Tốc độ phát triển của Vinashin khiến ngay cả những “người khổng lồ” đóng tàu thế giới cũng phải giật mình. Tuy nhiên, đằng sau những bản hợp đồng trị giá hàng tỷ đôla là cả nghìn lần cân não.
“Đấu trường” sau những bản hợp đồng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình không nhớ rõ đã có bao nhiêu cuộc đàm phán mà các cán bộ đàm phán của mình phải “chiến đấu" thật sự để có 6 tỷ USD hợp đồng đóng tàu trong hơn 3 năm qua. Ít ai biết được rằng, đằng sau những chữ ký này là hàng loạt cuộc đàm phán căng thẳng. Giận dữ có, quát tháo có, rơi nước mắt có, thậm chí xúc phạm nhau đến nỗi bỏ về không thèm chào cũng có... và cả không ít lần thất bại.
Hơn 3 năm qua Vinashin đã đấu trí với các chủ tàu khắp thế giới để ký những hợp đồng đóng tàu trị giá hàng trăm triệu USD. Lớn nhất là hợp đồng 800 triệu USD ký với chủ tàu Israen đóng mới loạt tàu chở ôtô.
Song khó quên nhất có lẽ là lần ký hợp đồng với một chủ tàu châu Âu - ông Phạm Thanh Bình hào hứng kể - Lọc lõi trong làng chủ tàu thế giới, nên đối tác rất rắn. Không vừa, Vinashin ép lại. Giá trị hợp đồng này rất lớn. Nếu chỉ thiếu thông tin một chút hoặc non tay là hàng triệu USD “bay” mất như chơi. Đàm phán căng thẳng đến mức bế tắc. Hai Chủ tịch bỏ bàn đàm phán đi... đánh golf, để mặc quân lính hai bên tiếp tục “co kéo”.
Trên sân golf các jetki cứ trố mắt vì hai đối thủ vừa chơi golf vừa nghe điện thoại liên tục. Nâng lên. Giảm xuống. Tiến. Lui. Lệnh được hai vị Chủ tịch liên tiếp đưa ra với quân lính đang “chiến đấu” ở nhà.
Cuối cùng “đường ra” đã hé lộ. Hai bên đều đạt được những mục tiêu cần thiết và tìm được tiếng nói chung. Đúng lúc đó quả bóng lăn vào lỗ golf thứ 18.
Hai “tay golf” vồ lấy tay nhau lắc mạnh và cười lớn. Nét mặt đầy hỉ hả. Không có kẻ thắng người thua. Cả hai cùng được”. Các jetki ngơ ngác nghĩ rằng họ ăn mừng một cuộc chơi ngoạn mục mà không biết đằng sau ván golf là cả một “đấu trường" đàm phán căng thẳng để đi đến ký kết hợp đồng đóng tàu trị giá hơn nửa tỷ USD.
Cây bút ông Bình quay quay trên tay đã cũ kỹ, sờn tróc của nó. Cây bút này vốn là hàng hiệu Seiko, màu đen nhưng nay nắp bút đã biến thành màu vàng xỉn. Lớp sơn đen bóng bên ngoài đã tróc gần hết, chỉ còn lại một vệt nhỏ nằm dưới cái cài. Ông Bình lý giải: “Nó cũ quá rồi nhưng đây là cây bút may mắn. Nó đã đồng hành với tôi qua biết bao nhiêu bản hợp đồng. 5 năm trước tôi đã mua cây bút này tại Nhật. Mỗi lần hết mực tôi lại thay ruột khác”.
(Theo Tiền Phong)