- Nghề ca hát đã đem lại cho anh nhiều thứ khác ngoài sự nổi tiếng, anh thấy sao?
- Tôi hài lòng với bản thân mình, biết mình nhận được nhiều tình cảm của khán giả. So với những gì mình đã bỏ ra: công sức lao động miệt mài, những hy sinh, cả tuổi thanh xuân của tôi đã được trả xứng đáng. Dĩ nhiên, lúc nào tôi cũng hiểu khán giả là người trả lương cho tôi, chứ không phải bất kỳ một bầu sô nào.
- Đến lúc có được mọi thứ như hiện giờ, anh nghĩ mình đã mất thời gian bao lâu?
- Gần 10 năm, nếu tính từ lúc tôi bắt đầu lại, năm 1996. Tôi đã hát trước 1996 nữa, nhiều năm, nhưng không đâu vào đâu, bị dang dở nửa chừng hoài và có lúc tôi tạm nghỉ hẳn. Năm 1990-1991, tôi đã đi hát rồi, hát vòng vòng, xong rồi ngưng. Năm 1993-1994 đi hát lại, hát rồi chán, không đâu vào đâu lại dẹp. Nhưng khi chính thức quay trở lại, quyết tâm, không bỏ dở giữa chừng là khoảng 10 năm. Mình đam mê, có khả năng mà hát hoài không lên, thấy đau đớn. Ngày đó hát ít tiền, nhưng lễ, tết đâu được ở với gia đình, phải đi hát ở tỉnh. Tết là ngày nghỉ vui nhất, nhưng mình phải chạy đi hát 12-14 suất, lúc đó chạy hát tùm lum các công viên, tụ điểm...
- Anh nói "Trả giá bằng sự thanh xuân" là bởi chính vì nghề hát mà anh đã bỏ đi nhiều thứ, cả những mối tình và niềm vui riêng tư. Điều này thực hư thế nào?
- Đó là sự thật. Ví dụ đơn giản thôi, ngày cuối tuần, một gia đình bình thường, họ đưa nhau đi đâu đó chơi, đi ăn, hay hát karaoke một bài cùng với nhau, nhưng tôi không có cái cuối tuần đó. Tôi luôn phải đi kiếm sống bằng các tối cuối tuần. Tranh thủ, tất bật, cạnh tranh biết bao nhiêu trong nghề nghiệp, rồi lo chuẩn bị bài hát mới, CD mới thế nào, hình ảnh mình sẽ ra sao, rồi bản thân mình cũng phải trau dồi thêm... Nhiều thứ toan tính lắm, chứ không phải ngủ quên trên chiến thắng rồi lấy vinh quang cũ ra mà xài hoài. Phải xây tiếp nhiều cái vinh quang khác nữa chứ...
Không hiểu sao, ở Việt Nam, ca sĩ lập gia đình rồi thì fan bỏ chạy mất dép. Một điều rất nghiệt ngã! Tôi thấy tội nghiệp cho ca sĩ VN vì khi chọn gia đình, cuộc sống lứa đôi thì sẽ bị mất fan. Đó là điều rất lạ, rất ngạc nhiên, khác hoàn toàn với nước ngoài.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
- Phải chăng vì điều đó mà ca sĩ như các anh phải giấu đi chuyện tình cảm riêng tư?
- Thì phải giấu kín đi chứ ai dám công bố. Còn công bố chưa chắc đã yên thân, vì gặp người có tâm thì không nói, còn người xấu tính, xấu miệng, họ tung tin này nọ mình chịu không nổi đâu. Cá tính của mình, cá tính của họ, sao mình kiểm soát được; nội trong cánh nhà báo, họ viết kể chuyện đó nhưng cách ngắt dấu chấm, dấu phẩy cũng có thể gây hiểu sai ý và làm chết mình. Chính vì thế không ai dám chia sẻ chuyện riêng tư. Mà nghệ sĩ thì sự nhạy cảm cao hơn gấp 10 lần người bình thường. Nghệ sĩ lúc nào cũng thấy cô đơn, nằm bên cạnh người yêu cũng thấy cô đơn. Người ta xúm xít xung quanh, yêu thương mình cũng nhiều, nhưng mình lại không tìm thấy được tình yêu thật của mình. Vì thế rất là khổ. Có khi tôi cũng yêu một người mà người ta không yêu lại, rất khổ, nhưng mình phải chôn giấu trong lòng, không thể nói được.
Đó là chuyện cá nhân, còn sự thanh xuân đi liền với việc mình phải chịu cô đơn, không dám lập gia đình. Tới lúc lớn tuổi vẫn muốn cống hiến, xinh đẹp, hình ảnh tươi mới... Ai cũng muốn ở lâu trong lòng khán giả. Đã đạt đến vinh quang rồi thì khó dứt ra lắm; cũng như tới lòng ngưỡng mộ của khán giả rồi, khó rút chân, rút tay ra để bỏ nghề lắm. Tôi không tin có người nói sẽ bỏ nghề khi còn vinh quang, để giữ hình ảnh đâu.
- Nghệ sĩ để đạt đến thành công cũng phải “yêu” người mình không yêu, như anh vừa chia sẻ. Vậy anh có rơi vào trường hợp đó?
- Có thời gian. Nhưng tôi không dám khẳng định là chỉ người ta yêu mình, còn mình không yêu, vì sợ đó là chủ quan và như vậy sẽ ảnh hưởng đến người khác. Tình cảm của mình thì nói được, còn của người khác, khó nói lắm. Chỉ có thể khẳng định là tôi từng yêu người không yêu mình và thấm được nỗi khổ đó. Họ không hề có tiếng tăm, không hề có tiền bạc, nhưng mình vẫn yêu, mà họ lại không yêu đáp trả. Không phải nghệ sĩ nổi tiếng là có tất cả. Biết nói với ai, chia sẻ với ai, vì thế có những đêm đi hát, cảm xúc nhiều, khóc trên sân khấu. Có những câu hát bóp chặt tim mình, không kìm được lòng mình... Đang lúc này tôi vẫn thấy thấm nỗi đau đó (cười).
- Chuyện đánh đổi, thà có vị trí như bây giờ còn chấp nhận được, chứ lúc trước chưa là gì, đi hát loanh quanh, bèo bọt, không có tiền, anh cũng vẫn chấp nhận bỏ đi những niềm vui, những buổi tối cuối tuần, cả tuổi trẻ để đi suốt một chặng đường dài hơn 10 năm cơ cực. Anh muốn nói gì về điều này?
- Không hiểu sao tôi rất tin, tin lắm. Tin rằng tôi sẽ có ngày vinh quang, có ngày nổi tiếng và được yêu thích.
Năm 1997 tôi mới chính thức đi hát chuyên nghiệp trở lại, nhưng giờ thì có vinh quang trong tay được mấy năm rồi, vậy là chưa tới 10 năm khổ ải đâu. 2001 tôi đã trở thành hiện tượng của sân khấu ca nhạc rồi. Tôi tin vì biết khả năng của mình sẽ làm được những gì...
Tôi không nghĩ mà nhìn thấy thẳng những điều đó trực tiếp trước mắt trong những lần đi diễn chung. Thời tôi còn hát lót cho một số ngôi sao đang nổi, tôi đã nhìn, nghe họ hát và tự nói: hát như vậy mà cũng nổi tiếng được đó hả, rất buồn cười; và trong mắt tôi, họ là những ngôi sao ảo của thời điểm đó. Vậy thì đâu có sợ ai, mình hát hay hơn họ mà, tại thời mình chưa tới thôi. Lúc đó tôi tự nói với mình bằng câu hài hước: “Hãy đợi đấy!”. Những người thật sự có tài tôi mới quý, còn “sao ảo”, tôi xem thường, bởi có tài cán gì đâu mà làm ngôi sao.
- Anh tin có một lúc nào đó mình sẽ nổi tiếng, vậy thì anh cũng phải dồn lực vào một “trận đánh” nào đó để thay đổi số phận của mình?
- Lúc đó, tôi đã tự viết lời Việt cho một ca khúc lấy tên là Rồi sẽ có một ngày, sau đó tôi đổi lại lời khác để ra đĩa, đó là bài Tình ơi xin ngủ yên - một bước ngoặt trong nghề để tôi thăng hạng. Một mặt tôi tin mình, một mặt tôi lại tin có sự sắp đặt của bề trên. Tôi là người duy tâm và tôi tin ông tổ của nghề nhìn thấy tôi đang cố gắng mỗi ngày như thế nào. Tổ chắc chắn sẽ biết người nào có tâm với nghề thực sự và sẽ gọi tên người đó. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản vậy để củng cố niềm tin cho mình và chờ. Bên cạnh đó bản thân phải cố gắng rất nhiều.
Hồi mới đi hát, giọng của tôi rất tối, mờ nữa, tôi phải nghe ca sĩ này, ca sĩ kia hát và tự hỏi tại sao người ta hát như vậy, tôi tìm ra giải đáp cho bài toán làm cho mình tốt hơn. Chữ đó mình phải nhả thế nào cho giọng mình sáng lên, cục hơi mình đẩy như thế nào... Vừa đi hát, tôi cũng đi học thanh nhạc thêm và quan trọng nhất là học bạn bè mình. Không phải mình bê nguyên xi cái người ta hát vào trong cách hát của mình, đó là điều tôi nhận ra sau thời kỳ “hát giống Thanh Lam”. Nhưng qua việc để ý Thanh Lam, vô tình đã tạo cho tôi cục hơi và muốn hát sáng phải hát to hơn, lên cao giọng đoạn cần muốn phô bày giọng hát của mình. Quan trọng một điều nữa là tôi biết mình hát dở chỗ nào. Đến bây giờ, mỗi lần hát tôi đều áp dụng cách tôi mới học hỏi được để thử xem hiệu quả ra sao, để mình hát hay hơn và mới mẻ hơn. Đó là cách của tôi.
Tôi “lên” và có được như ngày hôm nay hoàn toàn không phải tranh giành, dẫm đạp lên ai để đạt mục đích mình muốn. Tôi chỉ làm hết tất cả những khả năng mà mình có thể. Tôi bước ra sân khấu, không muốn biết, không quan tâm ai vừa hát trước mình và ai sẽ hát sau. Tôi sẽ làm hết tất cả những gì tôi có cho khán giả sung nhất và người sau phải biết cách, phải biết làm cái gì để chống lại phần của tôi. Ngay cả “người nhà” hát sau, tôi vẫn bất chấp.
- Phải chăng anh quá tự tin nên mới không quan tâm đến ai hết?
- Tự tin là cái lớn nhất mà tôi có được. Bản thân Đàm Vĩnh Hưng không bao giờ cố làm cái điều gì đó không có trong máu của mình để rồi về tự cười với bản thân mình. Để bản thân, tâm hồn mình cười vô mặt mình, kỳ lắm. Tôi không cho phép mình như vậy. Rất tự tin ở mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh!
- Anh nói anh luôn tin một lúc nào đó anh sẽ nổi tiếng, nhưng khi anh đã đi hát hơn 10 năm rồi, thì lúc đó anh thấy còn điều gì để tin là mình sẽ nổi?
- Bây giờ, dù tôi có già, tôi vẫn tin vào tình yêu của khán giả, sự trung thành của khán giả dành cho mình. Cách sống, cách tôi chọn bài hát sẽ giúp tôi có được sự thành công. Bởi bài hát quyết định 50% việc tồn tại sự nổi tiếng của ca sĩ, phần còn lại là giọng hát và đạo đức của mình. Phải biết tính toán và đo lường. Tôi tin mình yêu thương thật lòng, hết lòng với mọi người thì chắc chắn người ta không thể nỡ lòng nào giao cho mình lại kẽm gai và nước mắt. Tôi tin điều đó!
- Anh mong muốn điều gì trong sự nghiệp?
- Tôi muốn đạp lên tất cả những điều đó để đi lên hơn nữa. Madonna có thể làm đảo lộn thế giới, Tina Tuner và Cher 62 tuổi bước ra sân khấu vẫn có thể làm mọi người, mọi giới cuồng nhiệt theo mà... Tại sao mình không làm được điều đó? Làm được điều này ở Việt Nam thì thật là hay! Tôi muốn trở thành huyền thoại của âm nhạc Việt Nam. Tôi muốn và tôi đặt ra phải làm được. Trước đây chưa có điều gì tôi muốn mà không làm được cả!
- Anh muốn cái “huyền thoại” đó sẽ ra sao, như thế nào?
- Cái huyền thoại của tôi là tất cả những cái quái dị của tôi, trong cách suy nghĩ, trong ăn mặc, cách sống, cách thể hiện trên sân khấu với những cá tính rất bốc đồng... Đó là những điều không có ở những người bình thường và cả những ca sĩ khác cũng không thể có được những cái kiểu như vậy. Nhưng nó lại có thật trong người Đàm Vĩnh Hưng, do chính con người Đàm Vĩnh Hưng tạo ra.
Tôi không cố tình xây dựng những điều rỗng bên trong vì như vậy rất nguy hiểm, nó không để lại gì cho cuộc đời cả. Người đời sau này có thể đọc cá tính của một người láu cá, bốp chát hay điên loạn. Và có thể trong 100 người không thích cũng có chục người thích kiểu ca sĩ khùng điên như thế. Tôi có nghe những huyền thọai về ca sĩ này, ca sĩ kia như tắm 5-6 tiếng đồng hồ trong phòng rải đầy hoa hồng... Đó cũng là một kiểu huyền thoại về cá tính của người nổi tiếng để lại và người ta có thể đọc được. Có thể người này không thích nhưng người khác lại thích. Tôi cố gắng làm điều đó.
Tới giờ phút này, tôi nhìn lại mình cũng thấy có một số huyền thoại. Tôi đi hát trễ, khi tuổi không còn trẻ, rồi vẫn nổi tiếng ở cái tuổi trên 30 cũng là một huyền thoại. Nói huyền thoại nghe cũng ghê gớm, nhưng cũng là một kỳ tích, một biến cố, như kiểu nghệ sĩ cải lương Tài Linh, nằm mơ thấy đi hát nổi tiếng và chị đã đi hát rồi nổi tiếng thật. Một người ca sĩ ngay thời điểm này, ở tuổi này, đi hát vẫn còn thắng rất nhiều bài cũng là một huyền thoại.
Đĩa người ta thường chỉ có 1 bài hit, hoặc đĩa trước có, đĩa sau không được hot bài nào, nhưng với Đàm Vĩnh Hưng, không phải nói tự kiêu, đĩa nào cũng có bài hit, đĩa nào cũng để lại dấu ấn. Đó là tôi biết cách chọn bài - coi như là “huyền thoại” nếu tôi là ca sĩ có nhiều bài hit nhất trong số các CD đã phát hành. Rồi tôi cũng là ca sĩ có nhiều scandal trước đây, ca sĩ bị ghét, bị ác cảm nhiều nhất với một số người, nhất là với báo chí. Báo chí có thể không thích những người này, nhưng không thể nào phủ nhận tài năng của họ. Đó cũng là một trong những kiểu huyền thoại đó chứ!
- Nói như vậy thì có hơi quá không, ngay cả từ “huyền thoại” mà anh dùng để đặt tên cho những cái “quái” của mình?
- Đó là ước mơ, mong muốn của mỗi người nổi tiếng. Như cô Thanh Nga là một huyền thoại của sân khấu cải lương vì có nhiều điều để nói về cô: nhiều cá tính, đức tính của cô đối với đồng nghiệp, sự xuất thần trên sân khấu... Đúng là dùng từ “huyền thoại” thì hơi quá, chưa tìm được từ nào khác hơn để nói, nhưng với nghệ sĩ, dùng từ đó là hợp lý nhất.
- Sự ngông cuồng, bốp chát rồi báo chí không thích khiến anh trở thành huyền thoại, vậy anh sẽ phát huy những cái "quái" đó để tiếp tục nổi tiếng?
- Tôi đã nói, tất cả những cá tính của tôi là có thật trong người tôi chứ không cố. Tôi nói những điều vừa kể trên là chỉ để làm ví dụ khi nói về huyền thọai. Vì câu hỏi và trả lời ở trên đang nói về chuyện trên 30 tuổi vẫn thành “sao” và vẫn nổi tiếng, ra sân khấu, khán giả trẻ vỗ tay rầm rầm điên cuồng. Cho nên tôi mới nói muốn thành “huyền thoại” như vậy! Ở Việt Nam phải có một người như vậy. Đa số tâm lý của ca sĩ Việt Nam là nghề này ngắn lắm, vinh quang một thời là đủ rồi, đến thời khác để người khác “lên”... Tôi phải làm được, ít nhất 50 tuổi, sự xuất hiện của mình làm sao bắt buộc phải gây cho người ta sự thảng thốt: hôm nay Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện. Tôi sẽ “làm” để giới trẻ cũng muốn đi xem...
- Muốn đi hát mãi mãi đến già thì chuyện mơ một mái ấm gia đình sẽ không thành, vì như anh nói thì nghề hát lấy mất của anh cuộc sống riêng. Vậy có nghĩa là anh chọn cuộc sống độc thân?
- Có lúc tôi đã nghĩ: đến thời điểm nào đó, mình sẽ có cuộc sống riêng của mình, trong sự khép kín, vậy là đủ rồi. Không ai muốn đem hạnh phúc của mình ra phơi bày cho người ta xem. Bản thân tôi cũngvậy, chỉ muốn có một gia đình, một cuộc sống càng kín đáo càng tốt.
- Nhưng anh từng là kiểu người khi yêu muốn hét lên cho cả thế giới biết mình đang yêu mà?
- Đúng. Tôi đã đi qua những điều đó hết cả rồi. Cuối cùng nhìn lại, cái còn lại là chỉ cần hai người biết, hai người hiểu là đủ lắm rồi. Thật sự mình từng muốn hãnh diện cho người ta biết mình đang yêu, hạnh phúc thế nào với tình yêu của mình. Rồi cuối cùng, về nhà cũng chỉ còn có hai đứa, những vui buồn người ta biết, người ta dệt nên chuyện khác cũng không chừng.
- Gần đây, trên báo, trên mạng nghe rất nhiều lời “hét lên” của anh rằng anh yêu Mỹ Tâm với tình yêu đơn phương thầm lặng? Vì sao vậy?
- Lúc đó tôi đang “happy” và tôi không công bố tôi đã “được” Mỹ Tâm hay kiểu như tôi và Mỹ Tâm đang yêu nhau. Tôi mà yêu người nào thì tôi sẽ nói cho người đó nghe và vì tôi là người của công chúng nên là tâm điểm của sự chú ý. Tôi sống theo bản năng, thích thì nói thích, ghét nói ghét, yêu nói yêu. Tôi không lừa dối cảm giác của mình. Tôi muốn nói, muốn cho người ta biết tôi đang yêu người đó rất nhiều, người đó phải biết cảm nhận của tôi, dù có thể không yêu lại.
- Vì anh nói, yêu thì chỉ muốn im lặng cho hai người biết thôi, còn giờ ồn ào quá như vậy, nhiều người nghĩ chỉ là cho vui, chứ yêu đương gì giữa Đàm Vĩnh Hưng - Mỹ Tâm?
- Chúng tôi vừa thống nhất với nhau: sẽ không để thông tin nào trên báo về hai đứa nữa, chỉ cần hai đứa biết là đủ rồi. Vô tình fan chụp hình lúc đi diễn, có những sinh họat với nhau và cảnh tôi ôm hôn Mỹ Tâm... Tôi thích nhất cái eo của Mỹ Tâm. Tôi thích cô ấy không phải mới đây thôi đâu, 6-7 năm nay rồi, nhưng tôi không muốn vướng vào chuyện tình cảm nhiều để sự nghiệp của tôi đứng lại. Thời điểm đó chưa đủ để tôi thấy mình đủ sức bảo vệ, đủ sức lo cho Tâm nên không dám nói.
Ai muốn tin, hay không tin cũng chẳng quan trọng gì hết. Tôi không phải là người sống sợ dư luận nên không quan tâm. Chỉ cần người ấy cảm nhận được, tôi đang sống vì người ấy, tôi đang làm tất cả những gì có thể làm được vì người ấy...
Tôi không bao giờ biết sợ dư luận nên không thể chạy trốn dư luận để làm nên scandal để che lấp điều gì hết. Tôi không có thiếu tiền bạc để dựa dẫm vào người nổi tiếng để kiếm tiền bạc, cũng không thiếu tiếng tăm, hay đang bị lu mờ để dựa vào nhau cùng sáng chói. Điều đó là hoàn toàn không có. Tôi có nhà cửa, có tiếng tăm, tiền bạc đầy đủ. Vì thế, những người nào có suy nghĩ ấu trĩ cho rằng tôi gây scandal sẽ xúc phạm vào tình cảm của tôi. Nhưng nói sau lưng là quyền của mỗi người, còn đứng trước mặt tôi mà nói là biết liền!
- Anh nói không sợ dư luận nhưng chưa bao giờ nói rõ về giới tính của mình khi có người hỏi. Vì sao vậy?
- Bản thân tôi thì dễ. Nếu như trên cuộc đời này còn có mỗi Đàm Vĩnh Hưng thì dễ, đằng này tôi còn mẹ, còn tương lai của tôi... Tương lai của tôi - tất cả những gì tôi đặt ra và muốn làm sẽ bị một cái vết rất khủng khiếp sau này, cho bất kỳ mọi cái “đơn xin việc” nào của tôi sau này. Có những lúc tôi như người giang hồ, có nhiều vết chém trên người, đứng im cho thường dân xét xử. Nếu tôi là người bình thường, người nào xúc phạm, tôi bóp cổ và làm tới liền, nhưng vì là người của công chúng, tôi phải chịu đứng im để ai cũng xét xử được mình đủ thứ về con người, tình cảm, và cả giới tính, chuyện riêng tư của tôi nữa... Tôi chấp nhận.
Đã là con người thì không nên xem thường, nói xấu, phân biệt tình cảm của bất kỳ người nào, giới tính nào. Tình cảm của con người, tôi luôn trân trọng. Bản thân tôi cũng là con người mà và tôi sống đúng với những gì bản thân mình có được và con người mình cho phép mình làm được. Còn về dư luận về tình cảm cá nhân, như chuyện Mỹ Tâm, tôi nói hoài, tôi giang hồ, bất chấp, sao cũng được, nhưng còn người ta nữa, tên tuổi của người ta nữa, nhiều khi sau này không thành thì sao. Tôi sợ những cái vết như vậy ảnh hưởng đến người ta trong cuộc sống sau này.
- Đến lúc nào thì Đàm Vĩnh Hưng mỏi mệt, muốn dừng chân trong hành trình “buồn nhiều hơn vui” đó để chọn một gia đình với “ngôi nhà và những đứa trẻ”?
Tôi đã tự hứa với mình, với bạn bè của mình rằng tôi sẽ dừng lại tất cả cuộc chơi ở tuổi 35. Ngày xưa, tôi từng nghĩ và tiên đoán: ở tuổi 35, tôi sẽ dừng lại mọi cuộc chơi, bỏ lại sau lưng tất cả mọi thứ vui. Nhưng giờ thì nghĩ khác, hãy cứ để xem, cuộc vui có còn vui không, không vui thì đi chơi trò mới (cười). Nói nghiêm túc lại, là thật sự khó nói, cần thời gian để có câu trả lời, để sẻ chia. Nhưng chắc chắn một điều rằng, Đàm Vĩnh Hưng sẽ là người đi hết con đường mà mình đã chọn lựa, và quyết định sống đúng với con người thật của mình!
(Theo Thanh Niên Tuần San)