- Xem đến cuối "7 ngày và một đời" cho Phim truyền hình ngắn tập hay nhất), nhiều khán giả chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của phim. Dường như có một vài chi tiết chưa thực rõ ràng nên cái kết có vẻ không ổn, anh nghĩ sao?
- Trong một buổi "buôn chuyện" với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, tôi tỏ ý muốn có một kịch bản bàn về những ngón lừa trong đời sống, lừa mà lại tưởng như không lừa. Và thế là kịch bản Coi như không biết ra đời. Đó là câu chuyện về một gia đình, về những người sống trong gia đình ấy tưởng rằng mình đang hạnh phúc nhưng thực ra lại chính là tự nhốt mình vào nhà tù với hàng trăm quy tắc bất di bất dịch.
Câu chuyện chỉ xảy ra khi người vợ đi vắng một tuần. Trong 7 ngày ngắn ngủi ấy, người chồng đã phát hiện ra một thế giới khác hoàn toàn với những gì mình đang sống. Anh ta bị cuốn theo và thả mình trong đó. Vấn đề sẽ không có gì để nói khi người đàn ông ngoại tình vì tình yêu, nhưng sự thực đây chỉ là sự lừa dối. Kết thúc, người chồng bị điên, người vợ tưởng mình là nguyên nhân khiến chồng tâm thần, còn người phụ nữ thứ ba kia sau màn kịch giả chết để kiếm 100 triệu thành công, lại tiếp tục săn đuổi một con mồi khác ngon lành, tiếp tục những lời lẽ mơn man quen thuộc. Bi kịch nằm ở chỗ đau thương xảy ra nhưng không ai biết rõ nguyên nhân, ai cũng nghĩ mình có lỗi.
Với một tác phẩm điện ảnh hiện đại, đôi khi không nhất thiết phải đưa đầy đủ thông tin, kiến giải một cách cụ thể. Logic nghệ thuật ở đây là chỉ cần khi khán giả xem, cảm nhận, hiểu là ổn.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành. |
- Nhưng có vẻ như anh đã bới hơi quá sự ngoại tình này, vì trong thực tế cuộc sống, đâu nhất thiết chỉ vì 100 triệu đồng mà người ta phải dựng hẳn lên một màn kịch hoàn hảo để lừa mánh nhau, khiến một người điên, một gia đình tan nát?
- Tôi không bới, tôi chỉ nêu hiện tượng. Trong khi nhiều người nói tốt thì tôi lại muốn nói về mặt trái. Xã hội có quá nhiều cạm bẫy, nếu mỗi người không biết tự cân bằng bản thân mình thì sẽ rất dễ rơi vào sự sa ngã không lối thoát.
Hơn nữa, với một kẻ rắp tâm đi lừa người khác thì làm gì còn lương tâm để nghĩ xem ngón lừa như thế có quá đáng hay không. Nếu để ý, khán giả sẽ thấy trong phim luôn xuất hiện một người đàn ông điên, chứng kiến tất cả câu chuyện từ đầu tới cuối. Không phải ngẫu nhiên mà anh chàng này thuộc tất cả những lời nói của cô gái kia, và trên tay của anh ta đeo rất nhiều vòng cô gái tặng lại, mỗi chiếc vòng là một kỷ vật của những người tình để lại cho cô trước khi cô ta chết (tất nhiên là giả chết). Điều đó có nghĩa cô ấy là một người lừa tình chuyên nghiệp, và người đàn ông điên kia báo hiệu những nạn nhân tiếp theo.
- Là người đặt vấn đề khá khốc liệt, anh đối diện với nó ra sao trong cuộc đời thực?
- Vợ tôi có lần hỏi tôi, anh từng ngoại tình chưa mà có nhiều kinh nghiệm đưa vào phim như thế. Tôi trả lời cô ấy rằng, trên đời này có tới 101 kiểu ngoại tình, và tôi chỉ là người cố gắng thu thập tất cả những gì có thể để khiến phim của mình sâu hơn. Nhưng đó chỉ là trên phim, còn thực tế, tôi không thích 101 kiểu ngoại tình bằng 101 con chó đốm. Thời gian rảnh tôi thích xem phim hoạt hình cùng con gái tôi hơn.
- Anh thu thập kinh nghiệm đó bằng cách nào khi bản thân anh chẳng có nổi một chút thực tế, còn người xung quanh thì không phải ai cũng sẵn lòng kể anh nghe chuyện ngoại tình của họ?
- Có rất nhiều cách để hiểu biết, trong đó một phần nhờ kịch bản xuất sắc của Nguyễn Thị Thu Huệ. Tôi cũng có nhiều người bạn bị đổ vỡ chuyện gia đình, họ nói với tôi ngoại tình bây giờ đã trở thành mốt, thành chuyện bình thường... Chính nhận thức này đã khiến cuộc sống gia đình đáng lẽ phải rất hạnh phúc lại rơi vào bi kịch.
- Vậy bản thân anh nghĩ sao về chuyện ngoại tình?
- Với tôi, ngoại tình hay nội tình đều không quan trọng bằng tình.
- Nếu quan niệm chỉ đơn giản thế, sao anh lại có vẻ bức xúc khi chứng kiến người khác ngoại tình như vậy?
- Tôi thích chữ tình vì nó thuộc về con tim, còn không thích ngoại tình vì nó vi phạm đạo đức, đồng nghĩa với phản bội. Ngoại tình có nhiều lý do, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng đều xuất phát từ mong muốn hướng đến một đối tác khác hoàn hảo hơn. Bi kịch nằm ở chỗ thế giới này chẳng có gì, chẳng có ai là hoàn hảo. Có người chỉ nghĩ tới, nhưng có người lại hành động, và ngoại tình là câu chuyện không có hồi kết. Người ta chỉ có thể nói rằng mục đích và lẽ sống của bản thân mỗi người là gì mà thôi.
- Vậy mục đích sống của anh là gì?
- Tôi luôn trân trọng những giá trị thật, đó là công việc, là gia đình của tôi. Tôi thích làm việc như một nhà khoa học để mang cảm xúc cho mọi người.
- Những cảnh quay trong "7 ngày và một đời" khiến người xem liên tưởng tới bộ phim dài tập "Những giấc mơ dài" trước đó. Vì sao có sự lặp lại này?
- Tôi muốn nối lại sự gợi cảm, để nhấn mạnh và làm cho khán giả tin rằng đó thực sự là một tình yêu. Sự kết nối nhiều hình ảnh trong Những giấc mơ dài vào với 7 ngày và một đời là sự tái hiện, làm cho khán giả tưởng họ đang bắt đầu mối tình chân thành. Tôi cũng không né tránh sự lặp lại này, nhưng đôi khi sự giống nhau lại tạo nên hiệu quả khác biệt và đáng nhớ.
Thực tế, mỗi phim của tôi có tiêu chí, phong cách riêng. Dòng sông phẳng lặng không mang chút dáng dấp nào của 2 phim này. Nhưng nếu để ý, mọi người sẽ thấy trong tất cả các phim của tôi đều bắt đầu với hình ảnh con chim. Cũng có thể coi đó là một cách tạo thương hiệu cho riêng tôi.
- Trong phim của anh, rất dễ nhận ra nhiều góc quay lãng mạn. Anh nghĩ sao về sự lãng mạn?
- Tôi đam mê đào bới những hình ảnh tới tận cùng thì đúng hơn. Không chỉ lãng mạn, phim của tôi còn là sự căng thẳng, vật vã... Tôi thích dùng ngôn ngữ hình ảnh để biểu đạt tới tận cùng vấn đề, tất nhiên là những vấn đề được phép làm. Ở 7 ngày và một đời, tôi muốn thể hiện cảnh hai người "yêu" nhau đạt tới tận cùng mê đắm, nhưng vì không được phép nên tôi đành biến nó thành sự lãng mạn.
- Sử dụng nhiều kỹ xảo trong phim của mình, anh nghĩ sao khi người xem bắt đầu thấy "nhàm" chiêu này?
- Có thể. Nhưng sắp tới đây tôi sẽ thực hiện những tác phẩm của mình bằng phong cách khác hẳn. Khán giả hãy đón chờ xem.
- Hai tác phẩm gần đây của anh đều có bộ đôi Mạnh Cường - Kiều Thanh, anh tìm thấy ở họ những điểm thu hút gì?
- Thực ra khi casting vai diễn cho 7 ngày và một đời, tôi muốn tìm một gương mặt mới toanh. Tôi muốn có một diễn viên trẻ hơn, hấp dẫn hơn Kiều Thanh. Nhưng thử qua nhiều người, tôi vẫn không thấy ai có được vẻ lịch lãm như Mạnh Cường, cách truyền tải nhân vật đa dạng như Kiều Thanh. Vì thế, sự lựa chọn cuối cùng của tôi vẫn là cặp đôi này. Và thực sự, họ đã không phụ lòng mong đợi.
- Không chỉ với cặp đôi Mạnh Cường - Kiều Thanh, ngay cả với nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, anh cũng đã tìm được những hứng thú riêng khi liên tục chuyển thể kịch bản của chị ấy thành phim. Đó là điều gì vậy?
- Thu Huệ là người có khả năng đào bới vấn đề đến tận cùng, cũng giống tôi. Kịch bản của Huệ thường khó thực hiện, mà tôi lại thích cái khó. Có những đoạn Huệ viết dường như đánh đố đạo diễn, gây rất nhiều khó khăn cho người chuyển thể, nhưng tôi là người thích leo núi, vì thế luôn hứng thú với những câu chuyện của Huệ.
- Mỗi năm chỉ làm 1-2 phim, anh sống thế nào?
- Tôi không làm riêng phim nhưng những thứ tôi làm đều có liên quan tới chuyên môn. Tôi coi làm phim là một thú chơi, chưa bao giờ nghĩ mình sống nhờ nó. Trong môi trường nghệ thuật không chuyên nghiệp như Việt Nam, thì việc sống bằng nghề là điều khó. Nhưng những người yêu nghề và cả bản thân tôi luôn mong muốn được làm nghề và sống đàng hoàng với nghề.
- Hoạt động trong môi trường không được như mơ ước, anh lấy sự hứng khởi ở đâu để làm nên những tác phẩm thực sự?
- Sẽ chẳng có lấy đâu ra một môi trường làm việc như mơ ước. Tôi yêu nghề và tự trọng. Trong hoàn cảnh nào tôi cũng không muốn những bộ phim của mình lôi thôi luộm thuộm.
(Theo VnExpress)