Theo Sina, việc vận chuyển thi thể ông Kim Ki Duk về quê nhà gặp khó khăn do Covid-19 đang trong giai đoạn bùng phát dữ dội ở Latvia. Sau khi bàn bạc, gia đình người quá cố quyết định sẽ ủy quyền cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại nước sở tại, để thi thể ông có thể được hỏa táng tại đó. Hiện tại, các thủ tục cụ thể vẫn đang được thương lượng giữa hai bên. Đại sứ quán Hàn Quốc chia sẻ với báo chí rằng sau khi bệnh viện gửi giấy báo tử, phía này sẽ làm thủ tục hỏa táng theo đúng yêu cầu của nước sở tại rồi mang tro cốt về nước. Toàn bộ quá trình sẽ mất ít nhất khoảng một tuần.

Đạo diễn Kim Ki Duk qua đời ở tuổi 59.
Trước đó, tờ Chosun đưa tin Kim Ki Duk mất ngày 11/12 vì Covid-19. Đạo diễn Hàn Quốc nhập cảnh vào Latvia từ hôm 20/11. Nguồn tin cho hay ông đến đất nước châu Âu với ý định xin giấy phép cư trú và mua một bất động sản ở Jurmala, nằm trên bờ biển Baltic gần thủ đô Riga của đất nước này. Từ hôm 5/12, ông mất liên lạc với bên ngoài. Theo nguồn tin từ truyền thông địa phương, ông không qua khỏi sau hai ngày được đưa vào bệnh viện.
Tin tức về cái chết của Kim Ki Duk thu hút sự chia sẻ, bình luận của khán giả nhiều nước châu Á. Khoảng 20.000 người bày tỏ trên Weibo rằng họ tiếc thương tài năng của đạo diễn, đồng thời đánh giá cao về những thành tựu điện ảnh của Kim. Một người viết: "Mặc dù có sự kỳ thị xung quanh cuộc sống cá nhân của Kim, các tác phẩm của ông ấy vẫn rất truyền cảm hứng. Khi xem Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, tôi thấy triết lý của ông về tội lỗi, sự cứu chuộc, ham muốn và dục vọng... rất mãnh liệt. Con người chúng ta cứ mãi đi vòng quanh lối mòn ấy, không có hồi kết". "Anh ấy đã thay đổi quan điểm của tôi về phim Hàn Quốc và nghệ thuật làm phim", một người khác viết.
"Moebius" của Kim Ki Duk
Cái chết của Kim Ki Duk là một cú sốc với giới mộ điệu điện ảnh Hàn Quốc. Nhiều người gọi Kim Ki Duk là "quái vật điện ảnh" - cụm từ mô tả năng lực xuất chúng của ông trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.
Ông Kim sinh trưởng tại Gyeongsangbuk-do, Hàn Quốc tháng 12/1960. Từ 1993, ông bắt đầu sự nghiệp với vai trò biên tập viên, sau đó chuyển sang làm đạo diễn từ 1997, dù không được học chính thức về điện ảnh hay nghệ thuật.
Năm 1997, Kim quay bộ phim Wild animals và lần đầu tiên được chọn tham dự Liên hoan phim Quốc tế Vancouver lần thứ 16. Năm 1998, ông thành công bước vào châu Âu với tác phẩm thứ ba Đại hồng môn - phim được trưng bày trong 8 liên hoan phim quốc tế, bao gồm cả Liên hoan phim Berlin.
Năm 1999, với bộ phim khiêu dâm The Isle, Kim Ki Duk đã lọt vào danh sách tham dự Liên hoan phim Venice. Năm 2000, Kim ra mắt tác phẩm The Truth và thành lập công ty điện ảnh của riêng mình. Năm 2001, với bộ phim hành động Address Unknown, ông một lần nữa được đề cử tranh giải tại Liên hoan phim Venice. Năm 2002, với bộ phim Bad Guy, ông lại được đề cử tham dự Liên hoan phim Berlin.
Năm 2003, Kim ra mắt Xuân hạ thu đông rồi lại xuân - phim tranh giải Oscar 2004 cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Vào tháng 2/2004, với Tuổi thơ lạc lối, ông đưa tác phẩm nói tiếng Hàn tham dự Liên hoan phim Berlin lần thứ ba. Vào tháng 9 cùng năm, ông giành giải Sư tử bạc cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc cho bộ phim lãng mạn Căn phòng trống. Năm 2012, ông giành giải Sư tử vàng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Venice lần thứ 69 với bộ phim thứ 18 Pietà. Tháng 6/2013, ông lọt vào danh sách tham dự Liên hoan phim Venice lần thứ 70 với bộ phim kinh dị Moebius. Năm 2014, ông giành giải Hình ảnh đẹp nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 71 cho bộ phim kinh dị tội phạm One on One... Với những thành tích đáng giá của mình, ông Kim được nhiều tờ báo đánh giá: "Địa vị và tài năng của ông ấy ở Hàn Quốc là vô song".

"Xuân hạ thu đông rồi lại xuân", một tác phẩm nhận được rất nhiều lời khen ngợi của đạo diễn Kim Ki Duk.
Kim Ki Duk được gọi là "quái vật điện ảnh" có lý do của nó. Phim của ông đa tầng lớp, liên quan nhiều đến yếu tố tâm linh, tôn giáo, đôi khi không ngại những chủ đề cấm kỵ, gây tranh cãi. Ông được đánh giá có sở thích thể hiện bạo lực cực độ trong các tác phẩm của mình. Moebius - tác phẩm từng lọt vào danh sách tham dự Liên hoan phim Venice 2013 - bị đánh giá tiêu cực và bị hạn chế chiếu ở Hàn Quốc, do có cảnh loạn luân liên quan đến quan hệ tình dục giữa mẹ và con. Phim cũng bị cấm phát hành ở Anh, do bị cáo buộc đối xử tàn ác với động vật. Hoặc Pietà (2012) - bộ phim liên quan đến các biểu tượng tôn giáo bên cạnh nội dung gợi dục cao độ đã gây ra vô vàn tranh cãi.
Đời tư của Kim Ki Duk cũng rất nhiều ồn ào. Tháng 3/2018, chương trình thời sự của đài truyền hình MBC Hàn Quốc "PD Manual" đã vạch trần vụ bê bối tình dục của ông. Ba nữ diễn viên xuất hiện trong chương trình với tư cách là nạn nhân và giải thích về việc họ bị quấy rối, tấn công tình dục trong quá trình quay phim. Kim sau đó nộp đơn kiện, cáo buộc ba phụ nữ đã đổ oan cho mình. Dù vậy, những điều tiếng về đời tư, tư cách của Kim vẫn luôn luôn khiến người ta chú ý.
Nguyễn Hương (Theo Sina)