
Sau động đất gây sóng thần hôm 28/9, Palu chỉ còn lại đống đổ nát. Ảnh: Reuters.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) hôm 29/9 hứng chịu chỉ trích vì dỡ bỏ quá sớm cảnh báo sóng thần. Ông Rahmat Triyono, người đứng đầu BMKG, sau đó cho biết cơ quan này đã gỡ bỏ cảnh báo chỉ 34 phút sau khi phát đi do cảm biến đã bỏ lỡ những tín hiệu cảnh báo về cơn sóng thần khiến ít nhất 400 người thiệt mạng.
Sóng thần tràn vào Palu sau động đất hôm 28/9
Theo ông Triyono, BMKG áp dụng quy trình vận hành tiêu chuẩn và thực hiện "gỡ bỏ" cảnh báo dựa trên số liệu ghi nhận được từ cảm biến thủy triều ngoài biển, cách Palu khoảng 200 km.
"Chúng tôi không có dữ liệu quan trắc ở Palu. Vì thế, chúng tôi phải dùng dữ liệu này để quyết định", Reuters dẫn lời ông Rahmat Triyono, người đứng đầu BMKG, nói.
Ông này cho biết máy đo thủy triều, đo những thay đổi về mực nước biển, chỉ ghi lại một đợt sóng "không đáng kể", cao 6 cm mà không phát hiện ra những đợt sóng khổng lồ gần Palu.
"Nếu chúng tôi có máy đo thủy triều hoặc số liệu chính xác ở Palu, tất nhiên mọi chuyện đã tốt hơn. Đây là điều chúng tôi cần phải xem xét trong thời gian tới", ông Triyono nói.
Hiện chưa rõ sóng thần xảy ra trước hay sau khi cảnh báo được gỡ bỏ nhưng dựa vào những video lan truyền trên mạng, ông Triyono cho rằng sóng thần có thể xảy ra trước khi BMKG gỡ cảnh báo.
Trận động đất gây sóng thần ở Indonesia khiến giới nghiên cứu "bất ngờ". Theo Baptiste Gomber, nhà nghiên cứu địa vật lý ở ĐH Oxford, trận động đất này được tạo ra do hai khối kiến tạo va chạm với nhau theo chiều ngang, không phải chiều dọc và thường không gây ra sóng thần. "Có một số dự đoán rằng đã có một trận lở đất dưới biển, khiến lượng lớn nước bị hút xuống và gây nên sóng thần", chuyên gia này nói, bổ sung rằng cấu trúc hẹp và dài của vịnh ở Palu khiến sức mạnh của sóng thần tập trung vào một điểm khi ập vào bờ, gây ra sức tàn phá lớn hơn.
Bộ truyền thông Indonesia cho biết các cảnh báo liên tiếp được gửi cho người dân qua tin nhắn, trong khi Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB), nói rằng động đất gây mất điện, liên lạc bị gián đoạn và hệ thống còi báo động dọc bờ biển không hoạt động.
Trận động đất mạnh 7,5 độ gây sóng thần ập vào thành phố Palu, cách thủ đô Jakarta 1.500 km, hôm 28/9 làm ít nhất 384 người thiệt mạng. Giới chức nước này hôm qua cho biết số người chết có thể còn tăng. Hàng trăm người trước đó tập trung tại một lễ hội trên bờ biển ở Palu, khi những đợt sóng cao 6 m tràn vào bờ biển, cuốn đi mọi thứ trên đường đi của nó. Indonesia nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương và thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất. Năm 2004, trận động đất 9,5 độ gây sóng thần trên khắp khu vực Ấn Độ Dương, khiến 226.000 người ở 13 quốc gia thiệt mạng, trong đó có 126.000 người Indonesia Thành phố Palu xinh đẹp nằm ở cửa một vịnh hẹp phía đông bắc đảo Sulawesi, với khoảng 380.000 người. Năm 1927 và 1968, nơi này từng bị sóng thần "viếng thăm", theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB). |