Viện Pasteur TP HCM cho biết, việc gửi mẫu bệnh phẩm qua một labo Nhật Bản xét nghiệm nằm trong chương trình hợp tác nghiên cứu giữa viện và labo này. Khi nghiên cứu chưa kết thúc, chưa thống nhất giữa 2 bên về độ nhạy (không để âm tính giả), độ đặc hiệu (không để dương tính giả) của sinh phẩm chẩn đoán thì chưa thể khẳng định labo nào đã cho kết quả sai. Mặt khác, cúm H5N1 là loại bệnh mới phát hiện, các test sinh phẩm chẩn đoán bệnh cũng rất mới và còn trong quá trình chuẩn hóa. Ngay cả các labo cũng đang trong quá trình chuẩn hóa.
Cũng theo Viện Pasteur TP HCM, trong lĩnh vực nghiên cứu xét nghiệm, lâu nay kết quả khác biệt giữa labo này và labo khác vẫn xảy ra, và sự khác biệt cho phép đến 20%. Trong trường hợp 7 bệnh nhân trên, labo của Nhật khẳng định là dương tính, nhưng xét nghiệm tại viện và một labo nước ngoài khác đều cho kết quả âm tính. Chẩn đoán khi điều trị của họ là viêm phổi, nhiễm virus, lao... và tất cả hiện còn sống. Viện cho biết, từ trước đến nay, các trường hợp nhập viện có nghi ngờ liên quan đến cúm gia cầm đều được tiến hành điều tra dịch tễ, xử lý môi trường. Vì vậy đối với 7 bệnh nhân vừa kể, không cần thiết phải làm lại những việc này.
Theo Tuổi Trẻ, trung tâm y tế dự phòng Thái Bình cho biết, các xét nghiệm bệnh phẩm đã giúp phát hiện thêm 1 ca nhiễm H5N1 nữa. Đó là bà Lương Thị Thiêm, vợ của bệnh nhân Phạm Khắc Tẹo, 69 tuổi, đã tử vong ngày 24/2 vì H5N1. Trước tình trạng bệnh diễn biến phức tạp ở Thái Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đoàn cán bộ mang các thiết bị hiện đại về tỉnh này để nghiên cứu tìm biện pháp phòng chống.