0h15’ sáng, giây phút chuyển sang năm mới vẫn còn nhiều cảm xúc, ông Bản ở phường Bưởi, Tây Hồ (Hà Nội) đi xem bắn pháo hoa tại hồ Tây về đã tỏ ra không hài lòng khi nhìn thấy thằng cu 7 tuổi con nhà hàng xóm chạy sang nhà mình gọi bạn (cháu nội ông) để khoe tiền mừng tuổi. “Tôi chưa dám vào nhà, khi đang chờ thằng cháu ruột cách đây 3 cây số đến xông đất hộ thì cu cậu này chạy sang. Vậy là kế hoạch xông đất nhà tôi đi tong”, ông Bản nói. Nhà ông vốn sát vách với nhà bố của Bốp (tên cậu bé) và chỉ cách nhau một hàng rào sắt, cháu nội ông cũng cùng lứa với cậu bé tinh nghịch này và ngày ngày thường xuyên sang chơi với nhau.
Từ vấn đề xông đất nảy sinh nhiều rắc rối. Ảnh : Hoàng Hà |
Tết năm ngoái, anh Trung ở tập thể Khương Thượng (Hà Nội) cũng thấy khó xử khi sang trả người hàng xóm chiếc điện thoại di động bị bỏ quên. “Tôi thấy bà mẹ ông bạn tôi nói vọng ra từ trong buồng rằng thò tay qua cửa cũng là xông đất, bà tỏ ra không hài lòng, cũng vì năm đó tôi làm ăn thất bát, tuổi lại không hợp”, anh Trung thuật lại. Thì ra tối hôm đó các anh ngồi chuyện trò xem TV cả buổi tối, lúc về người hàng xóm đã quên chiếc điện thoại để trên chiếu. “Sau 12h đêm chiếc mobile này liên tục đổ nhạc chuông khiến cả nhà không ngon giấc nên tôi buộc phải mang sang đưa, hơn nữa sợ có gì quan trọng”, anh Trung nói.
Anh Chinh, chị Hà ở tập thể Nghĩa Tân về quê Hưng Yên ăn Tết, nhà khóa cửa, nhờ người anh họ cầm chìa khóa để sau 0h mùng 1 Tết đến xông nhà mang theo cây mía vào thắp hương giao thừa hộ. Trớ trêu thay, người anh họ vốn chưa thuộc nhà, đêm tối đi nhầm cầu thang, cứ thế đút chìa khóa vào nhà hàng xóm kỳ cạch. “Tôi đã bị một ông già mắng xơi xơi khi nghe tiếng động ra mở cửa”, người anh họ của anh Chinh tâm sự.
Năm ngoái, bà Lâm ở khu Vân Hồ (Hà Nội), vì chọn tuổi con trai xông nhà đã phải chờ con đến gần 2h sáng ngoài vỉa hè mà không dám vào nhà sau khi ra khỏi cửa cúng giao thừa. “Thắp hương giao thừa bao giờ cũng ở ngoài trời, mà nhà tập thể nên phải ra hành lang thắp hương. Xong việc mà mình trở vào coi như xông nhà, mà thằng nhà tôi dặn kiểu gì mẹ cũng phải chờ con”, bà nói. Đêm đó anh Tuấn, con trai bác lên bờ hồ đón giao thừa với bạn gái, đường đông, sau khi đi hái lộc lại đưa người yêu về nên đã vô ý bắt mẹ chờ.
Gia đình ông Đường và vợ chồng ông Điệp, hai anh em ruột ở khu nhà biệt thự cổ thời Pháp ở trung tâm Hà Nội. Cùng một nhà nhưng chia nhau bởi một vách ngăn gỗ, mỗi ông ở một nửa, đi cửa riêng biệt. Tết đến, mỗi bên có một người xông đất khác nhau. Đêm đó ông Đường “làm thủ tục” khi đồng hồ điểm đúng 12h, còn bà vợ ông Điệp lọ mọ vào công viên Thống Nhất hái lấy cành lộc vội vàng về xông nhà rất sớm nhưng không kịp... “Xông gì giờ này nữa, hai nhà cùng mảnh đất coi như một, anh Đường ra ngoài và vào nhà rồi”, ông Điệp nói hơi gay gắt với vợ khi bà vừa bước chân vào cửa.
Khi thời khắc giao thừa điểm là lúc mà nhiều người cần phải kiêng kỵ đủ điều. Ảnh : Hoàng Hà |
Bà Hiệp ở phường Nhân Chính Thanh Xuân (Hà Nội) rất cẩn thận trong việc kiêng kỵ ngày đầu của năm mới. Vì sợ mất lộc nên bà đã không bao giờ quét nhà trong ngày mùng 1 Tết. "Đến phân của thằng cu con cháu nội tôi cũng phải để lại đến ngày hôm sau mới đem đi vứt", bà hồ hởi kể chuyện. Bà bảo, kiêng là giữ tốt đẹp cho tất cả mọi người. "Cô con dâu nhà tôi quên cái mũ bảo hiểm ở nhà mẹ đẻ tôi cũng phải giục nó lấy về trước ngày 30. Mùng 1 Tết là không có lấy cái gì ở nhà ai về cả", bà nói dứt khoát.
Tuy vậy, không phải ai cũng cầu kỳ chuyện kiên kỵ đầu năm, ông Lê Văn Bính, một người dân ở phường Nam Đồng (Hà Nội) nói: “ Tôi thấy có người chọn nào là tuổi hợp, làm ăn được hoặc giàu có, nếu là lớp trẻ thì lại phải học giỏi, nhiều thành tích...nhưng tôi thì không cần điều đó. Tôi nghĩ nên để một vị khách nào đó tự nhiên thì hợp lý hơn, nếu như chọn được may mắn thì ai cũng tốt cả”.
Ông cũng cho rằng người nào năm trước may mắn, có tâm tính tốt, xởi lởi cũng có thể mang lại may mắn cho gia chủ khi ngẫu nhiên xông đất, không nhất thiết phải tuổi nọ tuổi kia.
Hoàng Hà