- Chị xoay xở thế nào khi cả hai cơ sở kinh doanh phải đồng loạt đóng cửa từ ngày 23/3 để chống dịch?
- Tôi đang cố gắng duy trì để nuôi nhân viên. Hiện nhà hàng ở quận 3 (rộng 1.300 m2) đã đóng cửa hoàn toàn còn cơ sở tại quận 7 (quy mô nhỏ hơn) vẫn bán online chút chút. Kể từ khi có chỉ thị ngừng hoạt động, tôi chưa ngồi tính toán con số cụ thể nên hy vọng có lỗ cũng ít. Doanh thu từ việc bán online không nhiều, tôi phải bỏ tiền túi trả lương cho đội ngũ nhân viên của cơ sở tại quận 3...
Với những nhân viên đang đi làm, tôi trả đủ lương và hỗ trợ 70% lương cho những người tạm nghỉ. Nhưng sắp tới nếu tình hình không được cải thiện, con số có thể sẽ phải giảm xuống 50% hoặc tệ hơn nữa là 20%. Tôi đuối thì không nói nhưng nhìn nhân viên mà thấy thương, buồn bã và bất lực. Tôi chấp nhận làm đủ cách từ bán đồ ăn mang đi, nấu cơm tháng... để kiếm được chút nào hay chút đó.
- Nhà hàng mới khai trương chưa lâu, nay phải tạm dừng, chị cảm thấy thế nào?
- Có lẽ 10 năm thử thách của tôi chưa qua (cười lớn). Hy vọng đây sẽ là thử thách cuối cùng.
Trong giai đoạn khó khăn, tôi vẫn thấy may mắn vì nhận được nhiều sự giúp đỡ. Chủ nhà rất tốt, họ hỗ trợ giảm tiền mặt bằng còn khách quen thường xuyên đặt mua online để ủng hộ. Mọi người đùm bọc nhiều lắm, chứ không thì... bạc tóc. Điều tôi lo nhất không phải hao hụt vốn liếng mà thương những nhân viên đang nơm nớp lo mất việc và cuộc sống của gia đình họ sẽ ra sao.
Hôm thông báo cho mọi người tạm nghỉ và công bố số lương hỗ trợ, tôi đã khóc. Một chị nhân viên lớn tuổi nói mang ơn tôi nhưng tôi sợ mình sắp không trụ được nữa rồi. Con số 20% ám ảnh quá. Bộ khung nhân sự chính chắc chắn tôi phải giữ nhưng còn người rửa bát, quét dọn, trông xe thì phải làm sao? Tôi đang nuôi lương ba chị tạp vụ và một anh bảo vệ trong khi xe không có để giữ, bát không có để rửa. Mà vấn đề ở chỗ là họ quá nghèo... Chính tương lai của họ mới là điều khiến tôi suy nghĩ và buộc mình phải tư duy tích cực để gồng gánh được lúc nào hay lúc đó.
- Một số doanh nghiệp buộc lòng cho nhân viên nghỉ không lương hoặc sa thải để giảm bớt áp lực. Tại sao chị chọn phương án ngược lại?
- Có thể do tôi từng đi qua quãng thời gian dài vất vả, nếm trải nỗi khó khăn cùng cực của người lao động nên hiểu được những lo sợ trong lòng họ. Họ sợ đủ thứ: sợ thất nghiệp, sợ đói, sợ khổ, sợ không có tiền nuôi gia đình... Tôi còn không dám nhìn vào mắt các nhân viên trước khi đưa ra con số chi phí hỗ trợ...
Về phía mình, tận cùng đói khổ tôi cũng đã trải qua, có gì phải ngại nữa.
- Chị gặp những khó khăn gì khi bán đồ ăn online trong mùa dịch?
- Giai đoạn này nguồn nguyên liệu kém phong phú vì các vựa hải sản không cung cấp đủ chủng loại như trước đó. Tôi cũng chẳng dám nhập nhiều vì sợ bị tồn đọng. Mỗi lần nhập một ít, mỗi loại lấy vài con... Việc giao hàng cho khách cũng gặp khó khăn vì chỉ thị hạn chế ra đường khiến nhân lực vận chuyển trở nên khan hiếm. Nói chung là khó khăn toàn bộ dẫn đến rất nhiều áp lực.
- Doanh thu sụt giảm ảnh hưởng ra sao tới đời sống cá nhân của chị ?
- May mắn lớn nhất của tôi là không phải vay ngân hàng để kinh doanh. Tất cả do tôi một tay gây dựng sau thời gian bán xôi, bán cơm suất. Bản thân tôi không có nhiều nhu cầu, hiện vẫn ở nhà mướn. Kể từ biến cố gia đình, tôi học được cách sống tiết kiệm nên hiện tại vẫn ổn.
Tôi hy sinh hết những ham muốn cá nhân để dồn tiền cho nhà hàng. Nếu ngày xưa tôi không bao giờ gội đầu ở nhà thì bây giờ không bao giờ ra tiệm. Quần áo có mấy bộ mặc đi mặc lại. Phương tiện đi lại của tôi là taxi, xe ôm công nghệ...
- Chị hình dung tương lai ra sao nếu khó khăn còn kéo dài?
- Tôi đã nhẩm được con số cụ thể để dự đoán thiệt hại lớn nhất là bao nhiêu. Nếu một lần nữa rơi vào cảnh bế tắc, tôi biết mình phải làm gì. Trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn suy nghĩ đến điều tích cực và động viên bản thân cố gắng. Hiện tại tôi vẫn luôn tin tưởng và không ngừng nỗ lực như tôi đã từng.
- Sự mạnh mẽ, lạc quan là tính cách vốn có của Kim Thư hay những lần thất bại trong quá khứ đã dạy chị điều đó?
- Cũng không biết nói sao cho đúng. Tôi may mắn là con út trong gia đình giàu có, từ nhỏ được cưng chiều. Trước đây khi được chọn giữa Mỹ và Việt Nam, tôi chọn ở lại Việt Nam. Rồi năm tháng hưởng thụ qua đi, biến cố ập xuống khiến tôi gần như phát điên. Tôi tưởng mình sẽ chết vì bản thân chẳng giỏi một điều gì cả. Nhưng rồi vì sinh tồn, không ai dạy, tôi quyết định rẽ hướng sang bán xôi. Cùng lúc đó nhà tôi phá sản nên mẹ và chị gái chỉ có thể đứng sau hỗ trợ tinh thần.
Có lẽ trời thương nên cho cơ hội. Tôi "cày" điên cuồng ngày đêm để tìm cách để trở lại công việc kinh doanh vốn là sở trường của mình.
- Giữa làm bà chủ nhà hàng và một đầu bếp chuyên tâm nấu ăn, chị thích vai trò nào?
- Tôi thích làm chủ vì có thể hướng dẫn và đào tạo đầu bếp. Nếu chỉ đứng nấu, một ngày của tôi sẽ gói gọn trong gian bếp với mấy chục nhân viên. Làm kinh doanh, tôi được tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn ở môi trường mở. Công việc hiện tại của tôi bao gồm nhiều thứ. Tôi như siêu nhân. Vị trí của tôi là có một không hai.
Hiện tại, tôi kiêm đủ thứ từ quản lý, chăm sóc khách hàng, bưng bê, có hôm ngồi giữ xe. Bữa nào đông khách thiếu nhân viên, tôi "bay" vào dọn dẹp. Khi gọi xe giao hàng lâu quá, tôi nhờ bảo vệ chạy đi ship còn mình ngồi đón khách. Có lần nhân viên lau hồ kính "dơ như quỷ", tôi chạy ra chỉ cách hốt phân cá. Cuộc đời tôi đáng sống lắm nhé (cười lớn)!
- Cách đây gần 10 năm, chị từng là chủ nhà hàng rộng 3.100 m2 gần cảng Sài Gòn sau đó thất bại phải chuyển bán xôi. Nay cơ ngơi vừa vực dậy đã tiếp tục đối mặt thử thách, chị nghĩ gì?
- Tôi thấy cuộc sống liên tục đưa cho mình những thử thách nhưng rất thú vị và nhiều màu sắc. Tôi trải qua cảm giác áp lực, lo lắng rồi từng bước chinh phục nó, thấy thành công lớn nhất của mình là sự trưởng thành. Trong hoàn cảnh này, tôi biết cách để công việc không ảnh hưởng tới sinh hoạt cá nhân như mất ăn, mất ngủ. Thậm chí tôi phải ăn no, ngủ nhiều để động não suy nghĩ. Buồn phiền hao mòn sức khỏe chẳng giúp ích được gì mà "con cô vy" (nCoV) nó cười khoái chí!
Cuộc đời nhiều thăng trầm cho tôi khả năng thích nghi tuyệt vời. Tôi luôn nghĩ "người ta sống được thì mình sống được". Tôi nhìn những người không có đôi dép để đi mà thấy mình còn may mắn lắm.
Kim Thư bảo chị từng hưởng tất cả những phú quý trên đời và cũng nếm trải đủ để biết thế nào là tận cùng đói khổ. Xuất thân từ gia đình giàu có, Kim Thư làm bà chủ hãng phim và nhà hàng rộng hàng nghìn m2 trước khi xảy ra biến cố phá sản năm 2012 và phải mưu sinh bằng nghề bán xôi, bán cơm suất. Sau hơn 7 năm miệt mài tích lũy, tháng 12/2019, chị khóc trong ngày khai trương nhà hàng riêng. "Trước khi lên sân khấu, tôi đã dặn lòng mình không được chảy nước mắt, nhưng tôi xin lỗi mọi người. Lúc trước, tôi không thể nghĩ mình có được ngày hôm nay", Kim Thư chia sẻ trong ngày vui của chị cách đây chưa đầy 4 tháng.
Lam Trà thực hiện