- Anh thấy cuộc đời mình đặc biệt như thế nào?
- Có lần đài radio vùng Califonia (Mỹ) phỏng vấn tôi. Họ nói rằng: Tôi không tưởng tượng được một nghệ sĩ như anh lại mất mát nhiều như vậy. 13 tuổi tôi đã mất một mắt trái. Đến khi học thì nhà cháy, rồi con ốm. Hai năm trước khi đang lưu diễn ở châu Âu, phát hiện mình bị hỏng hai quả thận, cứ nghĩ cuộc sống đã chấm hết với bao nhiêu hoài bão chưa thực hiện được, nhưng rất may mắn là cuộc ghép thận đã thành công.
- Hỏng mắt trái - mất mát đầu tiên quá lớn đó khiến anh sống thế nào?
- Không phải do tai nạn, mà tự nhiên tôi bị nhiễm một loại virus không bình thường. Tôi phải nằm viện mấy tháng, ngày nào cũng phải tiêm trực tiếp vào mắt. Lúc đó, thực sự tôi không muốn sống nữa, thiếu chút nữa là tôi đã tự tử. Nếu không có âm nhạc, chắc lúc đó tôi không thể chịu nổi.
- Tại sao anh lại có ý định tự tử?
- Tuổi trẻ mà, tôi nông nổi lắm, hoang dại lắm. Lúc đó tôi chỉ biết một cảm giác là chán ngán vô cùng. Bởi chưa bao giờ có cái gì đó nặng nề như mất đi một con mắt. Nó quá ghê gớm, nó khiến tôi sợ khi nghĩ rằng cuộc đời mình từ nay về sau chỉ sống với một con mắt.
Nhất là lúc đó tôi lại trẻ, khoẻ, đã chơi kèn và được rất nhiều người Hà Nội biết đến. Cũng may là tôi có cây kèn bên cạnh, khi điều trị tôi vẫn thổi kèn. Chỉ có gần nhạc cụ, tôi mới quên hết những cái buồn bực, đen đủi đến với mình.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn.
- Cuộc đời chỉ có một con mắt, anh sống khó khăn như thế nào?
- Thực sự là quá lâu rồi, tôi không mường tượng được việc mình nhìn bằng hai con mắt sẽ thế nào nữa! Từ 1 tuổi đến 13 tuổi thì tôi nhỏ quá, chưa đủ nhận thức để cảm được cái gì hay ở cuộc sống.
Mà ngày xưa tôi cũng thiệt thòi lắm. 5 tuổi đã theo bố mẹ ra đoàn cải lương, 8 tuổi học kèn, và từ đó tới giờ chưa bao giờ rời kèn saxophone. Cuộc đời tôi chỉ dừng chơi kèn có 2 lần, lần đau mắt dừng 20 ngày, lần mổ ghép thận cũng chỉ dừng hơn 1 tháng là chơi lại. Tôi lớn lên không có trò chơi của thời thơ ấu, đến cả những trò chơi bình thường nhất tôi cũng không biết.
- Hỏng toàn bộ hai quả thận - bệnh đó như một án tù treo. Anh đã đối diện với nó như thế nào?
- Tôi mất một tháng... nhìn trần nhà. Bởi tôi còn trẻ quá, tôi tiếc cho cuộc đời mình quá. Bệnh này có thể dẫn đến tử vong, có thể làm cho gia đình mình nghèo đi. Tôi là trụ cột trong gia đình, tự nhiên cây cột đó đổ xuống, đương nhiên nó kéo theo cả hệ thống chứ không phải riêng tôi.
Bây giờ nhìn lại mới thấy đó không chỉ là thử thách đối với tôi, mà còn là thách thức lớn đối với vợ con tôi. Chị không thể tưởng tượng được không khí gia đình tôi lúc đó đâu. Cứ về đến nhà là tôi lại đóng cửa phòng và nhìn lên trần nhà. Tôi chán đời quá đi, vì đối với tôi mọi thứ coi như chấm hết.
Lúc đó tôi đâu có nghĩ đến bản thân. Chỉ có hai cái tôi nghĩ đến là sự nghiệp và gia đình. Vì sự nghiệp thì tôi tiếc vì mình còn biết bao nhiêu hoài bão, mình còn lao động được nhiều. Về gia đình, tôi thương con tôi. Nếu nó trưởng thành, có công việc rồi, mình có thể yên tâm đón điều rủi ro nhất, nhưng đằng này con tôi còn nhỏ, trách nhiệm của mình còn rất lớn. Mình chết đi nghĩa là đã trở thành người cha không hoàn thành trách nhiệm.
Tuy nhiên, sau một tháng, tôi đã lấy lại được tinh thần. Khi xác định những điều có thể xảy ra với mình, tôi thấy thoải mái vô cùng. Tôi đến bệnh viện lọc máu mà các bác sĩ không tin, vì tôi vẫn mang máy tính vào làm việc như bình thường. Ngoài ra, tôi vẫn biểu diễn ở các sự kiện khách hàng, tối về vẫn chơi ở câu lạc bộ, biểu hiện của tôi khiến không ai biết tôi bị bệnh.
- Có lần cả Sài Gòn đồn anh đã qua đời! Khi đang sống mà nghe người ta đồn mình đã chết, anh thấy thế nào?
- Hôm đó tôi phải đi dự rất nhiều cuộc tiếp tân của các tổng lãnh sự. Để điện thoại ở chế độ "im lặng", xem xong buổi biểu diễn tôi thấy có 50 cuộc gọi nhỡ, mà của toàn nhà báo. Tôi có gọi lại cho một vài người bạn, và biết người ta đang đồn tôi ra Furama Đà Nẵng rồi chết ở đó!
Thật ra, chuyện tin đồn cũng rất bình thường, vì lúc đó tôi đã bị bệnh rồi. Nhưng sự việc khiến tôi chạnh lòng và lo lắng hơn. Mình đang lạc quan trở thành người bình thường, tự nhiên gợi lại cho mình điều có thể xảy ra, mà điều đó có thể xảy ra quá chứ.
Vì bệnh tình của tôi chỉ thua bệnh ung thư, may mà bây giờ y học tiến bộ, có cách chữa trị. Cũng rất may là tôi bị thời điểm này, chứ 15 năm trước chắc chắn tôi đã chết!
- Cuộc sống của anh đã được tái sinh như thế nào?
- Đầu tiên, tôi định làm phẫu thuật ở Việt Nam, vì các bác sĩ Việt Nam phẫu thuật rất tốt. Nhưng tình cờ tôi đến dự một buổi tiệc với Tổng lãnh sự Mỹ. Ông ấy nói với tôi là ông ấy tin ở Việt Nam bác sĩ sẽ tận tình để giúp đỡ tôi, nhưng cái ông ấy quan tâm là hậu phẫu.
Bác sĩ giỏi, nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ là có thể xảy ra nhiễm trùng. Và ông ấy nhấn mạnh: "Nếu Tuấn có điều kiện thì không nên chọn sự rủi ro". Về nhà nghĩ lại thấy mình có điều kiện, nên đúng là mình không nên chọn sự rủi ro.
Cũng rất may vì ông ấy đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ, nên tôi nhận được hỗ trợ rất nhiều từ phía Mỹ để thực hiện cuộc phẫu thuật, và may mắn hơn khi tôi nhận được một quả thận từ người anh ruột của mình.
Trong đĩa CD phát hành sau đó, tôi có ghi: Cảm ơn anh đã chia sẻ một phần cơ thể anh cho em. Nếu không có quả thận của anh trai, tôi cũng chẳng biết phải làm sao. Có thể phải đi Trung Quốc ghép thận. Mà đi Trung Quốc cũng có thể xảy ra nhiều vấn đề. Ghép thận của tử tù, có thể dẫn đến tử vong hoặc nhiễm trùng. Như vậy, cái chết cũng sẽ loanh quanh người bệnh.
- Cuộc đại phẫu thuật ở Mỹ đã lấy đi của gia đình bao nhiêu tiền?
- 250.000 USD.
- Nếu anh không phải người có tiền thì sẽ ra sao?
- Tôi nghĩ trong thời điểm đó, nếu không có tiền tôi cũng nhận được sự hỗ trợ 100%. Vì tôi quan hệ rộng, và những người bạn trong ngành ngoại giao lên tiếng sẽ có nhiều người giúp đỡ tôi. Mà người Mỹ rõ ràng lắm. Nếu có điều kiện thì tôi bỏ vào, không có lý do gì họ giúp 100%. Nhưng tôi biết nếu thực sự tôi không có tiền, chắc chắn họ sẽ giúp 100%. Tôi thích và muốn học sự rõ ràng đó.
- Khi hoạn nạn đã qua, nghĩ về cái chết, anh thấy thế nào?
- Tôi đã trải qua nhiều cái quá ư ghê gớm. Đối với đời người mà trải qua những lần như thế cũng hiếm có khó tìm đấy. Nhưng tôi đã trải qua rồi mà không chết, nên đối với tôi cái chết rất bình thường.
- Nhưng có bao giờ anh nghĩ đến nó?
- Với bệnh tình của tôi mà nói không nghĩ đến cái chết là nói dối. Vì bệnh này dễ chết lắm, kể cả bây giờ, nhưng tỉ lệ rất ít. Một năm sau khi ghép thận, sự an toàn lên trên 50%, sau hai năm như tôi đã lên đến 80%.
Nhưng nó không thể đạt được 100% như những người bình thường. Tuy nhiên, giờ đây, cứ 8h30 sáng tôi phải uống một vốc thuốc, 8h30 tối lại uống tiếp một vốc thuốc nữa, và cứ như thế tôi phải uống đến hết đời.
- Nhưng tính ra anh vẫn là người may mắn, vì giờ đây anh có âm nhạc, có những người thân yêu, và nhờ âm nhạc, anh giàu có chứ không bị khánh kiệt vì bạo bệnh. Anh nghĩ sao?
- Không phải tôi may mắn mà là quá may mắn. Nếu không có âm nhạc, tôi không thể sống đến giờ này, cũng như tôi không có chỗ đứng, cuộc sống như bây giờ. Hiện nay, cuộc sống của tôi rất thoải mái, tôi chẳng thiếu thứ gì cả.
Cái lớn nhất là tôi đang được chơi cái mình đam mê nhất, đó là âm nhạc, chứ nhiều người bạn của tôi là tỷ phú đấy, song chẳng bao giờ được chơi với đam mê của mình. Còn nhu cầu của tôi là gì? Tôi thích cái kèn nào đều có thể mua được cái kèn đó, giờ tôi là người Việt Nam có nhiều kèn nhất.
Người ta có biệt thự 1000m2, tôi cũng có biệt thự 300m2. Người ta đi Mercedes, tôi đi Toyota. Người ta đi du lịch, tôi cũng được đi trên 40 nước. Bây giờ, tôi chả biết mình còn cần gì nữa, tôi chỉ muốn làm nhạc, để giới thiệu thật nhiều sản phẩm đến công chúng.
- Là nghệ sĩ, nhưng trong công việc cũng như trong đời sống riêng không thấy anh để lại điều tiếng gì. Anh nghĩ sao về điều này?
- Trong âm nhạc tôi thích khai phá những cái mới, còn trong cuộc sống tôi thích sự êm đềm. Đương nhiên, là đàn ông thì nhìn người phụ nữ đẹp, lạ, ai mà không thích, vấn đề là vượt lên những điều đó là sự yêu thương, gắn bó và chia sẻ trong cuộc sống gia đình.
Khi trẻ tôi là người đào hoa, từng yêu rất nhiều trước khi có gia đình. Có lẽ điều đó cũng hay, vì sau khi có gia đình tôi lại có nhu cầu về sự ổn định, chứ có những người trước khi lập gia đình chưa bao giờ yêu ai hoặc ít yêu quá, đến khi có gia đình lại thích khai phá. Còn tôi, chỉ thích khai phá âm nhạc.
- Anh tự nhận ngày xưa mình đào hoa, yêu nhiều, cụ thể thời đó như thế nào?
- Đó là trước khi tôi có gia đình. Lúc đó tôi là một nghệ sĩ trẻ, có điều kiện, không phải có trách nhiệm với ai, làm ra bao nhiêu tiền hết bấy nhiêu. Người ta cũng nói tôi khéo miệng nữa nên cũng dễ hiểu khi mình có sức hấp dẫn đối với phụ nữ.
- Trong những cuộc tình nông nổi thời trẻ anh có lỗi với người phụ nữ nào?
- Khi chưa có gia đình thì tôi không cho đó là lỗi. Hai bên đều có cảm xúc giống nhau không yêu người này nữa thì yêu người khác, đó là điều bình thường. Tôi cũng chẳng nhớ mình yêu bao nhiêu người nữa.
Có những người tôi gặp trong thời gian rất ngắn, yêu chỉ được 3-4 tuần. Tuổi trẻ mà, mình sống bằng cháy bỏng, hoang dại, không có quy định, nhất là khi mình không có gì vướng bận.
- Vợ anh có biết thời "hoang dại" của anh?
- Chắc có biết, nhưng cô ấy tỏ ra không cần biết! Cô ấy cũng là người hiểu biết lắm. Vì phạm trù đó, ở thời điểm đó, đâu có thuộc quản lý của cô ấy.
- Người ta thường nói: "ngựa quen đường cũ", chứ đàn ông chẳng bao giờ chán phụ nữ đẹp. Phải chăng do vợ anh quản lý giỏi?
- Không, là do tôi nghĩ đến sự hy sinh của cô ấy. Chúng tôi sống với nhau bằng cái tình, ngần ấy năm chia sẻ, vất vả với nhau. Nếu không vì những cái đó, tôi sẽ mất ranh giới để đến với những cái lạ.
Hơn nữa, nếu sống cạnh người vợ trông không ưa mắt lắm, mà mình cứ phải làm việc với những ca sĩ xinh đẹp thì cũng chẳng biết thế nào. Còn đằng này, vợ tôi là người duyên dáng, xinh đẹp, và rất biết cách cư xử.
- Chung quy, anh là người nể vợ hay... sợ vợ?
- Nể hay sợ cũng giống nhau cả thôi. Lịch sự thì gọi là nể, không lịch sự thì gọi là sợ. Tôi chẳng có gì để sợ cô ấy, mà cô ấy cũng chẳng làm gì để tôi phải sợ. Chúng tôi tôn trọng lẫn nhau và hiểu nhau.
Còn phàm là đàn ông, khi làm điều gì có lỗi với vợ thì có bao giờ nghĩ đến hậu quả đâu, vấn đề là kiểm soát được mình và nghĩ đến cái lớn lao hơn để vượt qua. Bây giờ, đối với tôi chỉ có âm nhạc và gia đình. Như vậy là đủ.
Để tìm hiểu thêm một người phụ nữ nữa, như một chiến tích, thì chỉ dành cho tuổi trẻ, chứ giờ còn chiến tích gì nữa. Đặc biệt sau cơn bạo bệnh, tôi nghĩ mình phải sống có ích, đầu tiên là cho cá nhân và gia đình, rồi đến cộng đồng. Tôi sẽ sống để nhận, để cho, để chia sẻ, và tôi cứ lẳng lặng làm âm nhạc mà không có tuyên bố gì cả.
(Theo Đàn Ông)