Cuối năm 2005, Toyota Việt Nam - doanh nghiệp luôn dẫn đầu thị phần trong suốt năm 2005, đã tổ chức chương trình khuyến mãi đặc biệt nhằm kích cầu trong bối cảnh thị trường ôtô giảm sút vào quý IV. Không có chủ trương giảm giá bán xe, nhưng Toyota Việt Nam đưa ra các chương trình khuyến mãi để vào thời điểm giữa tháng 12/2005, khách hàng mua chiếc Toyota Zace GL chỉ còn phải trả 24.000 USD thay vì 29.800 USD như giá niêm yết. Kết quả là trong tháng 12, Toyota Việt Nam đã bán được 919 xe Zace các loại so với 350 xe của tháng 11. Tiêu thụ Zace tăng, khiến cho các dòng xe cạnh tranh khác giảm, như Ford Everest (353 xe), Mitsubishi Jolie (142 xe), Mazda Premacy (36 xe), Isuzu Hi Lander (28 xe).
Chưa dừng lại ở đó, bắt đầu từ ngày 12/1, Toyota Việt Nam đưa ra thị trường chiếc Innova, thay thế hẳn cho xe Zace với nhiều tính năng vượt trội, nhưng bán với giá “đắt hơn giá công bố Zace 100 USD” mà thực chất, theo giới thạo xe, là việc giảm giá. Tại lễ ra mắt, Toyota không giấu tham vọng muốn bán mỗi tháng 800 xe Innova. Đến thời điểm trước Tết âm lịch, tức là chỉ khoảng 2 tuần kể từ khi ra mắt xe, đã có 914 khách hàng đặt cọc mua Innova và đã có gần 500 khách hàng nhận được xe trước Tết.
Sự ra mắt của chiếc Innova đã làm giảm thị phần của những chiếc xe cao cấp hơn. Chẳng hạn như chiếc Mitsubishi Grandis (đã được Vinastar tăng giá bán từ 44.000 USD lên 45.500 USD từ 1/1), tháng 11 bán được 153 xe, nhưng sang tháng 12 khi có thông tin về chiếc Innova ra đời, số lượng bán chỉ còn 19 chiếc.
Việc thị trường ôtô Việt Nam sụt giảm 12% năm 2005 so với 2004 không phải do nhu cầu mua sắm xe hơi giảm, mà là do giá xe còn có những điểm chưa phù hợp. Việc Innova ra đời chỉ chứng tỏ nếu một sản phẩm có chất lượng và giá cả phù hợp sẽ kích được nhu cầu và làm thị trường sôi động trở lại.
Năm 2006, Chính phủ tái khẳng định việc hạn chế mua sắm xe công trong khu vực nhà nước, cộng với lượng xe nhập khẩu có mức thuế thấp hơn 30% so với năm ngoái, là những thách thức mới đối với các nhà lắp ráp ôtô trong nước nếu không có những điều chỉnh về giá.
Là những liên doanh với các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ôtô, các doanh nghiệp lắp ráp ôtô Việt Nam đã có được kế hoạch bán hàng và giới thiệu sản phẩm dài hạn cho cả năm 2006. Vấn đề còn lại chỉ là chính sách giá hợp lý để vừa đảm bảo có lợi nhuận, vừa đảm bảo không “mất mặt” với người tiêu dùng sau khi đưa ra tuyên bố mạnh mẽ khẳng định việc tăng giá xe từ đầu năm 2006.
Ford Việt Nam vừa kết thúc chương trình bán hàng đặc biệt trong tháng 1 với chính sách giá giữ nguyên như năm ngoái và nhiều người chờ đợi công ty chiếm 14,3% thị phần trong năm 2005 này đưa ra chính sách giá mới cho năm 2006.
Khác với tuyên bố hùng hồn thể hiện sự đoàn kết trong các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) hồi tháng 11 năm ngoái, đầu năm 2006, VAMA đã có sự phân liệt rõ rệt khi một số tuyên bố không tăng, một số nói chưa có kế hoạch tăng giá và một số tăng vài phần trăm giá công bố.
Ông Phạm Hồng Hải, trưởng phòng đối ngoại của Toyota Việt Nam cho biết, công ty vừa chính thức công bố giá bán một số loại xe mới trong năm 2006, bắt đầu từ ngày 1/2. Theo đó, chiếc Corolla Altis sẽ giảm giá bán từ 37.300 USD xuống 35.500 USD, Vios 1.5G sẽ giảm từ 27.800 USD xuống 25.500 USD và Vios Limo giảm xuống còn 23.700 USD. Các loại xe khác giữ nguyên. Từ động thái này của hãng xe đứng đầu thị trường, có thể trong tháng 2 sẽ có một số hãng công bố giá bán xe năm 2006 và các chuyên gia dự báo thị trường sẽ diễn ra hai khả năng:
Thứ nhất, nếu thị trường tiếp tục ảm đạm đến hết quý I, thậm chí đầu quý II thì các nhà sản xuất, vốn cũng chịu sức ép về doanh số bán hàng từ các công ty mẹ, sẽ phải tiếp tục khuyến mãi, giảm giá với mức ít nhất như thời điểm cuối 2005.
Thứ hai, các hãng sẽ lần lượt thay thế các xe đã có trên thị trường bằng các loại xe mới có nhiều tính năng vượt trội hơn xe cũ nhưng mức giá công bố tương đương và khi mua xe, việc được giảm giá nhiều hay ít tuỳ thuộc vào việc đàm phán của khách hàng với các đại lý.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)