Vài tháng nay, tài khoản mạng xã hội của Kailey Davis (29 tuổi) tràn ngập hình ảnh của những người ảnh hưởng (KOL) đội mũ mềm, mặc những chiếc váy trắng lộng lẫy đi dạo quanh các ngôi nhà nhỏ màu trắng và xanh nằm ở ven biển. Thế là Davis quyết tâm đến Nantucket - hòn đảo được ví đẹp như tranh vẽ với thiên nhiên hoang sơ và yên bình nằm ở bang Massachusetts - vào mùa hè này.
Đây là "cái nôi của gu thời trang bà ngoại miền duyên hải", Davis, người sống ở Bethesda, bang Maryland, nói. Nhờ xu hướng "bà ngoại miền duyên hải" này, nhiều KOL và người theo dõi họ đổ xô đến Nantucket và các vùng ven biển khác.
Lex Nicoleta (26 tuổi) là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ "bà ngoại miền duyên hải" trong một video TikTok đăng tải vào tháng 3 đã lan truyền rộng rãi. "Nếu bạn yêu thích các bộ phim của Nancy Meyers, phong cảnh vùng ven biển, công thức nấu ăn hay nội thất ấm cúng... rất có thể bạn là một bà ngoại miền duyên hải. Và không cần bạn phải già đi mới được gọi như vậy", cô nói.
Hashtag #coastalgrandhesia (bà ngoại miền duyên hải) hiện có hơn 188 triệu lượt xem trên TikTok và những người trong ngành du lịch đang tận dụng xu hướng này. "Tôi đã nghe thuật ngữ này và rất thích", Joanne Logie, người sáng lập New England Vacation Rentals, nói.
Logie nhận thấy xu hướng này đang nổi lên trong thời kỳ đại dịch và bắt đầu đầu quảng bá những ngôi nhà cho thuê của mình với các chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội như nội thất ấm cúng, có ghế dài ngoại cỡ, không gian làm việc sáng tạo, giá sách đầy màu sắc và vườn thảo dược.
Shantaw Bloise-Murphy - Giám đốc văn hóa và du lịch Nantucket - nói rằng xu hướng "bà ngoại miền duyên hải" và mạng xã hội đã giúp thúc đẩy du lịch đến hòn đảo nhỏ ngoài khơi Cape Cod này. Phòng Thương mại đảo Nantucket đang "tích cực quảng cáo Nantucket cho du khách" và tài trợ để các KOL đến chia sẻ hình ảnh về hòn đảo. Bloise-Murphy dự đoán lượng khách đến hòn đảo sẽ tăng 20 đến 30 lần.
Abigail Fox Designs - một cửa hàng quần áo và quà lưu niệm ở Nantucket - cũng ngày càng đông khách. Một chiếc áo len cổ lọ với bản đồ của Nantucket được khâu trên khuỷu tay đã bán hết tới hai lần tái sản xuất. "Sự thanh lịch giản dị đã được dùng để định nghĩa Nantucket từ lâu. Tôi nghĩ đó là trọng tâm khiến bà ngoại miền duyên hải trở nên hấp dẫn", một đại diện của cửa hàng nói.
Tuy nhiên, làn sóng khách du lịch đổ xô đến đảo khiến một số cư dân địa phương không hài lòng. Leah Valentine Hull, 25 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Nantucket, nói cô xem thường những người đến chỉ để "theo đuổi gu thẩm mỹ bà ngoại miền duyên hải" vì họ đang xóa sạch bản sắc của người bản xứ. Cô cho biết gia đình đã sống ở nơi từng là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ trong gần 10 thế hệ nhưng giờ "đang chết dần" vì hòn đảo "đã trở nên đơn điệu" và giá cả leo thang.
Không phải tất cả những người bản xứ Nantucket đều hắt hủi những "bà ngoại miền duyên hải" đến thuê nhà trong ngắn hạn. Nick Johnson (35 tuổi) là thế hệ thứ bảy sống trên đảo và là chủ sở hữu của Câu lạc bộ Lướt sóng Nantucket cùng hai căn nhà cho thuê ngắn hạn và một số căn nhà cho thuê dài hạn trên đảo. "Chúng tôi sẽ tự bắn vào chân mình nếu không có nhiều khách du lịch đến tham quan Nantucket", anh nói và cho biết thêm việc cho thuê ngắn hạn có lợi hơn cho thuê dài hạn và là cách duy nhất mà nhiều cư dân địa phương có thể trụ lại ở lại hòn đảo.
Sơn Nam (Theo New York Post)