"Nếu thấy quy trình sản xuất một chiếc bao xốp (nilông) thì chẳng còn dám ăn một ổ bánh mì được lấy từ bịch nilông ra", S., một người làm trong ngành nhựa, "khều nhẹ” trước khi cùng chúng tôi đi tìm hiểu quy trình sản xuất nhựa tái chế. Theo S., nhiều sản phẩm nhựa trên thị trường đều được làm từ hạt nhựa tái sinh với nguồn phế liệu là... rác.
Khu Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh, TP HCM) là một địa điểm thu mua phế liệu nhộn nhịp của thành phố. Tại đây, người ta thu mua mọi thứ từ phế liệu gỗ, nhôm, sắt thép, bêtông nhưng nhiều nhất vẫn là nhựa phế liệu.
Xôi khúc nóng đựng trong hộp xốp cho khách hàng (ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM). |
Bãi thu mua phế liệu nhìn không khác gì bãi rác. Trong bãi rác có thể tìm thấy mọi thứ làm bằng nhựa đã biến dạng hoặc không thể sử dụng được như mành nhựa cuốn, ống nhựa bảo vệ điện đến những que nhựa phế thải. Theo một người làm ở đây, phế liệu được thu mua từ những người mua ve chai chỉ cần rửa sơ qua rồi băm nhỏ là đưa vào lò tạo hạt. "Gần như nhựa tái sinh đều được "hồi sinh" từ đống phế liệu này", L., một người xử lý phế liệu, nói.
Nhựa muốn tái chế được phải qua công đoạn bằm và phơi khô. Những loại nhựa dơ bẩn sẽ được rửa sơ và đem phơi khô trước khi bằm. Quy trình sản xuất một sản phẩm nhựa thường được "chuyên môn hóa" từng khâu cụ thể với các bước: thu gom phế liệu, phân loại (xử lý) phế liệu, tái chế hạt nhựa và gia nhiệt để tạo ra sản phẩm.
Theo các nhà sản xuất trong ngành nhựa, nguyên liệu nhựa tái sinh được thu gom từ ba nguồn chính. Thứ nhất, do các công ty sản xuất sản phẩm nhựa nhập khẩu. Nhựa từ nguồn này tương đối đảm bảo chất lượng. Thứ hai, nhựa đã qua chế biến phát sinh trong quá trình sản xuất của các công ty sản xuất sản phẩm. Thứ ba, nhựa thu gom từ ve chai, bãi rác.
Mặc dù hầu hết các sản phẩm bịch xốp chủ yếu được làm từ nguồn nhựa tái sinh nhưng giới trong nghề nhựa chia thành hai loại: phế sạch và phế bẩn. Phế sạch là những mặt hàng bị lỗi, những phần thừa phát sinh trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa (chưa qua sử dụng), để tiết kiệm chi phí, nhiều nhà sản xuất dùng để sản xuất lại. Các sản phẩm từ nguyên liệu phế sạch có đặc điểm không mùi, có độ trong, dẻo (co dãn) và bền. Sản phẩm làm từ nguyên liệu phế bẩn có mùi hôi nồng (một số có mùi khét), rất dễ rách (chỉ cần vết xước nhỏ là có thể xé ra làm đôi), bề mặt sần sùi, không mịn do lẫn nhiều tạp chất, chưa kể rất mất vệ sinh. Các phế bẩn được thu gom từ ve chai, điểm thu mua phế liệu hoặc bãi rác. |
Tại khu vực Phan Anh nối đường Bến Bình Đông (quận 8, TP HCM) những chiếc xe tải chở hàng tấn phế liệu về "căn cứ", tiếp tục cho vòng tròn tái sinh đời nhựa. Dọc bờ kênh Bình Đông, nhiều người ra đây để rửa phế liệu, nilông các loại. Chỉ với một vài công đoạn giặt thô sơ, mùi hôi thối "xộc thẳng vào óc" từ bao nilông không giảm đi chút nào nhưng vẫn được đưa vào máy bằm và nấu ở nhiệt độ 150-200 độ C để tạo ra hạt nhựa, biến thành những chiếc bao nilông khác. Đó là những chiếc bao nilông các bà nội trợ vẫn dùng để đi chợ đựng thực phẩm hằng ngày.
S. cho rằng với nhiệt độ nung chảy hạt nhựa không quá 200 độ C thì việc khử hết mùi hôi, vi khuẩn là không thể. "Không ai lại đi nung quá độ trên bởi không những tốn chi phí nguyên liệu đốt mà còn dễ làm nhựa cháy. Nếu không có vòng tròn này thì một lượng lớn rác thải, phế liệu nhựa sẽ không biết đi đâu về đâu khi 80% nhựa tái sinh là từ các bãi rác", S. nói.
Trong những ngày khảo sát tại các khu mua bán phế liệu, điều làm chúng tôi kinh hoàng nhất là những loại nilông được lấy từ các bãi rác về tái chế. Những bao nilông qua sử dụng được lượm lặt từ bãi rác, bờ kênh... ở mọi "xó xỉnh" của thành phố. Chúng rất dơ và hôi hám dù có dùng thuốc tẩy cũng không thể khử hết mùi.
Theo một giám đốc công ty nhựa, ở nước ngoài, chất liệu nhựa PVC, nhựa PS bị cấm trong sản xuất hộp đựng thực phẩm. Thế nhưng tại VN vẫn chưa có quy định cụ thể. Trong đó, nhựa PS dùng để sản xuất hộp đựng thực phẩm dạng xốp đang được sử dụng nhiều trong các quán bán cơm hộp chỉ đựng được thức ăn nguội chứ tuyệt đối không được đựng thức ăn nóng. Với nhiệt độ 150-200 độ C các vi khuẩn khó bị khử, do vậy những chiếc bao nilông tưởng chừng như vô hại lại ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn vẫn được dùng để đựng bánh mì, trái cây, thức ăn...
Một kg hạt nhựa tái sinh có giá 14.000-22.000 đồng tùy chất lượng hạt nhựa. Trong khi đó một ký hạt keo gin giá từ 24.500 đến 24.900 đồng. Giá nhựa nguyên liệu nhập khẩu hiện nay đang cao, một tấn đạt mức 1.400 USD thì việc dùng hạt nhựa tái sinh là sự lựa chọn của nhiều nhà sản xuất sản phẩm nhựa. "Một số nhà sản xuất khó tính hơn có yêu cầu pha thêm keo giá cao nhất cũng chỉ 22.000 đồng, vẫn thấp hơn giá nhựa nhập khẩu 2.000-3.000 đồng một kg", giám đốc trên phân tích. Thị trường nhựa tái sinh đang trong mùa sốt. "Dạo này hàng hiếm lắm, người ta giành nhau mua hạt nhựa mà không có”, C., một người thu mua phế liệu nhựa, cho biết. Như để chứng minh thêm, C. cầm cái hộp đựng thìa, đũa bằng nhựa trên bàn, nói: "Chị thấy đấy, bát chén, đũa, muỗng, thau chậu... đều bằng nhựa hết. Có cái gì không cần tới nhựa đâu!".
Theo Hiệp hội Nhựa TP HCM, quan trọng nhất là nguyên liệu để sản xuất hộp nhựa bảo quản thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải dùng đúng nguyên liệu chuyên dùng để sản xuất hộp đựng thực phẩm. Thế nhưng thị trường hạt nhựa tái chế chỉ dựa vào nguyên tắc "thuận mua vừa bán", khách đến mua hạt nhựa chỉ nói cần loại nào là bán. "Dân trong nghề với nhau nên mua chỉ cần alô xong là hàng giao ngay", chị H., quản lý một xưởng sản xuất nhựa tái sinh, cho biết.
Hiểm họa tiềm ẩn từ những đồ dùng nhựa vẫn đang bỏ ngỏ khi chưa có một quy định rõ ràng nào dành cho nhựa thực phẩm.
(Theo Tuổi Trẻ)