Vào một buổi chiều tháng 9/2002, Lại Duy Thư đi thăm bạn bè trở về nhà thì thấy cửa bị khóa trái. Lại nghi đã xảy ra việc chẳng lành, liền rút điện thoại di động gọi vào nhà. Chuông điện thoại trong nhà kêu liên hồi nhưng không ai nhận. Đột nhiên, trong nhà vọng ra tiếng kêu cứu thất thanh. Lại hốt hoảng, đoán chắc vợ mình đang bị bọn cướp khống chế, liền gọi điện thoại báo công an. Ngay khi ấy, ở phía sau nhà có hai bóng người di chuyển rất nhanh, một lên lầu và một xuống lầu rồi biến mất...
Sau đó không lâu, 110 dân cảnh đã có mặt tại hiện trường. Theo chỉ dẫn của Lại Duy Thư, các dân cảnh đã lên lầu. Không phải tốn nhiều thời gian họ đã tóm được tên trộm. Tên trộm tỏ ra bình tĩnh, hắn khai tên Trần Kiến Hoa và nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của dân cảnh.
Qua kiểm tra xác định gia đình Lại Duy Thư mất 20.000 nhân dân tệ (NDT), một số đô la Mỹ và Hong Kong cùng đồ trang sức... Lại Duy Thư hồi làm giám đốc Sở Cấp điện Cơ Giang được tiếng là người quan tâm đến đời sống công nhân viên, do vậy sau khi nghỉ hưu xem như đã “hạ cánh an toàn”.
Thế nhưng, sau vụ bắt trộm được mấy ngày, một nhân viên bảo vệ của cơ quan chính quyền thành phố Giang Tân nhận được lá thư của Trần Kiến Hoa tố cáo Lại Duy Thư tham nhũng. Trong thư có đoạn viết: "Chúng tôi trộm tiền nhà ông giám đốc Lại Duy Thư là bởi nghe tin ông ấy đã nhận những đồng tiền đen của người khác”. Để chứng minh lập luận này, trong thư đã nêu nhiều tình tiết về Lại Duy Thư nhận tiền hối lộ như thế nào, nhận của ai... Nhân viên bảo vệ lập tức chuyển thư tố giác lên Viện Kiểm sát thành phố Giang Tân.
Tháng 3/2003, Cục Điều tra tội phạm có chức vụ thuộc Viện Kiểm sát thành phố Giang Tân lần theo những manh mối trong thư tố giác của Trần Kiến Hoa tiến hành điều tra sơ bộ. Theo thư tố giác này, Trần có một người bạn họ Vương làm nghề thầu xây dựng. Năm 1996, Vương nhờ Lại Duy Thư giúp đỡ nên được nhận một công trình và cho Lại nhiều tiền. Nhưng sau đó giữa Vương và Lại phát sinh mâu thuẫn, Vương tức giận đòi lại số tiền trên, nếu không Vương sẽ tố cáo Lại nhận hối lộ...
Mối quan hệ trên được xem là đầu mối quan trọng. Các cán bộ lập án nhanh chóng liên hệ với Công an thành phố Giang Tân để phối hợp điều tra. Sau đó mấy ngày, họ bí mật báo cho Vương từ thành phố Nam Xung, tỉnh Tứ Xuyên đến Giang Tân để khai báo việc này. Sau khi được nói rõ mục đích của việc làm, Vương thú nhận: Năm 1996, tôi quen ông Lại Duy Thư qua một người bạn họ Long làm việc tại Sở Cấp điện Cơ Giang. Khi đó tôi muốn được nhận thầu công trình điện ánh sáng trang trí thành phố của Sở Cấp điện Cơ Giang nên nhờ ông Lại giúp đỡ. Qua mấy lần thương thảo, cuối cùng tôi được nhận công trình này. Sau hai năm hoàn thành công trình, tôi biếu ông Lại 136.000 NDT. Sau đó xảy ra nhiều chuyện rắc rối, tôi đã nhờ anh Long đòi lại số tiền trên. Nhưng ông Lại cũng chưa trả lại tiền".
Những chi tiết Vương khai báo đều khớp với thư tố giác của Trần Kiến Hoa. Sau đó, các cán bộ lập án kiểm tra tiền gửi của gia đình Lại Duy Thư tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Công thương, thấy thời gian gửi tiền và số tiền được gửi của gia đình Lại Duy Thư khớp với lời khai của Vương. Long cũng xác nhận điều này.
Lại Duy Thư được triệu đến Viện Kiểm sát thành phố Giang Tân để trình bày sự việc. Đối mặt với những chứng cứ rõ ràng mà cán bộ kiểm sát đưa ra, Lại thừa nhận có nhận số tiền 136.000 NDT của Vương.
Ngay trong hôm đó, Viện Kiểm sát Giang Tân ra quyết định bắt tạm giam Lại Duy Thư. Nhưng khi cán bộ lập án tuyên bố lệnh bắt, Lại Duy Thư liền phản cung, không thừa nhận việc nhận tiền của họ Vương là phạm pháp. Chính trong những lời bào chữa quanh co của Lại Duy Thư đã để lộ nhiều tình tiết khả nghi, được xem là những "gợi ý" đối với cơ quan kiểm sát.
Các cán bộ lập án lần theo những lời khai của Lại Duy Thư để đi sâu kiểm tra tiếp. Qua kiểm tra các chứng từ kế toán của Sở Cấp điện Cơ Giang, họ phát hiện trong khoản mục điện ánh sáng trang trí thành phố Giang Tân của Sở Cấp điện Cơ Giang từ 1996-1998 có bốn tờ hóa đơn rất khả nghi, đều do Lại Duy Thư ký. Bốn tờ hóa đơn này ghi rõ Sở Cấp điện Cơ Giang mua vật tư của một công ty cung ứng vật tư thành phố Giang Tân, nhưng qua điều tra cụ thể thì bốn tờ hóa đơn này thuộc loại "đầu to đuôi nhỏ", tức số tiền Sở Cấp điện Cơ Giang mua vật tư ghi trong hóa đơn lớn hơn nhiều so với vật tư nhập kho thực tế.
Sau đó kiểm tra tiếp, các cán bộ kiểm sát đã phát hiện một bộ "sổ sách ngoài sổ sách" của sở cấp điện này. Đó là "số tiền thưởng" cho công nhân viên sở từ năm 1996-2001, nguồn thu cho sổ tiền thưởng này là do "hợp tác với ngoài" mà có. Thực tế đã hình thành một "kho bạc nhỏ" với số tiền lên đến 8 triệu NDT do làm hóa đơn giả.
Tính đến tháng 5/2003, Sở Cấp điện Cơ Giang có 99 hóa đơn giả. Trong số này có một số mua vật tư ghi nhiều hơn số thực tế; một số khác thì không phát sinh nghiệp vụ nhưng vẫn có hóa đơn. Qua kiểm định của kế toán tư pháp, nhân viên thực hiện những hóa đơn giả này có nhiều người nhưng ký duyệt chỉ có hai người: giám đốc Lại Duy Thư và người kế nhiệm là ông Tô.
Theo Tuổi Trẻ, đầu tháng 6 vừa rồi, Viện Kiểm sát thành phố Giang Tân lập án kiểm tra đối với ông Tô. Tính ra trong sáu năm, Sở Cấp điện Cơ Giang đã bỏ túi 8 triệu NDT từ nguồn "hợp tác với ngoài", riêng Lại Duy Thư hưởng ít nhất 80.000 NDT trong số tiền này.
Theo quyết định của Tòa án thành phố Giang Tân, Lại Duy Thư không những bị phạt 4 năm tù mà còn bị phạt 20.000 NDT, đồng thời phải nộp vào kho bạc nhà nước tiền nhận hối lộ và tiền phân chia phi pháp 190.000 NDT. Riêng tên trộm Trần Kiến Hoa phải ngồi tù 12 năm và bị phạt tiền 5.000 NDT. Những người khác có liên quan cũng phải nhận những hình phạt nghiêm khắc.