- Chị nói rằng đừng bắt khán giả phải khóc. Vì sao?
- Vì đã quá đủ với họ. Cuộc đời quá nhiều bi kịch. Họ không còn thích khóc nữa. Họ đến xem kịch là để giải trí đơn thuần mà không cần chiêm nghiệm. Cho dù những người dễ cười là những người mau khóc nhất.
Vợ chồng Hồng Vân - Lê Tuấn Anh. |
- Nói thế nghĩa là thời chính kịch đã qua?
- Đúng! Trong đời sống này, nếu có sự bình an về mọi mặt thì khán giả mới đến với chính kịch.
- Bản thân chị đã từng mơ một vai chính kịch để đời?
- Đó là câu chuyện của một thời. Bây giờ lo hai sân khấu hài, để có đất cho bạn trẻ diễn.
- Phương châm của hai sân khấu này là "quẳng gánh lo đi mà vui sống". Chị làm được điều đó?
- Sân khấu Phú Nhuận đã đi vào hoạt động ổn định, nhiều đêm kín chỗ. Nhất là những vở gần đây xoay quanh bi hài kịch gia đình. Còn sân khấu Bình Thạnh không đạt chuẩn cho việc diễn kịch, chỉ còn là điểm tấu hài thôi. Chính vì làm ăn được, chúng tôi mới mở thêm điểm và vẫn hỗ trợ nhà hát sân khấu nhỏ.
- Đã bao giờ chị mơ ước các nghệ sĩ giỏi quy tụ lại làm một sân khấu đàng hoàng, không còn cảnh nở nồi, cạnh tranh nhau khốc liệt và kịch thì như món phở nhạt thếch?
- Có chứ. Cách đây 3 năm, tôi đã có ý tưởng Nhà nước cần hỗ trợ cho Nhà hát sân khấu nhỏ để duy trì hoạt động thể nghiệm, kiểu như bảo tồn hát bội vậy. Ở sân khấu 5B không ai có lương, không có một chế độ nào bảo đảm cuộc sống. Mà khi có con cái, chúng tôi đều trở nên có nhiều nỗi sợ.
- Khi tự mình gây dựng nên sân khấu, hình như mỗi nghệ sĩ bị mòn vì diễn hài?
- Nuối tiếc một thời ở 5B thì đúng hơn. Đó vẫn là nhà từ đường của chúng tôi, nơi cùng chung ý tưởng thể nghiệm và cho xuất xưởng những hạt nhân nghệ thuật. Nếu không mở sân khấu, tôi sẽ vẫn đi diễn suốt tháng, trong nước đến ngoài nước. Như thế thì hai đứa nhỏ tội lắm. Tôi muốn có thời gian gần con cái hơn.
- Nhưng khi làm ra tiền nhờ hai sân khấu hài, liệu chị còn vui như khi thử nghiệm quậy phá đến cùng các vai diễn?
- Đó là miếng cơm manh áo hàng ngày. Vẫn mơ một ngày Nhà nước đầu tư một vở hay, đúng tầm vóc của một thành phố, hay rộng hơn, một quốc gia, với nhiều nghệ sĩ giỏi.
- Có những diễn viên ở chỗ chị chuyên đóng hài, vẫn thèm một vai chính kịch ở sân khấu khác. Chị nghĩ sao?
- Đó là tuỳ vào tâm tư của mỗi người. Nhưng lớp diễn viên trẻ bây giờ chạy sô nhiều quá, một đêm chạy sô 4-5 chỗ tấu hài. Gọi là trẻ nhưng giờ cũng đã ba mươi rồi. Hoàn cảnh đó là con dao hai lưỡi làm mòn nghề.
- Lớp kế cận thế hệ Hồng Vân tài năng vẫn chưa tới?
- Dù được đào tạo, nhưng chưa kịp cứng với nghề đã phải chạy sô, nên thế hệ này chưa đồng bộ. Cũng không trách các em được.
- Bi kịch của thế hệ diễn viên như chị là gì?
- Là không có sân khấu lớn để diễn. Chỉ có sân khấu nhỏ. Và bây giờ là những sân khấu hài.
- Bao năm bươn chải, liệu cái nhìn đầu tiên với sân khấu của chị có thay đổi?
- Đừng bi quan về sân khấu hiện nay. Tất cả đều tuân theo quá trình chuyển dịch tự nhiên. Con người không cưỡng lại được xu thế chung, những vận hành tất yếu. Tốt nhất là hãy sống như một tế bào bình thường của xã hội. Ở sân khấu cũng như điện ảnh, ta còn nhập nhằng giữa các dòng nghệ thuật và thương mại. Cái chính là bắt đúng tần số của khán giả. Pha chế tỉ lệ khóc - cười đúng độ. Giải trí nhưng cái chính là có thẩm mỹ một chút.
- Có thể nói gì về mức dân trí của khán giả ở ta?
- Nói nâng cao dân trí thì có vẻ sáo rỗng. Hãy để họ cười trước đã.