Trên Weibo của IQiyi - một nền tảng video trực tuyến nổi tiếng Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới - đơn vị sản xuất show Thanh xuân có bạn 3 lên tiếng xin lỗi: "Trong những ngày qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều những lời chỉ trích từ người dùng, bạn bè trên các phương tiện truyền thông. Chúng tôi cảm thấy rất có lỗi và tự trách mình vì tính tiêu cực của video 'đổ sữa xuống cống'. Chúng tôi xin chân thành xin lỗi vì điều này. Đồng thời, chúng tôi nhắc lại rằng IQiyi kiên quyết phản đối mọi hình thức lãng phí thực phẩm. Chúng tôi sẽ nhìn lại mình để luôn đảm bảo định hướng chính xác các giá trị và xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người".
Theo Sina, nền tảng IQiyi đưa ra ba bước giải quyết vấn đề, sau vụ việc. Thứ nhất, buổi ghi hình và phát sóng trực tiếp Thanh xuân có bạn mùa ba dừng ghi hình ngày 8/5. Êkíp sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng và điều chỉnh lại thể lệ chương trình. Ngoài ra, tất cả các kênh hỗ trợ cho Thanh xuân có bạn 3 đều bị đóng. Với những người đã mua sản phẩm sữa hộp nhưng chưa sử dụng, nền tảng và đơn vị sữa tài trợ cho chương trình sẽ đưa ra giải pháp xử lý thu hồi phù hợp. Mùa thứ ba của Thanh xuân có bạn ban đầu dự kiến phát sóng trực tiếp trận chung kết vào ngày 8/5.
Scandal của đài IQiyi nổ ra hôm cuối tháng 4, khi một video được tung lên mạng, gây xôn xao công chúng. Video cho thấy, nhiều người hâm mộ mua các chai sữa của thương hiệu tài trợ cho show Thanh xuân có bạn 3, sau đó giật nắp, quẹt mã QR trong nắp nhằm lấy điểm thưởng online để ủng hộ thần tượng đang tham gia cuộc thi. Số sữa được khui ra không được uống mà đổ thẳng xuống cống. Đoạn video còn cho thấy nhiều người hâm mộ còn thuê số lượng lớn nhân công lớn tuổi khui hết chai sữa này đến chai sữa khác, đổ sữa vào một thùng lớn, sau đó đổ xuống cống. Chỉ có nắp hộp sữa được dùng để quẹt QR và lấy điểm. Chưa biết liệu thần tượng của fan đó có ra mắt hay không, nhưng có thể thấy rằng chương trình và các nhà tài trợ đã nhận được lợi nhuận khủng nhờ bán sữa. Số chai sữa bị đổ đi ước tính 260.000 chai.
Sau sự việc, êkíp Thanh xuân có bạn 3 bị lệnh tạm dừng ghi hình trực tiếp buổi 3/5. Tài khoản WeChat chính thức của Cục Phát thanh và Truyền hình thành phố Bắc Kinh cho biết yêu cầu dừng ghi hình chương trình vì nhận được rất nhiều phản hồi của quần chúng, liên quan đến các vấn đề của show Thanh xuân có bạn 3. Cục yêu cầu IQiyi nghiêm túc thực hiện trách nhiệm chính của nền tảng mạng nghe nhìn, cải tiến hệ thống quản lý chương trình, kiểm tra kỹ lưỡng và khắc phục những tồn tại.
Theo một số tin đồn, Thanh xuân có bạn 3 hoãn ghi hình vô thời hạn, các thí sinh tham gia rục rịch "ai về nhà nấy".
Đây không phải ồn ào duy nhất của show Thanh xuân có bạn 3. Trước đó, cuối tháng 4, mạng xã hội ồn ào với thông tin Dư Cảnh Thiên - một thí sinh tham gia cuộc thi - có cha mẹ bị buộc tội điều hành một tiệm karaoke liên quan đến ma túy và các nội dung khiêu dâm. Sau đó, cha mẹ thí sinh này lên Weibo khẳng định tiệm karaoke không còn thuộc quyền quản lý của họ từ năm 2018, quyền kinh doanh đã thuộc về người khác từ 2019. Vụ ồn ào gây chú ý, nhiều người yêu cầu Dư Cảnh Thiên phải rời show. Tuy nhiên, đối với thái độ căng thẳng này của nhóm người không ủng hộ, fan của Dư Cảnh Thiên như được kích thích. Thậm chí họ còn đổ thêm tiền "đầu tư" - ví dụ như tăng tiền đóng góp quỹ, mua thật nhiều sữa, quẹt nhiều mã QR để lấy điểm nhằm "kích cầu" cho thần tượng.
Chiều 5/5, vài ngày sau scandal đổ sữa xuống cống, công ty quản lý của Dư Cảnh Thiên cũng đã lên tiếng xin lỗi vì để nghệ sĩ "chiếm dụng tài nguyên xã hội", đồng thời cho biết Dư Cảnh Thiên sẽ rút khỏi chương trình Thanh xuân có bạn 3.
Thanh xuân có bạn là một show truyền hình tạp kỹ của đài IQiyi nhằm tuyển chọn nhóm nhạc nam Trung Quốc. Chương trình quy tụ các thực tập sinh đến từ nhiều công ty giải trí khác nhau, từ đó tạo thành một nhóm nhạc nam 9 thành viên, thông qua phiếu bầu chọn của khán giả. Show nhận được sự quan tâm, yêu thích đặc biệt của khán giả trẻ, kèm theo lượng fan khủng. Thậm chí, các fan từng làm sập cổng bình chọn vì quá khích. Hồi tháng 3, thống kê trong thử thách "Gây quỹ trong thời gian có hạn" của show cho thấy, fan đóng góp cho thần tượng lên đến 6 triệu NDT tiền mặt (gần 1 triệu USD).
Về sự việc này, tờ People's Daily Online, Trung Quốc bình luận rằng việc thần tượng dựa vào người hâm mộ để chứng tỏ vị thế và giành lợi thế so với thí sinh khác "có phải thực sự là thần tượng?". Tờ báo cũng chỉ ra thực tế rằng cơn cuồng thần tượng cần được chấn chỉnh. Tờ này ví dụ một trường hợp người hâm mộ chỉ ăn bánh bao hấp và mù tạt, nhưng cô đầu tư rất nhiều tiền mình có cho thần tượng, do chịu sức ép là fan chân chính. Ngoài việc đóng tiền gây quỹ cho thần tượng, cô còn còn phải ra sức bảo vệ thần tượng trên mạng xã hội, thậm chí sẵn sàng tấn công các nghệ sĩ khác để bảo vệ ngôi sao của mình. Một số fan club còn dùng những lời lẽ khích bác để khuyến khích, xúi giục fan, hay gây sức ép bằng cách kết luận rằng người hâm mộ không ủng hộ thần tượng vì họ không yêu thần tượng thật lòng.
Nguyễn Hương (Theo Sina)