô làm mứt cũng thú vị thật. Mẹ thì tòng teng trên cây me, còn mình và mấy đứa cháu con của cậu, dì căng tấm mền thật to ở dưới đất hứng từng chùm me rơi xuống. Chính những công việc mẹ vất vả làm thêm thế này mà mình có được tấm áo mới xúng xính với bạn bè..
Theo thông lệ ở gia đình ngoại, gần đến giao thừa cậu Út treo một phong pháo thật dài, chờ đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì cậu Út sẽ chăm lửa vào ngòi cho pháo nổ. Năm nào pháo nổ giòn tan thì hy vọng năm đó cả đại gia đình mình gặp may mắn sung túc. Sau khi cúng giao thừa, bọn trẻ con chúng mình mừng tuổi ông bà ngoại trước tiên, rồi cậu mợ dì, người lớn lì xì cho người nhỏ như lộc đầu năm mới.
Sau này vì cuộc sống, mưu sinh và thuận tiện cho việc học hành của mình và em trai mình rời quê ngoại về đất Cần Thơ. Ngày gia đình mình đi cũng là những ngày còn xuân, mình khóc, ngoại khóc, cả nhà ôm nhau khóc. Mỗi năm Tết đến mình lại nôn nao, háo hức về quê ăn tết với ngoại, ngoại làm đủ loại bánh mứt đợi con cháu về.
Năm tháng trôi đi, mình lớn lên, ông bà ngoại già thêm và mất đi, mình không còn được về quê đón Tết. Những ngày giáp Tết nhìn thấy nhà bên cạnh khu tập thể mình đang sống chuẩn bị hành lý về quê ăn Tết mà lòng mình thèm thuồng được như thế! Những ký ức Tết quê luôn là kỷ niệm đẹp, trong lòng mỗi người.