Bắt "bệnh"
Chị để ý, những "triệu chứng" này của chồng thường diễn ra khá đều đặn, khoảng một lần một tuần.
Có lần chị gặng hỏi: "Anh buồn vợ con chuyện gì à?", anh vẫn dán mắt vào tờ báo, trả lời hờ hững: "Có gì đâu". Chị vặn thêm: "Không có chuyện gì sao anh lại trốn vào đây?" thì chồng nổi cáu: "Mệt quá, không lẽ anh không được làm những gì theo ý mình?". Chị Minh oà khóc: "Mẹ con em không quan trọng đối với anh nữa mà, anh muốn làm gì thì làm", rồi bỏ ra khỏi phòng.
Còn chị Lan Anh lại nghi hoặc khi thỉnh thoảng thấy chồng nằm cạnh vợ mà tay gác lên trán, nhìn trần nhà trân trong trong khi chị đang kể đủ thứ chuyện. Lay mãi, anh mới giật mình, trả lời vài câu chẳng ăn nhập gì đến chuyện vợ đang nói.
Khi chị hỏi cũng bị anh nổi cáu: "Anh lấy vợ hay bị cầm tù vậy? Không thoải mái với nhau một chút được sao?".
Bốc "thuốc"
Khi phụ nữ stress, họ thường có nhu cầu được nói thật nhiều và cần người nghe. Ngược lại, khi căng thẳng, đàn ông muốn im lặng, tìm chốn riêng, làm những gì mình thích mà không bị ai quấy rầy, kể cả vợ con.
Thực tế, nếu hai vợ chồng cùng có nhu cầu được xả stress sẽ xảy ra trường hợp: chồng muốn trốn vào góc riêng, vợ thì bám theo để "làm phiền", vậy là xảy ra xung đột. Khi đó, người vợ dễ hiểu lầm là bị chồng bỏ rơi, lạnh nhạt, có khi còn nghi ngờ chồng đã chuyển mối quan tâm đến một phụ nữ khác khiến sự việc càng thêm rắc rối.
Khi người chồng tức giận hoặc căng thẳng, bức bối một chuyện gì đó, họ ít khi hé răng cho vợ biết lý do, cũng không trút gánh nặng lên vợ con mà có xu hướng rút vào "khoảng trời riêng" để nghiền ngẫm. Chỉ đến khi tìm được giải pháp khả thi, họ mới khoan khoái bước ra. Nếu chưa nghĩ ra, họ sẽ kiếm cái gì đó như báo, sách, TV, thể thao... để nhanh chóng quên đi chuyện lùm xùm trong đầu.
Nếu tình trạng trầm trọng quá, họ có thể sẽ đóng sập cửa phòng và không muốn ai quấy rầy trong một thời gian dài. Khi ở trong "hang", càng ít bị quấy rầy bao nhiêu họ sẽ càng sớm ra khỏi "hang" bấy nhiêu.
Nhu cầu này của các đấng mày râu cần được người vợ tôn trọng. Tuy nhiên, không vì thế mà chị em bị thiệt thòi. Khi được "vào hang" một cách thoải mái, lúc trở ra, chồng bạn sẽ tỏ ra khoẻ khoắn, yêu đời và thương vợ con hẳn lên. Có người còn hứng chí tự động dọn dẹp nhà cửa và mua hoa tặng vợ.
Mới đây, chị Phúc Hậu, một "nạn nhân" của việc bị chồng thỉnh thoảng lạnh nhạt mà không hiểu nguyên do, bộc bạch: Sau khi cả hai được tư vấn, họ đã hiểu ra vấn đề. Chị cảm thấy thoải mái khi hiểu chồng mình chỉ cần tìm chốn thư giãn riêng chứ không phải đó là dấu hiệu của bội bạc. Khi đang nói mà linh cảm thấy chồng lơ đễnh, chị ý nhị ngưng ngay. Cách cư xử của vợ khiến anh xã cảm thấy mình được tôn trọng và sớm "bò" ra.
Còn anh cũng biết để ý đến vợ hơn. Nếu thấy chị đang quá khủng hoảng về tinh thần, cần được sẻ chia, anh sẽ tạm nén nhu cầu riêng để quan tâm đến vợ hơn. Anh cũng học cách lắng nghe và vỡ lẽ: Một khi vợ được lắng nghe thì sẽ bớt bám víu, "làm phiền" người khác.
(Theo Phụ Nữ)