Dự án phân lô bán nền của Công ty địa ốc Đ., huyện Bình Chánh, TP HCM. |
Những năm 2000-2001 ngoài đất nền tại các dự án, giới kinh doanh cũng chú ý đến đất nông nghiệp. Những vùng đất sình lầy, không trồng được cây cối ngày nào bỗng chốc trở nên có giá. Thậm chí nhiều nơi giá mỗi mét vuông đất nông nghiệp tăng lên vài trăm nghìn đồng so với trước đó chỉ vài chục nghìn
Các xã có nhiều đất nông nghiệp như Bình Hưng, Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, Bình Trị Đông, Tân Tạo (huyện Bình Chánh cũ), Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Tân An Hội (huyện Củ Chi), Phước Kiểng, Long Thới (Nhà Bè)... lên cơn sốt vì đất. Hằng ngày có nhiều xe máy, xe hơi tấp nập đến mua đất. Cơn sốt còn lây lan đến tận các tỉnh lân cận TP HCM như Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tỉnh Bình Dương...
Nhưng không ít trường hợp phải vỡ mộng vì đầu cơ đất tại đây như trường hợp bà Thanh ở quận 1, TP HCM. Năm 2002 theo xu hướng kinh doanh đất ở Đồng Nai, bà Thanh đến huyện Nhơn Trạch ôm đến hơn 5ha đất tại xã Phước An. Giá lúc mua trên 70.000 đồng/m2, tính ra bà Thanh đã bỏ ra gần 4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, gần đây khu vực này được quy hoạch thành khu dân cư với diện tích lên đến hàng chục hecta. Giá đất đền bù, cộng tiền hỗ trợ chưa đến 30.000 đồng/m2, trong khi hiện nay giá thị trường tại khu vực này đã trên 150.000 đồng/m2. Tổng cộng số tiền nhận đền bù của bà Thanh chưa bằng phân nửa số tiền mua đất cách nay hai năm. Không chỉ bà Thanh mà hàng chục trường hợp khác (đa phần ở TP HCM) cũng đang trong tình trạng tương tự.
Xuống xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nhiều người vẫn nhắc đến cái tên Hoàng khi nói về chuyện kinh doanh đất. Thời đất Bình Chánh còn sốt, Hoàng lao vào đầu tư khu vực này, sau đó phân lô, bán nền. Đất chưa kịp phân lô, nền chưa kịp bán thì UBND TP ban hành quy định cấm phân lô bán nền. Một trong những đệ tử của Hoàng tiết lộ: "Trong tay Hoàng còn đang ôm khoảng 6 ha đất nông nghiệp. Một phần diện tích Hoàng đang san lấp, tìm cách gạ bán cho người dân".
Một trường hợp khác là ông Tài ở hương lộ 80, xã Vĩnh Lộc B. Ông Tài có 3 ha đất do ông bà để lại. Đất lên cơn sốt, ông Tài bán hết 3 ha mua được 2.500 lượng vàng. Ông tiếp tục tìm mua 3 ha đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A để bán lại kiếm lời. Đất ông mua đang dính vào khu quy hoạch du lịch của huyện. Giá đất đền bù hiện nay chỉ bằng phân nửa giá mà hơn một năm trước ông đã mua.
Môi giới nhà đất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. |
Người dân ở khu vực đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình không ai còn ngạc nhiên nữa khi thấy ông Nguyễn Văn Tuân, một người từng có trong tay cả chục căn nhà và nhiều lô đất tại Gò Vấp, Tân Bình, tiếp tục rao bán ba căn nhà của mình tại các đường Quang Trung, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám để trả nợ.
Công ty của ông cũng tập trung vốn để sang lại nhiều lô đất với diện tích lớn để tự phân lô, bán nền; ông còn bỏ tiền xây dựng hơn một chục căn nhà tại quận 12 để bán lại. Ngặt một điều phần lớn nhà, đất của ông Tuân đều thuộc diện chưa có giấy tờ hợp pháp.
Đến khoảng cuối năm 2002, nhà đất chưa có giấy tờ trở nên khó bán, nhiều lô đất ông tự phân lô bán nền cũng không thể hợp thức hóa giấy tờ. Ông Tuân nói: “Cứ tình hình này kéo dài, đắt rẻ gì tôi cũng phải bán đất đi để trả nợ ngân hàng thôi, tiền lãi chịu hết nổi rồi”. Công ty của ông mấy năm trước bề thế bao nhiêu nay chỉ còn lại mỗi văn phòng giao dịch, các nhân viên đã bị cho nghỉ việc gần hết.
Giám đốc một công ty địa ốc thú thật: “Công ty tôi đang sống dở chết dở vì kẹt quy hoạch”. Công ty ông bỏ vốn hơn 4 tỷ đồng tham gia đầu tư một dự án tại huyện Nhà Bè. Dù mới vừa trình duyệt quy hoạch chi tiết nhưng hội đồng quản trị và ban giám đốc công ty đã quyết định cứ ký hợp đồng bán đất cho khách hàng dưới dạng góp vốn đầu tư để có tiền trả nợ ngân hàng.
Ông Trần Mạnh Châu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn, nói: “Những công ty bị vỡ nợ, phá sản phần lớn là những công ty có quy mô nhỏ. Việc đầu tư dự án, kinh doanh địa ốc cần rất nhiều vốn nhưng các ngân hàng thường ngại ngần nếu công ty đầu tư chỉ là các công ty nhỏ, quá trình thực hiện dự án không nhiều. Khi không đủ lực, họ bị loại khỏi cuộc chơi là điều dĩ nhiên. Thị trường đầu tư địa ốc cần những công ty thật sự có khả năng, đủ năng lực để thực hiện nhanh chóng các dự án đã được phê duyệt. Nếu anh không có vốn, không đủ lực mà cứ lao vào rồi lại huy động vốn ẩu tả bằng cách bán đất trái pháp luật thì sẽ chỉ gây thiệt hại cho khách hàng”.
Các lô đất theo quy hoạch dự kiến đã bán gần hết nhưng mới đây chủ đầu tư chính của dự án thông báo quy hoạch 1/2000 của dự án đã bị thay đổi, phần đất mà công ty địa ốc nói trên được đầu tư lại thuộc diện tích để xây dựng chung cư. Không muốn đầu tư tiếp cũng không được và chẳng biết sẽ lấy đâu nền đất biệt thự mà giao cho khách hàng?
Nếu trả lại tiền cho khách hàng cũng không ổn vì như vậy là vi phạm hợp đồng, tiền phạt cũng không nhỏ (12%) và có thể sẽ bị khách hàng kiện cáo là lừa đảo. Nhiều dự án khác mà Công ty địa ốc này tham gia đầu tư đang phải đình lại vì vướng các quy định của nghị định 181 khiến việc xoay vòng vốn càng khó khăn hơn. Mặc dù ông giám đốc vẫn khẳng định sẽ “chạy” được qua “cơn bĩ cực” này nhưng qua thái độ lo lắng của ông đã cho thấy nguy cơ phá sản của công ty.
Hầu hết siêu thị địa ốc đều rơi vào tình trạng: trăm người bán, vài người mua. Tiền thuê mặt bằng, thuế, trả lương nhân viên... mỗi tháng đã khiến nhiều trung tâm, siêu thị địa ốc “có chi mà không có thu”. Nhiều công ty địa ốc đã phải đóng cửa vì thua lỗ. Đường Trần Não, quận 2, đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Lương Định Của cách đây 1-2 năm chính là địa điểm giao dịch mua bán nhà đất dự án diễn ra nhộn nhịp nhất với hàng trăm trung tâm, công ty kinh doanh địa ốc mọc lên san sát.
Hiện trên cả đoạn đường dài chỉ khoảng chục trung tâm còn hoạt động nhưng khách hàng cũng chỉ lèo tèo vài ba người. Theo nhẩm tính của giới kinh doanh, có vài chục trung tâm trên các đường Trần Não, Lương Định Của đã “biến mất”. Nhiều trung tâm địa ốc trên đường Nguyễn Tri Phương, Chánh Hưng (trước đây rất sôi động với các dự án khu vực quận 8, đường Nguyễn Tri Phương nối dài) cũng phải đóng cửa vì không có khách.
Rất nhiều công ty kinh doanh địa ốc đã từng đăng báo quảng cáo rầm rộ về khả năng thực hiện dự án như: C, VP, ĐVD, TCL, PĐG... hiện cũng vắng bóng trên thị trường. Nhiều công ty dịch vụ địa ốc khác phải dồn sang kinh doanh các loại hình dịch vụ khác như: tư vấn xây dựng, lo giấy tờ hợp thức hóa... Không chỉ những công ty vừa và nhỏ, thậm chí một số công ty được xếp vào hàng “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ địa ốc cũng đã phải giải tán nhiều chi nhánh của mình tại quận 2, 7 vì không có khách hàng.