Nhóm học sinh Việt Nam vừa đến Mỹ theo chương trình trao đổi văn hóa. |
... Mối lo đầu tiên là liệu đi du học Mỹ có phải là quyết định phù hợp không hay chỉ là một cách xài tiền "theo kiểu Mỹ"? Mối lo thứ hai, liệu mình có thể thích nghi được không khi sống ở một gia đình hoàn toàn mới trong thời gian không ngắn? Câu trả lời chỉ có được sau khi bạn đã đến sống ở đây.
Liệu tôi có thay đổi, từ một học sinh "chăm chỉ", ngày ngày chỉ đi về lớp học, thành một học sinh kiểu Mỹ: ăn mặc thoải mái và "giản dị" như tôi thường thấy trong phim? Liệu tiếng Anh của tôi có đủ đăng ký vào một trường đại học ở Mỹ? Nhưng tất cả đều không bằng nỗi lo sẽ được "dự" lại lớp 12 khi quay về trong trường hợp không có cơ hội ở Mỹ nào mỉm cười với tôi (vì học sinh đi chương trình này dù đã học 1 năm ở Mỹ vẫn phải học lại năm đó ở Việt Nam nếu quay trở về và muốn lấy bằng tú tài Việt).
Thế nhưng kể từ lúc đến đây, tôi không dành lấy một ngày để bận tâm cho những lo âu đã từng có. Tôi không phải lo lắng nhiều về việc chọn trường đại học khi trên mọi bức tường của trường trung học đều dán đầy những thông tin về các trường, cách thức từng bước để đăng ký nhập học, cũng như các học bổng và tiêu chuẩn cho các học bổng ấy. Tôi đọc hoài những mẩu tin nhỏ ấy để luôn nhớ mục tiêu của mình hằng ngày, và để đầu tôi tự lên kế hoạch học tập thích hợp. Quan trọng hơn thế, tôi có sự trợ giúp từ gia đình mới và cô tư vấn của trường. Khi đã thẳng thắn nói ra những ước mơ và kế hoạch của mình, tôi nhận thấy kế hoạch càng cụ thể và có thể hơn.
Đúng như điều tôi từng nghĩ, người Mỹ rất thẳng thắn và luôn "thấy" ước mơ của họ chứ không chỉ nghĩ và ngắm nghía nó. Sẽ có ai đó cảm thấy bạn một chút điên rồ khi bạn nói rằng bạn muốn học ở Trường Harvard, Mỹ. Người Mỹ thì khác, họ dành thời gian cùng những kinh nghiệm của bản thân để cùng bạn lập kế hoạch thực hiện nó. Khi đã có mục tiêu, tôi học chăm hơn và tập trung hơn. Tôi học thoải mái từ mọi người, mọi thứ tôi gặp: thầy cô, cha mẹ nuôi và các bạn cùng lớp... Càng học, tôi càng biết rõ hơn phần trăm có thể cho mục đích của mình.
Dù bận rộn cỡ nào, cha nuôi tôi cũng luôn dành thời gian chở cả gia đình đi chơi vào cuối tuần, rồi cùng xem gameshow ưa thích định kỳ và ăn tối. Luôn luôn sau bữa ăn tối cuối tuần là "family night", khi cả gia đình cùng quây quần quanh bàn ăn và đọc một trích đoạn nào đó từ báo chí, rồi cùng lắng nghe nhận xét của từng thành viên, thậm chí từ thành viên nhỏ nhất mới chỉ ba tuổi. Mẹ nuôi tôi thì lúc nào cũng dậy thật sớm vào sáng chủ nhật, cùng tôi làm một thứ bánh đặc biệt bất kỳ cho bữa sáng, tất cả đều luôn tuyệt vời. Thỉnh thoảng, tôi lại cùng mẹ nuôi đi shopping hoặc trang hoàng cho căn nhà. Tôi cũng hầu như chia sẻ với bà mọi thứ: từ việc mua quần áo, chọn trường đại học, chuyện vui buồn trong lớp học cho đến những chuyện riêng tư hơn như những quyết định của tôi về học hành và tình cảm trong tương lai. Mẹ nuôi luôn có thời gian lắng nghe tôi, kể cho tôi nghe những điều rất thật về bà, kể cả chuyện tình đẹp giữa bà và cha nuôi...
(*) Du học sinh ở tại nhà người bản xứ, sinh hoạt cùng họ như một gia đình
(Theo Tuổi Trẻ)