Ông Phạm Hồng Bình bên cạnh chiếc bình hoa khổng lồ được đặt tên "Huyền sử đời Hùng" của ông. |
Nhưng dường như ông Phạm Hồng Bình chưa bằng lòng, mà còn muốn lập thêm vài kỷ lục nữa từ một thứ “đồ bỏ”: sọ dừa!
Sau 105 ngày thực hiện liên tục với 17 nhân công, chiếc bình hoa khổng lồ bằng sọ dừa, cao 3,62 m, nặng 623 kg có tên “Huyền sử đời Hùng” của doanh nghiệp Bình SVC (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã hoàn thành. Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) đã chính thức ghi nhận đây là “Chiếc bình bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam”.
“Huyền sử đời Hùng” được thực hiện từ hơn 200.000 miếng sọ dừa lấy từ hơn 8 tấn dừa thô với tổng kinh phí hơn 102 triệu đồng. Đường kính vùng lớn nhất của chiếc bình là 2,55 m, còn thân bình được dán 3-15 lớp vỏ sọ dừa tùy vị trí. Bề mặt của chiếc bình được khảm hình tượng của 4 sử tích: Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Bánh chưng - bánh dày, Trầu cau và một số hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt Nam, như: trống đồng Đông Sơn, thuyền cổ Việt Nam, chim Lạc, nhà rông Tây Nguyên, cồng chiêng - ché rượu cần Tây Nguyên, giã gạo dưới nhà rông...
Ngay khi chiếc bình “Huyền sử đời Hùng” hoàn thành, được công nhận đạt kỷ lục Việt Nam, một số doanh nghiệp ở TP HCM đã tìm đến và ngả giá mua lên đến 500 triệu đồng, nghĩa là số tiền lời đã lên hơn 4 lần vốn. Vậy nhưng ông Bình không bán, mà quyết định để tác phẩm kỷ lục này trưng bày tại triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Phú Yên nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng tỉnh vào 1/4 tới.
Ông cho biết: “Sau triển lãm, tôi sẽ cho bán đấu giá tác phẩm này. Doanh nghiệp chỉ lấy lại phần vốn để tái sản xuất, 60% phần lời sẽ được chuyển giao cho Quỹ Vì người nghèo và Quỹ Nạn nhân chất độc màu da cam Phú Yên, 40% còn lại sẽ đưa vào quỹ đào tạo nghề miễn phí hàng thủ công mỹ nghệ dừa do Trung tâm Đào tạo nghề LĐLĐ tỉnh quản lý”.
Theo Người Lao Động, tình cờ, trong một lần thăm bạn bè ở Sông Cầu, “xứ dừa” của Phú Yên, ông Bình đã nghĩ đến việc dùng thứ “đồ bỏ” là sọ dừa để làm hàng thủ công mỹ nghệ. “Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra công nghệ riêng: Từ những mẩu sọ dừa nhỏ cỡ 1,5x1,5 cm, ta có thể làm được sản phẩm ở bất cứ kích cỡ nào”, ông Bình nói. Tất nhiên, để thực hiện được những “công trình” khổng lồ đạt tầm kỷ lục, ngoài các phác thảo trên giấy, người ta phải tạo mẫu bằng đất sét trước, rồi xây cốt bằng gạch, tạo khung thép, chia tác phẩm thành nhiều phần khác nhau đúc bằng xi-măng và công đoạn cuối cùng là ghép các miếng sọ dừa lại với nhau. Doanh nghiệp Bình SVC đã nghiên cứu và sản xuất được một thứ hóa chất kết dính đặc biệt. Bình SVC đã làm thủ tục để đăng ký đến Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam bảo hộ độc quyền công nghệ này.
Chiếc đèn bàn Việt Nam - Đất nước - Con người. |
Từ thành công của chiếc bình hoa khổng lồ này, ông Bình cho biết đang bắt tay thực hiện một tác phẩm mỹ nghệ từ sọ dừa cũng với hy vọng “nhất Việt Nam”, đó là chiếc đèn bàn. Theo thiết kế của ông, chiếc đèn bàn có tên “Việt Nam - Đất nước - Con người” này có tổng chiều cao lên đến... 7 m (chưa tính phần đôn, đế); trong đó chiều cao thân là 3,6 m, chao đèn là 3,4 m; đường kính vùng rộng nhất của chiếc đèn này thuộc bộ phận chao đèn lên đến 3,6 m. Chao đèn được gắn mô tơ quay chậm, bên trong các phù điêu thiết kế đèn màu neon để gây ấn tượng về đêm, giúp người thưởng lãm có thể thấy được tổng thể tác phẩm từ một hướng nhìn.
Về hoa văn trang trí cho chiếc đèn bàn khổng lồ này, ông Bình nói: “Chúng tôi đang liên hệ với một số nhà sử học để được tư vấn chọn lựa các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả 3 miền để trang trí phần chao đèn; các danh nhân Việt Nam trong thế kỷ XX làm phù điêu cho thân đèn”. Theo kế hoạch, chiếc đèn trị giá sản xuất 200 triệu đồng được ghép từ 500.000 miếng sọ dừa này sẽ thực hiện trong vòng 1 năm, công bố hoàn thành vào tháng 2/2006.