Sau loạt dự án linh dị, kinh dị cổ trang gây tiếng vang (Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn, Cám), đạo diễn Trần Hữu Tấn chọn hướng đi mới với thể loại tâm lý, gây ám ảnh. Kịch bản khai thác đề tài "song trùng" - chỉ những người không cùng huyết thống nhưng ngoại hình giống hệt nhau.
"Dưới đáy hồ lấy cảm hứng từ những vụ việc thương tâm, câu chuyện bí ẩn truyền miệng phổ biến ở hồ đá làng đại học (Thủ Đức)", đạo diễn cho hay.
Ở những cảnh đầu, khán giả cảm nhận rõ sự bí bách, ngột ngạt, ám ảnh. Đoàn phim tận dụng tối đa bối cảnh hồ đá ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi nổi tiếng vừa đẹp nên thơ, vừa nguy hiểm. Trong trường đoạn quay dưới nước, êkíp kết hợp ánh sáng lạnh, âm thanh rỉ rả nhằm tạo cảm giác chân thực, như thể người xem đang chìm xuống đáy hồ cùng nhân vật.
Karen Nguyễn - từng thành công với vai người thứ ba sắc sảo, quyến rũ - lột xác khi hóa thân Tú, nhân vật mang nhiều tổn thương và song trùng của Tú - được mô tả quỷ quyệt, tàn bạo không giới hạn.

Karen Nguyễn lột xác khi hóa song trùng quỷ quyệt. Ảnh: Production Q
Karen cho biết cô nghiên cứu kỹ tâm lý nhân vật, lăn xả trong những cảnh khóc, bần thần, rũ rượi (vai Tú) và hóa điên nữ khi nhập vai song trùng của Tú. Người đẹp tự thực hiện nhiều pha hành động mạo hiểm, nhảy hồ, biểu cảm đa dạng dưới nước.
"Karen trưởng thành về kỹ năng diễn xuất lẫn cảm xúc, là ‘linh hồn’ phim Dưới đáy hồ. Trong tương lai, cô ấy có thể cân các vai nữ chính nặng ký", đạo diễn Trần Hữu Tấn nhận xét.
Kay Trần lần đầu đóng vai si tình thầm lặng, ít nói. Thanh Duy hóa thân Hùng - chuyên viên trang điểm hài hước kiêm nghệ sĩ drag queen Kylie. Hai Anh trai vượt ngàn chông gai có nhiều cảnh cảm động, hài hước, phần nào làm nhẹ bớt sự u tối.
Nguyên Thảo thủ vai Yến Đá, không có nhiều đất diễn nhưng là mảnh ghép quan trọng. Cô ghi điểm với loạt thoại hài nhẹ nhàng, tạo cảm giác dễ chịu giữa không khí căng thẳng. Mối quan hệ giữa nhóm bạn không thừa, ngược lại, càng làm bật sự trỗi dậy của các phiên bản song trùng tà ác.

Nhân vật Yến Đá (Nguyên Thảo đóng) cân bằng chất giải trí, giảm căng thăng. Ảnh: Production Q
Yếu tố gây ám ảnh trong Dưới đáy hồ không phải ma quỷ, mà là quá khứ mỗi người cố lẩn tránh. Các bản sao song trùng đại diện cho chấp niệm, ký ức đau đớn - điều nhân vật không dám đối mặt.
Qua các tình tiết, hình ảnh ẩn dụ, đạo diễn Trần Hữu Tấn xoáy sâu vào câu hỏi, buộc người xem phải suy ngẫm: chúng ta có đang sống thật với chính mình? Sau tất cả, phim truyền thông điệp: muốn thoát khỏi bóng tối, mỗi cá nhân buộc phải đối diện với nỗi đau.
Theo đạo diễn, hồ đá ngoài đời (thuộc làng đại học, quận Thủ Đức) vốn được giới trẻ yêu thích, là điểm tụ tập, trò chuyện, tỏ tình lãng mạn, dã ngoại hoặc chụp những bộ ảnh bắt mắt. Về sau, nơi đây được gắn biển "cảnh báo nguy hiểm, cấm đến gần" vì diễn ra nhiều tai nạn kỳ bí, vụ việc thương tâm và đáng ngờ.
Từ những câu chuyện bí ẩn truyền miệng, hồ đá toát lê sự nguy hiểm sau vẻ hoang sơ. "Trên màn ảnh, hồ đá trở thành hồ tử thần, với nhiều yếu tố thị giác hữu hình, cho thấy sự tồn tại một tầng tâm thức u tối như ‘địa ngục bản ngã’. Tầng hồ sâu thẳm của hồ đá là phép ẩn dụ cho góc khuất trong tâm hồn mỗi người", đạo diễn Trần Hữu Tấn lý giải.

Karen Nguyễn, Thanh Duy, Kay Trần lần đầu hợp tác trên màn bạc. Ảnh: Production Q
Không có những màn jumpscare (hù dọa), đẫm máu thường thấy, Dưới đáy hồ đào sâu chất u ám, ánh mắt đen ngòm của các song trùng phủ rêu. Mỗi song trùng đại diện cho một ác niệm được khuếch đại khi chủ nhân nó chọn cách trốn tránh. Êkíp xử lý kỹ hình ảnh, hiệu ứng thị giác và diễn xuất dàn sao.
"Thời lượng 96 phút của phim cũng là hành trình soi chiếu bản ngã, nơi chúng ta giật mình nhận ra: kẻ thù lớn nhất, hóa ra vẫn luôn là chính mình", đạo diễn Trần Hữu Tấn nói thêm.
Dưới đáy hồ công chiếu toàn quốc từ ngày 6/6.
Thiên Hà