![]() |
Nhiều sinh viên như Gấm muốn kiếm việc để vừa có thêm thu nhập lại vừa được trải nghiệm. |
Được nghỉ sớm, chán ngán với núi việc "không tên" đang chờ sẵn ở nhà, Gấm quyết định kiếm việc làm thêm. Không muốn tìm những công việc "cổ điển" năm nào bạn cô cũng rải hồ sơ khắp nơi, Gấm chọn việc liên quan tới chuyên ngành học PR của mình. Cô được nhận vào làm ở một dự án khảo sát thị trường một loại xe máy với nhiệm vụ chính là "lùng sục" chủ nhân của những chiếc xe này, hỏi thông tin đồng thời xin ý kiến của họ về sản phẩm. Bảng hỏi nào đúng yêu cầu, hoàn thiện, cô mới nhận được thù lao.
Hào hứng với công việc tưởng có vẻ dễ dàng, sáng nào Gấm cũng dậy sớm, áo khăn dày cộp để đi "đánh bóng mặt đường". Đang đi, hễ nhìn thấy bóng dáng "em xe" cần tìm nào, cô cũng thục mạng đuổi theo, bám đuôi cho tới khi gặp được mới thôi. Thấy chủ nhân chiếc xe phi thẳng vào một quán ăn, cô đành ngồi đợi ngoài quán nước vì không tiện vào bên trong.
Vẻ ngậm ngùi, tiếc rẻ, Gấm tâm sự: "Em phải đợi tận 30 phút. Vừa thấy họ đi ra, em tóm luôn nhưng thật tiếc vì người này không phải đối tượng khảo sát". Người rét run, đôi tay đã lạnh cóng, cô vẫn tiếp tục rong ruổi trên đường. "Có lúc, do lơ đãng vì mải quan sát, em làm đổ xe và ngã sõng xoài trên đường. Người thì nhỏ, xe lại to nên lập cập một lúc mới dựng được xe dậy. Nhiều khi thấy tủi thân kinh khủng", cô gái người Thái Bình chia sẻ.
![]() |
Công việc không thuận buồm xuôi gió, Gấm đành về quê. |
Mặc dù đã huy động bạn bè và người thân để ý giúp nếu có gặp loại xe trên thì alô để cô tới hỏi nhưng vẫn có kết quả. Để đỡ tốn xăng và cũng để tránh rét, cô nghĩ ra cách phục ở các siêu thị vì dự đoán trong khu để xe kiểu gì cũng có vài chiếc mình cần. Ngồi yên một chỗ, mắt cô đảo "như rang lạc" để nhìn xe máy vào, ra. Thấy anh chàng nào đi loại xe đang cần tìm, Gấm cũng chạy ra hỏi mặc cho cô bạn gái ngồi phía sau anh ta đang nhìn cô với "ánh mắt hình viên đạn". Sau mấy ngày thử sức vẫn không tìm nổi một chiếc đủ tiêu chuẩn khảo sát, Gấm đành bỏ cuộc và thu dọp đồ về quê cho sớm. "Thật khó vì chiếc thì đủ điều kiện này lại thiếu tiêu chuẩn nọ. Vừa tốn tiền xăng lại rước ốm vào người nên em nghỉ thôi", vừa nói, cô vừa buộc đồ đạc vào xe máy ra về.
Cũng muốn "trải nghiệm" và kiếm tiền, cậu sinh viên năm hai trường Đại học Giao thông Vận tải, Phương Trình, chọn nghề giúp việc làm thêm dịp Tết. Trình chia sẻ với phóng viên Ngoisao.net câu chuyện cảm động của mình và lý do cậu không về quê. Có hai mẹ con, mẹ Trình lại đang giúp việc ở Hà Nội nên nếu về, cậu sinh viên quê Phú Thọ cũng chỉ có một mình. "Ở quê, căn nhà mẹ con em thuê chẳng có điện, nước. Hơn nữa giá cả tăng vọt, tháng lương vừa rồi của mẹ em đã lấy để đóng học, ra Tết em chưa có tiền ăn nên ở lại đây đi làm vừa có thời gian học, vừa kiếm được tiền", Trình thành thật. Cậu bảo sợ nhất rượu chè trong khi đã gặp bạn là phải uống. Uống rượu đi xe máy rất nguy hiểm nên Trình không về quê cũng vì lẽ đó.
Từ khi đăng tin tìm việc trên mạng, Trình nhận được nhiều cuộc gọi nhưng khi biết cậu là con trai, nhiều nhà cũng không dám thuê vì sợ không biết lau dọn nhà. "Có nhiều chị tưởng em là con gái định nhờ trông con nhỏ nhưng biết em là trai họ lại thôi. Em bé khoảng 2 tuổi em trông được còn nhỏ quá thì chịu. Em có thể dọn dẹp nhà cửa hay làm bất cứ việc gì. Giúp được mẹ em chừng nào đỡ chừng ấy", cậu giải thích.
Hiện tại, Trình vẫn chưa kiếm được "hợp đồng" và mong tìm được công việc trông nhà cho gia đình nào đó. "Em không quan tâm tới giá cả, miễn ở lại được là tốt. Làm thêm vài ngày Tết là em có đủ tiền ăn trong một tháng rồi".
Không "đơn thương độc mã" như cô nàng học Báo chí hay cậu sinh viên ngành kỹ thuật trên, nhóm sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục tuyển thêm hai cô bạn nữ cùng lớp. Nhóm năm sinh viên mỗi người một quê này tính sẽ dọn nhà giúp các bà các chị bận rộn và 28, 29 Tết mới về quê. Theo cậu sinh viên tên Đồng, ban đầu nhóm định buôn hoa, đào nhưng do có bạn bị tai nạn nên kế hoạch phá sản. Một người trong nhóm nghĩ ra việc đi dọn nhà, cả hội sau đó đã hưởng ứng làm theo. Ban đầu, nhóm lau sàn nhà với giá 5.000 đồng/m2 nhưng sau thấy nhiều người góp ý quá đắt nên đành hạ xuống từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/m2.
Đồng cho hay, cuộc sống sinh viên thiếu thốn, chờ gia đình tiếp ứng cũng lâu nên tự thân vận động là hơn hết. Công việc dọn vệ sinh, lau nhà cửa thường được cho là phù hợp hơn với phái nữ nhưng "chúng em không ngại gì cả, miễn làm ra tiền. Đây cũng là cơ hội để sinh viên bọn em trải nghiệm dần. Ra trường, có vứt đâu cũng sống được".
Hớn hở khoe nhóm cậu vừa tới dọn cho một nhà ở khu đô thị Linh Đàm được chủ nhà thương tình thưởng thêm 100.000 đồng, cậu cũng tỏ ra tiếc rẻ vì để lỡ một khách hàng ở phố cổ do làm mất số điện thoại. Tết năm ngoái, cậu sinh viên người Nghệ An cũng từng đi bán hàng ở chợ Đồng Xuân nhưng do bị nhà chủ "chửi, mắng" nhiều quá nên "năm nay chúng em không đi bán hàng nữa mà làm công việc mình tự chủ hơn".
Bình Minh