Chủ nhật, 26/11/2023, 00:05 (GMT+7)

Khách đổ về Nhà máy xe lửa Gia Lâm xem triển lãm sáng tạo

Hà NộiDu khách có cơ hội đi 'đoàn tàu ký ức', tham quan nhiều không gian nghệ thuật trong nhà máy hơn 100 năm tuổi.

Những ngày gần đây, người dân thủ đô có dịp tham dự các hoạt động độc đáo tại Lễ hội thiết kế sáng tạo 2023, diễn ra tại nhiều địa điểm. Trong đó, tâm điểm của lễ hội là Nhà ga xe lửa Gia Lâm với tuổi đời hơn một trăm năm, nằm trên đường Ngọc Lâm (quận Long Biên).

Du khách có thể trải nghiệm hoạt động 'Đoàn tàu ký ức', xuất phát từ ga Hà Nội, đi qua ga Long Biên và dừng tại ga Gia Lâm. Đây là lần hiếm hoi người dân được ngồi trên chuyến tàu nội đô, đi qua những con phố thân thuộc. Toa tàu cũng được thiết kế lại với nhiều không gian sinh hoạt và thường xuyên có nghệ sĩ biểu diễn.

Giá vé một chiều chỉ 20.000 đồng, thường xuyên hết sớm do nhu cầu tăng cao. Mỗi ngày sẽ có hai chuyến tàu chạy từ ga Hà Nội đến ga Gia Lâm lúc 8h và 13h20. Chiều về lúc 10h50 và 16h, kéo dài từ ngày 17/11 đến 28/11. Ảnh: Hoàng Duy

Đầu máy xe lửa hơi nước mang số hiệu 141-179 (đầu máy Tự lực) là một trong ba đầu xe lửa hơi nước được các kỹ sư Xí nghiệp đầu máy xe lửa Gia Lâm nghiên cứu thiết kế và sản xuất năm 1964. Đầu máy được trưng bày ở khu vực vườn nhãn, du khách có thể chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thành lập năm 1905 với tổng diện tích 20 ha. Để phục vụ lễ hội, các phân xưởng 3B1, 3B2, 5B, trạm điện 33B được biến đổi để trở thành không gian triển lãm với 16 phân khu kết hợp hiệu ứng thị giác độc đáo.

Triển lãm sắp đặt 'Tiếng gọi' của họa sĩ Thu Trần, là một trong những hạng mục hút khách tham quan. Đây là nơi trưng bày các tác phẩm trên chất liệu lụa và tổng hợp theo trường phái ấn tượng - biểu hiện, khắc họa tính nữ vĩnh cửu của Mẹ Thiên nhiên.

Lễ hội tích hợp nhiều công nghệ hiện đại nên du khách có thể quét mã QR để tìm hiểu thông tin của các triển lãm. Lịch trình mỗi ngày cũng được cập nhật đều đặn trên webiste và fanpage.

Ngoài các triển lãm nghệ thuật, lễ hội còn trưng bày và giới thiệu những thành tựu của nền công nghiệp Việt Nam trước đây như nhà máy dệt 8/3, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, khu Cao - Xà - Lá, nhà máy rượu Lò Đúc...

Lễ hội khai mạc từ ngày 17/11 nhưng 'chính hội' là hai ngày 25 và 26/11 với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong gần 10 ngày tổ chức, lễ hội có 9 show nghệ thuật, 15 hội thảo - tọa đàm cùng các workshop, biểu diễn ca nhạc. Nhiều hoạt động diễn ra cùng một lúc nên du khách cần kiểm tra lịch trình để không bỏ lỡ.

Ngoài ra, ngày 25 và 26/11, một hội chợ đồ thủ công sáng tạo được tổ chức. Các đơn vị, cá nhân mang nhiều mặt hàng tới bày bán như túi xách, postcard, đồ trang sức, quần áo thiết kế, tranh, ảnh, đồ trang trí...

Không gian ngoài trời của lễ hội trưng bày một số mô hình như đầu kéo xe lửa. Khá đông du khách nước ngoài biết tới thông tin về lễ hội đã tới tìm hiểu, tham quan. Hầu hết các hạng mục đều có hướng dẫn song ngữ Việt - Anh.

Các nhà xưởng được giữ nguyên vẹn vẻ xưa cũ, đem lại cảm giác khác lạ cho du khách tham quan. Nhiều góc sắp đặt đầy tính nghệ thuật, phù hợp để 'sống ảo'. Ảnh: Hoàng Duy

Thời tiết cuối tuần này khá dễ chịu, mát mẻ, nắng ráo nên nhiều gia đình cho con nhỏ tới đây vui chơi, tham quan. Khuôn viên nhà máy khá rộng nên sẽ mất ít nhất nửa buổi để đi hết các khu vực.

Nhiều góc nhà xưởng trở thành tác phẩm nghệ thuật tranh tường. Mô hình biến nhà máy cũ trở thành công viên sáng tạo từng khá thành công ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, thu hút các nghệ sĩ và khách tham quan.

Khu vực tháp nước 'nở hoa' qua bàn tay của các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, nhà máy còn nhiều khoảng không gian xanh như vườn cây, hồ nước, trở thành điểm vui chơi trong lành cho ngày cuối tuần.

Khu vực tuyến đường ẩm thực với nhiều gian hàng từ đồ ăn, đồ uống, nghỉ chân cho du khách.

Nhà ga xe lửa Gia Lâm
 
 

'Đoàn tàu ký ức' di chuyển từ ga Hà Nội tới ga Gia Lâm. Video: Hoàng Duy

Bài và ảnh: Nguyên Chi

Nguyên Chi

Đánh giá phiên bản mới