![]() |
Quá nhiều “rượu Gò Đen” tại Gò Đen, Long An. |
"Có rất ít thương hiệu rượu đang bày bán trên thị trường có kiểm định về chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn, quy định của nhà nước. Hầu hết các loại rượu vẫn được người dân sử dụng là do các cơ sở nhỏ, lẻ. Có cơ sở mặt bằng sản xuất chỉ 9m2, giá bán 1 lít rượu 7.000 đồng, luôn cả chai nhựa. Làm sao rượu gạo hay rượu nếp có giá thành như thế? Chỉ có một cách sản xuất những chai rượu giá bèo: cồn pha nước cộng với mùi! Muốn mùi gì ở chợ Kim Biên cũng có, kể cả mùi nếp, mùi men...", một chuyên gia về rượu đã khẳng định như thế.
Đi dạo một vòng qua những cửa hàng tạp hóa nhỏ, lẻ, những quán nhậu bình dân ở TP HCM... PV Thanh Niên không thể tìm ra một sự bảo chứng về các loại rượu đang được bày bán công khai cho khách nhậu.
Rượu nào khi được hỏi tới cũng được khẳng định là "rượu đế nếp nguyên chất", nhưng đến khi hỏi kỹ về nơi sản xuất thì người bán lại tỏ ra rất mù mờ...
Theo một cán bộ phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế TP HCM thì cơ quan chức năng (Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng) chỉ kiểm tra những cơ sở sản xuất rượu có đăng ký, có công bố chất lượng với cơ quan quản lý.
Trước đây, có tình trạng những người nấu rượu dùng thuốc trừ sâu "bắn" vào rượu để cải thiện tình trạng rượu bị đục sau khi nấu, còn hiện nay họ thường sử dụng cồn công nghiệp để pha thêm vào rượu. Cồn công nghiệp có chứa methanol (CH3OH) với hàm lượng lớn, trong khi methanol có thể gây ngộ độc cấp tính.
Đến nơi từng cho ra đặc sản đế Gò Đen nổi tiếng, giờ đây có cảm giác như rơi vào một mê cung của những thứ rượu trắng đáng ngờ.
Trên một đoạn Quốc lộ 1A chưa đầy 200m xuyên địa danh Gò Đen của huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đếm được hơn 50 cửa hàng bày bán rượu đế với bảng hiệu là một tấm carton kê đứng, mấy cái bình nhựa chứa đầy chất lỏng, đặt sát mép đường.
Tại tất cả các cửa hàng bán rượu ở đây, dù cố tìm cũng không lấy đâu ra được một thông tin về các lò nấu rượu ở Gò Đen. Không cửa hàng nào chứng minh được cho khách nguồn gốc loại rượu họ bày bán, chứng nhận rượu đã qua kiểm định chất lượng, thành phần...
Ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cảnh báo: "Tất cả những tụ điểm kinh doanh rượu dọc tuyến Quốc lộ 1A đều không có đăng ký, nếu mua thì coi chừng rượu giả, không an toàn tính mạng. Tại đây, không một cơ sở sản xuất nào cho ra lò loại rượu mang thương hiệu Gò Đen. Tóm lại, các cửa hàng bán rượu ở khu vực Gò Đen không chịu bất kỳ một sự quản lý nào của cơ quan chức năng địa phương. Chúng tôi đến thì họ chạy, chúng tôi đi thì họ lại tiếp tục bày ra bán tiếp".
Cuối tháng 4, từ vụ 10 người liên tiếp chết vì bị ngộ độc methanol, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh An Giang đã lấy 100 mẫu rượu trắng từ các cơ sở sản xuất, điểm bán lẻ trên địa bàn 2 huyện Phú Tân, Tân Châu và TP Long Xuyên để xét nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy có đến 99% mẫu rượu không đạt tiêu chuẩn. Điều này cho thấy rượu không đạt chất lượng đang là một nguy cơ thực sự đối với cộng đồng.
Theo một số chuyên gia trong ngành rượu, trong quy trình nấu rượu, khâu chưng cất chiếm một vị trí rất quan trọng. Nếu người nấu khống chế được nhiệt độ, áp suất thì sẽ tách được một số chất có hại trong rượu như: methanol, acid, furfurol, aldehyt, acétaldehyt... Nhưng tại một số lò nấu rượu thủ công, do thiết bị đơn sơ, thiếu kiến thức khoa học cần thiết, những chất này không được tách ra, hòa lẫn trong rượu thành phẩm. Chưa hết, trong quá trình xử lý nhiên liệu, nuôi cấy, ủ men... những loại tạp chất và men, mốc không cần thiết vẫn còn, tác động xấu đến chất lượng và độ ổn định của rượu. Rượu chứa quá nhiều methanol (uống vào làm môi hơi tê) chỉ cần 1 xị là đủ đe dọa tính mạng một người; rượu chứa nhiều chất gốc acid gây khát nước, tê họng, lở niêm mạc bao tử, xuất huyết bao tử; rượu chứa nhiều aldehyt sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương... |
Ngày xưa, rượu thường được chôn dưới đất (làm thành rượu lâu năm) và trong quá trình lão hóa, những chất có hại trong rượu dần dần được chuyển hóa. Bây giờ, hầu hết các loại rượu vừa cất xong là xuất xưởng, tung ra thị trường để tiêu thụ ngay, chẳng ai quan tâm đến những chất độc hại còn trong rượu - kể cả người bán và người nấu rượu.
Các cơ quan chức năng địa phương cũng không thể kiểm tra ngay tại nơi sản xuất bởi các cơ sở (hoặc lò) nấu rượu không hề đăng ký và chịu bất cứ một sự ràng buộc pháp luật nào. Chưa kể việc những lít rượu trên đường từ lò đến tay người tiêu dùng còn được pha thêm với bao nhiêu là thứ để tăng lợi nhuận, giảm giá thành...