Đào Minh Châu sinh năm 1993 ở Phú Thọ. Cô được biết đến như một "doanh nhân vàng" thế hệ 9X, sở hữu công ty riêng với 700 thành viên ở tuổi 23. Ít ai biết, cô giám đốc trẻ xinh đẹp này từng trải qua tuổi thơ cơ cực khi cha mất sớm. Minh Châu tâm sự: "Tôi không may mắn được lớn lên trong một gia đình giàu có, tôi cũng không có được sự chăm sóc của cha ngay từ khi còn quá nhỏ. Thế nhưng, tôi có một người mẹ tuyệt vời. Suốt bao năm qua, tôi biết mẹ cố gắng sống vì tôi nhiều hơn vì bản thân mình". Vậy nên, đối với Minh Châu, đến thời điểm này, vinh quang lớn nhất của cô không phải là "tiền tài, danh vọng" mà là được "gần mẹ".
Minh Châu chia sẻ, mẹ cô, bà Bùi Thị Yến, đã có 29 năm công tác trong nghề giáo. Vì thế, ngoài Ngày của mẹ, ngày 20/10, ngày 8/3, cô có thêm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để chúc mừng mẹ. Minh Châu thừa nhận, trong 29 năm làm nghề "đưa đò" của mẹ, cô chính là đứa học trò "ngỗ nghịch, cứng đầu" nhất mà mẹ cô phải dạy dỗ, "khuyên răn cả một đời".
Doanh nhân 9X nhớ lại về sự ra đi của bố cô: "Bố đổ bệnh một tháng và ra đi, con không biết diễn tả nỗi đau ấy thế nào vì nó quá lớn, nó vượt qua cả sức chịu đựng tưởng như mạnh mẽ của mẹ. Bố mất khi căn nhà mới dựng xong khung, bao nhiêu món nợ còn đó dồn lên vai mẹ, chỉ có con nhìn thấy 10 năm mẹ gồng mình tảo tần để trả hết nợ nần".
Gia đình thiếu vắng bóng người chồng, người cha nhưng mẹ Minh Châu vẫn cố gắng lo cho cô "bằng bạn bằng bè. "Bố xa hai mẹ con mình, thế là mẹ vừa làm mẹ, vừa làm bố, vừa làm cô giáo của con. Mẹ thương con mồ côi bố quá sớm nên nuông chiều con để con có thể tự hào rằng con chẳng thiếu thốn điều gì trên thế giới này. Thế nên con chỉ biết rằng, bạn bè có gì, con phải có cái đó. Chẳng bao giờ con tự hỏi rằng mẹ đã phải tiết kiệm ra sao để mua cho con thứ đó, mẹ đã vất vả, lam lũ thế nào để con có thể mỉm cười".
Minh Châu kể lại, khi cô muốn có xe máy để đi học thêm vì không muốn đạp xe dưới cái nắng chang chang của mùa hè, mẹ cô đã nói: "Từ ngày mẹ đi dạy cho tới lúc về hưu, mẹ để dành được bốn cây vàng. Giờ mua cho con một chiếc xe, mẹ phải bán đi hai cây. Mẹ tính để số vàng ấy để xin việc cho con nếu cần, để cho con chút quà hồi môn khi gả chồng, để lỡ bệnh tật ốm đau, mẹ có tiền mà chạy chữa...".
Lúc đó, Minh Châu chỉ biết "thương mình" mà không "thương mẹ", cô nằng nặc khẳng định: "Mẹ mua cho con đi, con sẽ đỗ Đại học". Tuy nhiên, giây phút ấy, Minh Châu đã nhận ra nhiều điều: "Và con biết chiếc xe ấy là món quà đắt tiền duy nhất và cuối cùng mẹ có thể mua tặng cho con. Con hư quá mẹ nhỉ? Nhưng lúc nào con cũng thầm cảm ơn thời khắc ấy, câu nói của mẹ như cứa vào tim con, giúp con nhận thức mọi giá trị trong cuộc sống. Mỗi ngày, con đều dặn mình nhất định phải thành công".
Thế nhưng mẹ Minh Châu chưa bao giờ hối hận vì những điều này: "Có lần con bảo mẹ, nếu thanh xuân quay về một lần nữa, mẹ đừng hy sinh hết thảy cho con như thế, mẹ cứ đi đến những nơi mà mẹ thích, mua chiếc áo dài mẹ muốn mua để thật lộng lẫy mỗi khi gặp lại những thế hệ học trò cũ. Lúc ấy, mẹ rơm rớm nói với con: 'Không đâu, nếu có quay trở về, mẹ vẫn muốn dắt tay con chầm chậm trưởng thành như thế! Vinh quang của mẹ là dạy con sống tốt!".
Giờ đây, khi đã trở thành mẹ của hai đứa con nhỏ, Minh Châu mới thấu hiểu nỗi lòng của mẹ cô: "Bây giờ con đã trưởng thành hơn, người ta nói con thành công quá, con có thể mua những chiếc xe, những căn nhà và đón mẹ về ở chung. Thành công với người ta là có 'công danh sự nghiệp', là đêm đêm được ngủ trên chiếc giường trăm triệu, trong căn phòng triệu đô. Còn với con, vinh quang đẹp nhất là gần mẹ! Mẹ! Vinh quang của con!”.
>> Nguyên văn tâm thư gửi mẹ của doanh nhân 9X Đào Minh Châu
Hà Thu