Bà Lý Thị Cẩm Thúy trúng đấu giá căn nhà số 508 Nguyễn Chí Thanh, phường 7, quận 10, TP HCM - tài sản kê biên trong vụ kiện đòi nợ 600 triệu đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á với ông bà Nguyễn Hữu Trí và Đặng Kim Cúc.
Khi thủ tục mua bán nhà đang được hoàn tất, VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Do vậy, Đội thi hành án, Trung tâm Bán đấu giá phải hủy kết quả bán đấu giá với bà Thúy để chờ kết quả xét xử của cấp giám đốc thẩm.
Ngày 26/12/2000, TAND Tối cao quyết định giữ nguyên bản án phúc thẩm, bác kháng nghị của VKS. Đội thi hành án quận 10 tiếp tục bán đấu giá căn nhà trên. Trong cuộc bán đấu giá lần 2, bà Thúy cũng là người trúng đấu giá với số tiền phải trả tăng lên gần gấp đôi (378 lượng vàng).
![]() |
Căn nhà 508 Nguyễn Chí Thanh đứng tên bà Lý Thị Cẩm Thúy nhưng hiện bà Đặng Kim Cúc vẫn cho thuê. |
Mọi việc tưởng kết thúc khi bà Thúy giao tiền cho Trung tâm Bán đấu giá, Đội thi hành án quận 10 trích số tiền này để trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á, bà Thúy cũng đã đứng tên chủ quyền căn nhà trên. Nhưng các cơ quan tố tụng lại tiếp tục gây ra "cú sốc" với bà Thúy khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định hủy quyết định giám đốc thẩm và bản án phúc thẩm của TAND TP HCM giao hồ sơ về TAND TP HCM để xét xử phúc thẩm.
Ngày 4/12/2002, TAND TP HCM đã ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á có đơn rút yêu cầu khởi kiện đối với ông Trí, bà Cúc do hai bên đã thi hành án xong". Trong khi thực tế khoản nợ trả ngân hàng lấy từ tiền bà Thúy đã bỏ ra để mua căn nhà 508 Nguyễn Chí Thanh.
Hiện nay, bà Thúy đã chết và việc đòi lại căn nhà trên theo người am hiểu thì như “mò kim đáy biển”. Theo ông Vũ Quốc Doanh (Đội trưởng Đội thi hành án quận 10): “Cách tốt nhất là người thừa kế của bà Thúy phải kiện Trung tâm Bán đấu giá ra tòa rồi từ đó trung tâm kéo theo một số cơ quan khác như: thi hành án, VKS, tòa án...”. Tuy nhiên, ông Doanh cũng không biết chắc kết quả sẽ đi đến đâu.
Trường hợp của bà Thúy chỉ là điển hình trong nhiều trường hợp “tiền mất tật mang” khác của những người tham gia mua tài sản bán đấu giá. Nhiều cán bộ trong ngành bán đấu giá thừa nhận, hiện nay ai cũng ngại việc bán đấu giá tài sản thi hành án, kể cả trung tâm lẫn người mua và người bán. Người mua thì bị “hành” về việc chuyển quyền sở hữu, còn trung tâm thì bị các cơ quan thuế làm khó bởi các thủ tục dây dưa.
Ông Nguyễn Thu Giang (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM) nói với Người Lao Động: “Mua bán tài sản bán đấu giá có khi người mua lại tự rước họa vào thân. Đó là những trường hợp mua tài sản trong các vụ án mà tòa tuyên tịch thu nhưng khi người mua được rồi thì không chịu làm giấy tờ cho họ với lý do tài sản không rõ nguồn gốc”. Một tình trạng mà những người có liên quan đến việc mua bán đấu giá đều rất sợ đó là quyết định kháng nghị. Bởi vì, hiện nay phần lớn những tài sản đã được bán đấu giá nhưng gặp kháng nghị là ách tắc kéo dài gây ra nhiều tình cảnh đau lòng cho người mua tài sản bán đấu giá. Do chưa có một cơ chế đặc biệt nào để bảo vệ người mua tài sản bán đấu giá cũng như những chồng chéo trong việc xét xử của các cơ quan tố tụng dẫn đến người dân không tin tưởng ở trung tâm bán đấu giá tài sản.
Ông Nguyễn Hoàng Huy (Giám đốc Trung tâm Bán đấu giá TP HCM) cho biết, nhiều người ví Trung tâm Bán đấu giá như trung tâm “lừa đảo”. Theo ông Huy, cần có thủ tục đặc biệt áp dụng riêng với tài sản bán đấu giá để việc chuyển giao quyền sở hữu được thuận lợi và giảm bớt rủi ro cho người mua; phân định rõ tài sản nào được phép bán đấu giá, tài sản nào không để tránh tình trạng bán rồi lại không hợp thức hóa được cho người mua.
Nghị định 86/CP về bán đấu giá tài sản đã không còn phù hợp. Có những trường hợp xảy ra trên thực tế nhưng nghị định không quy định như: người trúng đấu giá tài sản không nộp tiền đặt cọc trúng đấu giá thì phải giải quyết như thế nào; tiền đặt cọc 1% khi trúng đấu giá là chưa phù hợp vì dễ dẫn tới việc tham gia đấu giá để phá cuộc đấu giá...