Trà Sư, khác vườn chim Đồng Tháp hay Cà Mau, trong cái nhìn của giới làm du lịch vẫn được xem là vùng rừng bị bỏ quên. Có lẽ nhờ đó mà nơi đây còn giữ nguyên hoang dã, không gian của chim chóc trú ngụ, tìm thức ăn và sinh nở.
Chiếc tắc ráng chở 6 người do anh Thế Dũng, người từng khảo sát tour này cách nay không lâu hướng dẫn xuyên qua những cánh đồng ngập nước xanh rờn những đám cỏ dại đẹp như lướt trên một bức tranh thuỷ mặc. Thi thoảng, tiếng nổ của tắc ráng làm cho những đàn cò trên ngọn cây vụt bay trắng trời. Trên những ào rừng, hai bên bụi cây, lũ chim dòng dọc chốc chốc bay vụt ra làm giật mình những kẻ phá bĩnh sự bình yên của rừng.
Khi đã lọt vào trảng cỏ ngập nước giữa rừng sâu, người lái tắc ráng chỉ tay về phía mặt trời lặn, bảo đó là khu vực của lùm cây cao, nơi trú ngụ của những đàn dơi quạ. Đây là giống dơi lớn, có tiếng kêu quàng quạc và màu đen tuyền như quạ, ban đêm kiếm mồi, ngày treo mình đen kín trên những lùm cây cao và đánh giấc. Còn phía đông lại là vùng rừng rậm của những cây tràm mọc san sát, nơi làm tổ lý tưởng của loài cò trắng, sếu, dòng dọc, le le, cuốc cuốc... Loài chim ở đây cũng phân vùng cát cứ một cách khá rõ tuỳ vào điều kiện sinh thái.
Chúng tôi vào sâu trong rừng phía tây. Tiếng tắc ráng đánh thức giấc ngủ ngày của những bầy dơi, cả cánh rừng rộn ràng náo nhiệt. Những con dơi thức canh đã kêu ráo riết, phát tín hiệu cho cả đàn thức giấc. Một bầu trời bị che kín đen đặc bởi những cánh dơi thật to. Có con sải cánh dài đến gần cả mét như trong những đoạn phim viễn tưởng.
Hoạt động của bầy dơi quạ này cũng đầy bí ẩn. Khoảng tháng 12, chúng thiên di về phía tây và tháng 5 - 6 khi trời ấm, nước bắt đầu lớn thì kéo nhau về. Người giữ rừng cho biết "dân số" của loài dơi sau mỗi năm tăng lên thấy rõ. Có những đêm trăng mùa hạ, chúng bay về đen nghịt, tiếng kêu dậy cả một cánh rừng.
Tắt máy tắc ráng và êm ả lướt vào sâu bên trong, đi xuyên qua những đám cỏ ống và bụi rậm lắp xắp mặt nước. Trước mắt hiện lên những cảnh tượng hiếm thấy: càng vào sâu, những lùm cây càng được đan kín bằng những "chùm" dơi quạ treo ngược lủng lẳng. Dù được những con dơi thức canh vỗ cánh phành phạch đánh thức báo có kẻ đột nhập, nhưng bọn dơi ngái ngủ vẫn chưa chịu bỏ giấc ngủ say lúc xế chiều.
Đó là lưu ý của người dẫn đường khi chúng tôi cho tắc ráng vào trong cánh rừng phía đông. Một cánh rừng đẹp và yên ả. Vào những lạch nước nhỏ ở đây, chỉ có thể tắt máy chèo. Một tiếng động cơ cũng khiến cho cả cánh rừng bị xáo trộn. Bọn chim dòng dọc, le le, cò… tỏ ra nhạy cảm hơn mấy anh dơi quạ láng giềng ngủ ngày ở cánh rừng bên cạnh.
Trước đó, chúng tôi đã leo cầu khỉ sang cồn, một số người lên đài quan sát toàn cánh rừng này. Nhìn từ trên cao, đây là một vùng sinh thái rậm rạp và chằng chịt những lạch nước có thể đi xuyên nếu quen đường. Nhưng nó sẽ là ma trận cho những kẻ chưa quen xác định hướng dưới những tán cây phủ rợp.
Tiến vào vùng chim cò. Trên đầu san sát những tổ cò, tiếng chim con kêu chiêm chiếp, nhiều người mục kích săn được cả cảnh chim mẹ đút mồi cho bầy chim con háu đói. Mùa nước nổi, tôm cá nhiều cũng là thời gian sinh sôi nảy nở của loài dòng dọc, le le, cuốc cuốc, vạc và cò trắng. Lướt dưới những tán cây, những tổ chim non, những con chim chập chững tập bay trên đầu và có khi chúng tôi còn được thấy tận mắt những chiếc tổ đan sơ sài thế mà giữ được mấy quả trứng hồng…
Khe khẽ lướt qua và bấm máy liên tục, nhưng tuyệt đối không dám vít cành cây nào vì những chiếc tổ chim trên đầu có vẻ mong manh vô cùng. Thỉnh thoảng ngước nhìn lên những đọt cây cao, bạn sẽ mục kích được vũ điệu vào mùa ái ân của đàn cò trắng hoang dã.
Sự chọn lựa sinh thái quả là một điều bí ẩn kỳ diệu của Trà Sư. Điều đó cũng làm nên sức hấp dẫn giấu bên trong cánh rừng hoang dã này nhưng lại ái ngại khi nghĩ đến một ngày du lịch đặt chân vào. Liệu giấc ngủ của lũ dơi quạ hay sự bình yên của những tổ chim non kia có còn được yên? Du lịch sinh thái phải tìm cách giải quyết được nghịch lý này.
Rừng sinh thái quốc gia Trà Sư (Tịnh Biên - An Giang), cách Long Xuyên 60km, giáp Tri Tôn - biên giới Campuchia, thuộc quyền quản lý của kiểm lâm An Giang. Thống kê năm 1990 có 62 loài chim. Nhưng thống kê năm 2005 của ông Nguyễn Cử cho biết có 70 loài chim, trong đó có những loài thuộc Sách đỏ: điên điển, dòng dọc, cò đen… Trước 1990 là rừng hoang, những năm 2004 - 2005 mới có đưa đón du lịch. Giá đi tắc ráng: 300.000 đồng/6 người/buổi; giá xe đạp đôi: 20.000 đồng/xe/buổi. |
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)