Một bồi thẩm đoàn ở Los Angeles đã thảo luận 6 ngày trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về vụ kiện của bà Nancy Cabibi và chồng, ông Phil, chống lại Johnson & Johnson.
Theo đơn kiện, bà Cabibi mắc bệnh u trung biểu mô năm 2017 và đã phải phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị miễn dịch. Các xét nghiệm cho thấy trong bột phấn, sữa tắm của Johnson & Johnson có chứa amiăng, một chất gây ung thư và đây là nguyên nhân khiến bà Cabibi mắc bệnh.
Sản phẩm phấn rôm của Johnson & Johnson. Ảnh: Reuters.
"Bà Nancy Cabibi đang phải chiến đấu để cố giữ mạng sống vì amiăng có trong bột phấn của Johnson & Johnson. Mặc dù hài lòng với phán quyết của tòa, chúng ta cần tiếp tục đấu tranh vì gia đình Cabibi và rất nhiều nạn nhân khác", luật sư David Greenstone tuyên bố.
Các luật sư của Johnson & Johnson lập luận rằng bà Cabibi nhiễm amiăng do sống trong khu vực có nhiều nhà máy ở Los Angles. Tuy nhiên, luật sư của bà Cabibi khẳng định bà chưa từng làm việc hay thậm chí vào trong các cơ sở công nghiệp này.
Hiện tập đoàn Mỹ đối mặt với hơn 14.000 đơn kiện của các nạn nhân. Tất cả đều khẳng định sau thời gian dài sử dụng sản phẩm của Johnson & Johnson, họ mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau như ung thư buồng trứng và u trung biểu mô. Đây đều là những căn bệnh chết người và chi phí điều trị vô cùng tốn kém.
Hồi tháng 7, Johnson & Johnson buộc phải bồi thường 4,44 tỷ USD cho 22 phụ nữ bị mắc các bệnh ung thư liên quan đến amiăng có trong các sản phẩm của hãng. Theo luật sư của các nạn nhân, thực tế Johnson & Johnson đã biết bột phấn của hãng có chứa chất gây ung thư từ hàng chục năm trước, nhưng cố tình che giấu.
Johnson & Johnson là một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng, thiết bị y tế và dược phẩm lớn nhất thế giới với doanh thu 81,6 tỷ USD năm 2018. Dòng sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng là các loại phấn rôm cho trẻ em được hầu hết các bà mẹ tin dùng trong nhiều thập kỷ. Sau thông tin phấn rôm gây ung thư, cổ phiếu Johnson & Johnson lao dốc mạnh và vốn hóa công ty bốc hơi hàng chục tỷ USD.
Sơn Nam (Theo LAT)