Dòng nước của các con sông Hà Nội đều chung 1 màu đen. |
Dự án kè hai bên bờ sông Tô Lịch được đầu tư tiền tỷ và triển khai xong cách đây không lâu nhưng người dân vẫn phải chịu đựng mùi ô nhiễm. Dọc theo bờ sông Tô Lịch, nhiều thứ trôi nổi trên mặt nước, từ các loại rác thải đến xác súc vật, hệ thống cống nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp cũng không ngừng được xả xuống.
Hiện tại lòng hồ Bảy Mẫu đang phải tiếp nhận nguồn nước từ bốn cống xả. Nguồn nước thải tại những cống này đang chảy tràn qua các phai chắn xả thẳng xuống lòng hồ, tất cả đều một màu đen.
Bà Nguyễn Thị Thu, phường Kim Liên, than phiền: "Cứ mỗi lần nhân viên môi trường vớt rác thải xung quanh hồ Ba Mẫu, mùi hôi thối lại bốc lên, ngày thường lòng hồ này đã bị ô nhiễm nặng, trước đây cá còn chết nổi đầy mặt hồ".
Tại công viên Thống Nhất, sáng 11/12, những người tập thể dục buổi sáng đã không thể chịu được cảnh nước thải chảy tràn qua cả đường chạy trong công viên. Ông Nguyễn Hữu Chiến, phường Đồng Tâm, bức xúc: “Chúng tôi đi tập nhưng phải mang theo khẩu trang, dưới hồ nặng mùi hôi thối”.
Theo Công ty Công viên Thống Nhất, đầu năm 2005, Sở Giao thông công chính đã cho xây dựng hệ thống tách nước thải không cho chảy trực tiếp vào lòng hồ. Đầu tháng 12, dòng nước thải tại bốn cống dâng cao và tràn qua cống tách nước thải chảy thẳng vào lòng hồ khiến nguồn nước trong hồ bị ô nhiễm nặng...
Nước thải đã xử lý: 6%
Theo Phòng Quản lý môi trường & khí tượng thủy văn, chi phí để xử lý 100% lượng nước thải của Hà Nội lên tới 1,5 tỷ đồng/ngày (khoảng 550 tỷ đồng/năm). Đến năm 2020, tổng lượng nước thải sinh hoạt sẽ là 700.000 m3/ngày đêm. UBND TP Hà Nội vừa ban hành chương trình hành động về công tác bảo vệ môi trường thủ đô, đề ra một số mục tiêu, đến năm 2010 có 20-25% tổng lượng nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn; 80% khu công nghiệp mới, đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. |
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất Hà Nội, hiện nay tổng lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực nội thành Hà Nội lên tới 500.000 m3/ngày đêm. Trong đó có khoảng 1/5 từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện.
Lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới chỉ đạt khoảng 6%. Còn lại hơn 90% xả trực tiếp xuống sông, hồ mà không qua một khâu xử lý nào.
Tháng 9, hai nhà máy xử lý nước thải đầu tiên, Kim Liên và Trúc Bạch, được bàn giao cho Xí nghiệp xử lý nước thải thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội để vận hành, tuy nhiên công suất của hai nhà máy này chỉ khoảng 6.000 m3/ngày đêm.
Theo Xí nghiệp xử lý nước thải, nhà máy này được vận hành phục vụ khoảng 10.000 hộ dân tại khu tập thể Kim Liên.
Các cơ quan chức năng cho rằng vẫn còn khá nhiều đơn vị, xí nghiệp trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống xử lý nước thải. Thành phố mới có khoảng 40 cơ sở sản xuất công nghiệp, 29 cơ sở dịch vụ và năm bệnh viện có trạm xử lý nước thải.
Trong giai đoạn 2003-2007, sẽ xử lý 10 cơ sở gây ô nhiễm gồm bốn cơ sở công nghiệp và sáu bệnh viện. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất, 10 cơ sở này sẽ được xử lý trong năm 2005.
Nhà máy chờ nước thải
Trong khi đó, một nhà máy được đầu tư hơn 10 triệu USD, công suất 38.000 m3/ngày đêm đã hoàn thành nhưng không có nước thải để xử lý. Ông Phan Hoài Minh, Giám đốc Xí nghiệp xử lý nước thải, Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết tháng 10, xí nghiệp nhận bàn giao Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, theo kế hoạch nhà máy này sẽ phục vụ các khu vực dân sinh, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Vân Trì.
Nhà máy không có nước thải để xử lý vì đường ống dẫn nước thải vào nhà máy chưa thi công xong. Hiện tại, xí nghiệp đang phải làm nhiệm vụ duy tu và bảo dưỡng, khoảng 12 tháng nữa đường ống dẫn nước mới hoàn thành, lúc đó mới vận hành được.
Theo ông Minh, hiện tại nguồn nước thải đã qua xử lý tại các nhà máy được xả trở lại sông Lừ, nguồn nước này sẽ có tác dụng “pha loãng” nguồn nước đang ô nhiễm, tới đây nguồn nước này sẽ được đưa vào tái sử dụng cấp nguồn nước cho hồ.
(Theo Tuổi Trẻ)