Bán ô tô cũng tìm mấy cô gái xinh đẹp đứng trước mũi xe, gọi là người mẫu ô tô; bán nhà ở cũng thuê mấy cô xinh xẻo đứng cạnh mô hình, gọi là người mẫu nhà ở; rồi người mẫu “tàu biển du lịch”... Tóm lại, bất kể bán gì, mua gì cũng không thể thiếu mỹ nữ quảng cáo, hiện tượng đó đã trở thành phổ biến trong hoạt động kinh doanh của Trung Quốc hiện nay.
Bất kể là khai trương cửa hàng, triển lãm xe hơi, triển lãm nhà ở hay bán đấu giá hàng hóa, các thương gia đều rất nhiệt tình “thỉnh” các mỹ nhân, mượn người đẹp để sinh tài. Bởi nhu cầu ngày càng lớn, trong những năm qua, tại Trung Quốc, các cuộc thi tuyển người đẹp, người mẫu được tổ chức rầm rộ với mật độ dày kín.
Tháng 11/2003, Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc thi hoa hậu Trung Quốc, hoa hậu toàn cầu Trung Hoa, hoa hậu thế giới. Đây chỉ là các cuộc thi tuyển người đẹp cấp thế giới, còn các cuộc thi người đẹp mang tính khu vực, ngành, nghề thì không thể kể xiết.
Ngoài ra, còn các cuộc thi như “Người đẹp sinh viên”, “Người đẹp Internet”, “Người đẹp mang thai”... Các thương gia còn đặt ra các loại người mẫu xe hơi, người mẫu nhà ở, người mẫu tàu biển du lịch... Không chỉ vậy, cách đây vài tháng, tại một trường tiểu học ở Hàng Châu đã tổ chức “Cuộc thi người đẹp học sinh tiểu học toàn quốc lần thứ nhất” nhằm bình chọn “Hoa khôi trường học” trong đối tượng nữ sinh khoảng trên, dưới 10 tuổi.
“Kinh tế người đẹp” đã gây bùng phát cơn sốt “tạo người đẹp” ở Trung Quốc và đang trở thành mối lo của xã hội. Hoạt động quảng cáo biến những cô gái xấu xí trở nên xinh đẹp chỉ sau vài lần giải phẫu thẩm mỹ xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc xuất hiện ồ ạt các trung tâm thẩm mỹ tại Trung Quốc khiến các nhà quản lý đau đầu. Thẩm mỹ viện thâm nhập cả chốn học đường. Không ít sinh viên đại học Trung Quốc đã tham gia các cuộc phẫu thuật chỉnh hình.
Cuối tháng 7, trên các phương tiện thông tin quảng cáo của Thượng Hải đã đăng tin cuộc thi tuyển người xấu nhất Thượng Hải của một trung tâm thẩm mỹ, nhằm tìm ra một người xấu để thẩm mỹ miễn phí nhằm quảng cáo danh tiếng cho trung tâm. Theo ông Lạc Biến Long, Hội trưởng hội thương nghiệp hóa mỹ phẩm công thương Trung Quốc, cho đến cuối năm 2003, Trung Quốc có 1.540.000 trung tâm thẩm mỹ. Thu nhập của các trung tâm thẩm mỹ năm 2002 là 168,7 tỷ NDT, chiếm 1,2% GDP. Theo dự tính đến năm 2010, tổng thu nhập của ngành này sẽ là 300 tỷ NDT. Ngành chăm sóc sắc đẹp đã và đang trở thành điểm nóng tiêu dùng thứ 4 sau bất động sản, ô tô và du lịch của Trung Quốc.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, sự tràn lan của các cuộc thi tuyển người đẹp ở Trung Quốc đã tạo ra những tác động xã hội đặc biệt nghiêm trọng. “Thi người đẹp” là một hoạt động theo đuổi chân thiện mỹ một cách chính đáng, nhưng khi thi “người đẹp” đã trở thành một tập quán từ trẻ thơ cho tới vị thành niên, “thi người đẹp” thâm nhập vào hoạt động thuần thương mại sẽ khiến cho mầm mống trạng thái xã hội xốc nổi, tâm lý hám lợi của con người sẽ không ngừng phát triển, phát tán.
Đồng thời, sự cám dỗ của danh và lợi khiến cho sự truy cầu cái “đẹp” sẽ trở lên phi lý tính, một số người thậm chí sẽ sử dụng các biện pháp cực đoan. Cái đáng chú ý hơn, những hành vi xốc nổi này đang được nuôi dưỡng và truyền từ người lớn sang trẻ vị thành niên. Bà Vương Thúy Ngọc, Tổng Thư ký Hội nghiên cứu nhân tài phụ nữ Trung Quốc cho rằng, cái gọi là “kinh tế mỹ nữ” thực chất là sự hạ thấp địa vị người phụ nữ. Đem gương mặt làm hàng hóa, xem phụ nữ là “bình hoa”, “đồ chơi”, thực chất là hành vi xúc phạm phụ nữ.